07/11/2015 11:10 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Điểm chung nào trong sự ra đời tất cả các Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp trên thế giới này? Đó là khi cầu thủ bóng đá cảm thấy họ cần đứng cạnh nhau, đoàn kết bên nhau, chiến đấu cùng nhau vì lợi ích của chính mình.
Hiệp hội Cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp Anh (PFA) ra đời ngày 2/12/1907. Đây là tổ chức đại diện cho quyền lợi của cầu thủ chuyên nghiệp Anh và xứ Wales, là hiệp hội thể thao lâu đời nhất thế giới, hiện có 4.000 thành viên. Mục tiêu của PFA và bảo vệ, nâng cao các điều kiện thi đấu, tập luyện, sinh hoạt của cầu thủ, thực hiện sứ mệnh đàm phán với các CLB.
Giống như những gì đang diễn ra tại Việt Nam, PFA ra đời khi cầu thủ Anh thấy quyền lợi của họ bị đe dọa và cần phải đoàn kết lại. Ngày 2/12/1907 là ngày lịch sử của PFA khi bộ đôi cầu thủ Manchester United (“fan Quỷ đỏ” nên cảm thấy tự hào) là Charlie Roberts và Billy Meredith hiệu triệu các đồng đội. Buổi lễ tổ chức ở khách sạn Imperial tại Manchester.
PFA ra đời trên nền tảng là sự thất bại của AFU (một hiệp hội tương tự) ra đời năm 1898. AFU đã thất bại trong mục tiêu nâng mức trần lương 4 bảng/tuần và mở rộng hoạt động chuyển nhượng cho cầu thủ Anh. Đó cũng là mục tiêu đầu tiên của PFA.
PFA non trẻ vừa ra đời lập tức bị Liên đoàn bóng đá Anh (FA) tấn công. Cuộc chiến bắt đầu khi FA đe dọa cấm thi đấu tất cả những cầu thủ có quan hệ với PFA. Khi “phe cách mạng” lùi bước, những người con của Manchester United đã không đầu hàng.
Họ là CLB duy nhất từ chối việc phản lại các thành viên của mình. Họ chịu án phạt khủng khiếp từ FA và phải đưa hàng loạt cầu thủ nghiệp dư vào đội hình. Do không đủ nhân sự, Manchester United phiên bản 1909/10 có biệt danh “Outcasts FC” (đội bóng bị ruồng bỏ).
Kỳ tích sản sinh từ đây. Outcasts FC với thành phần gồm rất nhiều cầu thủ nghiệp dư kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 5, đánh bại Liverpool 4-3 trong ngày ra mắt thánh địa Old Trafford. Thành công của họ cộng hưởng cho chiến dịch của PFA. Cuối năm đó, Tim Coleman của Everton lên tiếng ủng hộ United. Chiến dịch kết thúc khi FA buộc phải thỏa thuận thưởng thêm ngoài lương cho các cầu thủ.
Từ đó trở đi, sau hơn 100 năm tồn tại, PFA đã luôn là ngọn cờ đầu của cầu thủ Anh trong cuộc chiến bảo vệ quyền lợi của mình. Jimmy Hill mang tới bước ngoặt cho PFA vào năm 1956 khi khởi xướng chiến dịch tăng trần lương lên 20 bảng. Tháng 1/1961, huyền thoại Jonny Haynes của Fulham trở thành cầu thủ đầu tiên hưởng lương 100 bảng/tuần. Đến năm 1963, tòa án ra phán quyết mở rộng quyền chuyển nhượng cho các cầu thủ - bước đầu tiên trên con đường tiến tới thời đại toàn cầu hóa của bóng đá.
Ngày nay, PFA là một tổ chức khổng lồ với quyền lực và ảnh hưởng lớn lao. Sự ra đời và tiến trình lịch sử của PFA khẳng định tính cần thiết của các Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp trên toàn thế giới.
Sự ra đời ấy là tất yếu không thể tránh khỏi của lịch sử. Một nền bóng đá chuyên nghiệp phải có một Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp.
Vì sao VFF từ chối Hiệp hội cầu thủ? Hôm qua Thể thao & Văn hóa đã liên hệ với lãnh đạo VFF để hỏi về việc tại sao đến nay VFF vẫn chưa cấp phép cho sự ra đời của Hiệp hội Cầu thủ Việt Nam. Tuy nhiên, mọi nỗ lực liên hệ qua điện thoại với TTK VFF Lê Hoài Anh trong ngày hôm qua đều không nhận được câu trả lời, kể cả trong trường hợp gửi trước nội dung muốn hỏi ông Hoài Anh qua tin nhắn, còn Phó Chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn lại đang bận công cán nước ngoài. |
Bạch Dương
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất