(TT&VH) - “Chúng ta vẫn chưa đạt được các mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2008-2010 của Đề án tổng thể bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Hơn nữa, chất lượng môi trường nước trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai nhìn chung vẫn chưa được cải thiện đáng kể, trừ sông Thị Vải sau vụ việc Công ty Vedan” - Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên tại phiên họp Ủy ban BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, hôm qua 11/12.
Theo báo cáo của Trung tâm Quan trắc Môi trường của Tổng cục Môi trường, hệ thống sông Đồng Nai đang chịu sức ép môi trường ngày càng lớn do các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của 11 tỉnh, thành trong lưu vực sông. Hiện trạng nước mặt sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm nặng do các hoạt động phát triển của các ngành công nghiệp và tập trung chủ yếu các đoạn sông chảy qua các tỉnh thuộc vùng trọng điểm phía Nam, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp và đô thị. Các chỉ số N-NH4, BOD5, COD... đều vượt quy chuẩn Việt Nam. Xung đột lợi ích cục bộ giữa các tỉnh Đề án tổng thể BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trong 2 năm (2009, 2010) đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Như mức độ ô nhiễm môi trường có cải thiện, rõ rệt nhất là hiệu quả từ việc xử lý vụ Vedan đối với chất lượng sông Thị Vải. Bên cạnh đó, hệ thống quan trắc và giám sát môi trường đã được đầu tư, nhận thức về BVMT của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai được nâng cao... Hội nghị Ủy ban BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai
Tuy nhiên, nhiều đại biểu nêu vấn đề, Ủy ban BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đi vào hoạt động gần 2 năm, nhưng hiệu quả chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong đó có vấn đề chưa thống nhất cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong lưu vực trong công tác BVMT, chưa có khung thống nhất cho việc xây dựng và triển khai Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, khó khăn về ngân sách. Nổi cộm nhất là tình trạng xung đột lợi ích cục bộ giữa một số tỉnh, thành, như việc tỉnh này không đồng ý cho doanh nghiệp hoạt động vì nhạy cảm với môi trường thì tỉnh khác lại chấp thuận và có trường hợp doanh nghiệp hoạt động tỉnh này nhưng lại gây ô nhiễm môi trường ở tỉnh khác.Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên lưu ý tại hội nghị: “Các tỉnh, thành trong hệ thống sông Đồng Nai khắc phục ngay các xung đột lợi ích cục bộ, tuyệt đối tránh tình trạng vì lợi ích của địa phương mình mà bất chấp thiệt hại về lợi ích của các địa phương khác trên lưu vực”. Cân nhắc kỹ trước khi xây dựng nhà máy thủy điện mới Ngay trong năm tới, 11 tỉnh, thành tập trung các nhiệm vụ quan trọng như: kiểm soát ô nhiễm nước do đô thị, công nghiệp; đảm bảo dòng chảy thông thoát cho các sông thuộc hệ thống sông Đồng Nai; giải quyết vụ bồi thường thiệt hại của Công ty Vedan; bảo vệ chất lượng và trữ lượng nước thượng nguồn sông Đồng Nai trước tác động của điều kiện khí hậu; kiểm kê, đánh giá hiện trạng che phủ rừng và đề xuất giải pháp phát triển rừng, tạo nguồn sinh thủy bền vững cho lưu vực sông Đồng Nai. Cá ở làng bè Tân Mai chết hàng loạt vì chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm
Trao đổi với ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai về tình trạng phá rừng đầu nguồn và vấn đề thủy điện ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững cho lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, ông Lê Hoàng Quân khẳng định: “Các nhà máy thủy điện đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng phát triển vậy là đủ rồi. Chúng tôi có kiến nghị với các cơ quan trung ương cân nhắc kỹ trước khi phát triển nhà máy thủy điện khác”. Đối với các doanh nghiệp cố tình tái phạm trong lĩnh vực BVMT, ông Lê Hoàng Quân cho biết: “Chế tài chưa đủ mạnh cũng là một trong những nguyên nhân. Nếu doanh nghiệp tái phạm 2, 3 lần là đề nghị có phương án xử lý rút giấy phép kinh doanh, đây là biện pháp chế tài hiệu quả nhất đối với những doanh nghiệp thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, chạy theo lợi nhuận”.Mức độ ô nhiễm kênh Ba Bò ngày càng nặng
Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM đánh giá: “So với năm 2008, mức độ ô nhiễm năm 2010 bởi các chỉ tiêu DO, COD, TSS, Coliform... có xu hướng gia tăng. Khu vực thượng nguồn kênh Ba Bò là nơi tiếp nhận trực tiếp nước thải công nghiệp từ các khu công nghiệp Sóng Thần 1, 2 và các cơ sở thuộc tỉnh Bình Dương bị ô nhiễm nặng nhất. Càng về phía hạ nguồn, mức độ ô nhiễm giảm dần do có sự tác động pha loãng của nước sông Vĩnh Phú và sông Sài Gòn”.
Đại tá Phan Hữu Vinh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Môi trường cho biết: Mặc dù bỏ ra rất nhiều tỷ đồng nhưng tình trạng ô nhiễm tại kênh Ba Bò vẫn kéo dài. Cục sẽ chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường tại địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng sẽ làm mạnh tay đối với tình trạng ô nhiễm tại kênh Ba Bò. |
Anh Đức