05/05/2018 07:30 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều người mới nghe Dance Me To The End Of Love tưởng Leonard Cohen hát ngất ngây như một gã si tình. Quả thật ông hát từ tình yêu, nhưng đúng hơn là nỗi thương cảm dành cho người Do Thái xấu số. Một dân tộc mà Leonard Cohen luôn khiêm tốn đặt mình bên ngoài cộng đồng, song chưa từng chối bỏ dòng máu đang chảy trong huyết quản.
Dance Me To The End Of Love có lẽ chỉ nên nghe từ chính Leonard Cohen. Không phải vì ông là người Do Thái. Trên thực tế Leonard Cohen đã tự đặt mình ra ngoài cộng đồng Do Thái bởi sự xa cách nhất định từ ngày thế hệ trước trong gia đình ông di cư sang Canada.
Nên nghe từ Leonard Cohen, để cho chất giọng ám khói của ông đẩy lên những cái đinh nhọn của bi kịch, xuyên qua lớp phủ ca từ nồng nàn, xuyên tận đáy sâu sự thấu cảm trước nỗi đau tột cùng của dân tộc xấu số bậc nhất lịch sử loài người.
Cây vĩ cầm rực lửa: Đau đớn hay hi vọng?
Vụ thảm sát Do Thái hồi Thế chiến II gây chấn động nhân loại. Bi kịch hiện hữu qua con số hơn 6,5 triệu người chết, số lượng trại tập trung hay muôn hình vạn trạng chiêu trò tra tấn của phát xít Đức.
Còn Leonard Cohen chạm đến bi kịch bằng một chi tiết cực “đắt”. Một cảnh tượng đẹp nhưng cũng chính vì thế, xót xa đến xé lòng.
“Bài hát nảy sinh từ một tấm ảnh tôi nhìn thấy ngày còn là một đứa bé. Trong đó, hiện lên cảnh một nhóm nhạc côngmặc trang phục tù nhân tại một trại tập trung của quân phát xít, họ bị bắt chơi nhạc bên cạnh những đám khói mịt mù. Khói của đạn pháo, và khói của tro cốt đồng bào” - Leonard Cohen từng chia sẻ.
“Họ biểu diễn trong khung cảnh kinh hoàng, và chờ đợi một cái kết kinh hoàng sắp đến với chính mình”.
Cảnh tượng ấy ám ảnh ông mãi đến năm 1984, khi đã trở thành một “bậc thầy ngôn từ”, ông trút tất cả vào trang giấy. Leonard Cohen không chịu kể về quá trình viết ca khúc.
“Mỗi bài hát đều có một loại hạt giống mà ai đó trao cho bạn, thế giới trao cho bạn. Sự phát triển bài hát là điều bí ẩn”.
Dance Me To The End Of Love mang hình thức của một bản tình ca. Không có nhiều chi tiết “rỉ máu” trong ca khúc này. Nhưng ngay tại câu mở đầu, Leonard Cohen đã có một chi tiết gây ám ảnh.
“Hãy nhảy cùng anh đến tận cùng vẻ đẹp của em với cây vĩ cầm rực lửa”. Tại sao lại là vĩ cầm? Leonard Cohen nói: “Tôi nghĩ mọi người chẳng cần phải biết tôi lấy hình ảnh đó từ đâu”.
“Ý nghĩa ở đây, là vẻ đẹp nằm trong kết thúc của sự sống và yếu tố đam mê trong sự kết thúc đó” - ông nói -“nhưng chính nó, và cả bài hát cũng có thể coi là sự đầu hàng trước người thương. Cho nên không quan trọng mọi người có hiểu gốc rễ của biểu tượng ấy không. Ngôn ngữ bắt nguồn từ đam mê sẽ tìm ra cách ôm ấp mọi hoạt động đam mê”.
Cảm xúc đau đớn được Leonard Cohen đẩy lên ngay từ những câu đầu, rồi càng về sau càng dịu dần, cho đến khi nó chuyển hóa thành hi vọng. “Nhảy với anh vì những đứa trẻ yêu cầu được ra đời”.
Phải chăng đó cũng là cách người Do Thái đứng dậy sau những đày đọa, miệt thị và khổ ải? Bằng cách giữ trọn vẹn niềm tin, đam mê và ngọn lửa hi vọng yêu thương.
Thành hình bằng bộ hòa âm rẻ tiền
Dance Me To The End Of Love là track mở đầu album Various Position của Leonard Cohen ra mắt năm 1984. Người cùng ông thực hiện bản phối cho ca khúc này là nhà sản xuất John Lissauer.
“Dự định của tôi là cùng với Leonard Cohen làm một album với 1 hoặc 2 bài hát trọng yếu có thể đưa danh tiếng của ông ra quốc tế, và tôi thấy chúng tôi đã làm được”, đúng như lời John Lissauer từng chia sẻ, trong album đó có Hallelujah và Dance Me To The End Of Love”.
“Thú vị là tôi không hề chia sẻ dự định ấy với Leonard, cứ để tự nhiên vậy thôi” - John Lissauer nói thêm.
John Lissauer cũng tiết lộ, bản phối demo được ông cùng với Leonard thực hiện trên một bộ hòa âm rẻ tiền mua tại Broadway, hiệu Casio. “Ông ấy (Leonard) bắt đầu hát, vừa bấm phím này phím kia, tôi cũng bắt đầu hình dung khi ghép với các nhạc công thật thì ra sao”.
“Leonard nhe răng cười như một cậu học sinh. Ông ấy thích sự đơn giản của nó, và cách các nhạc công không làm quá nó lên. Ông rất ngang bướng, nếu khác đi thì không được” - John Lissauer kể.
Dance Me To The End Of Love từng được hát lại bởi một số ca sĩ, trong đó nổi tiếng nhất là Madeleine Peyroux với phiên bản jazz.
Ca khúc được xếp vào nhóm những bản tình ca bất hủ, đồng thời là một trong những ca khúc về đề tài thảm sát Do Thái nổi tiếng nhất, được các nhà phê bình đánh giá là “run rẩy trên bờ vực trở thành chuẩn mực”.
Leonard Cohen - Người con Do Thái Leonard Cohen (1943-2006), sinh ra trong một gia đình Do Thái, di cư từ Bồ Đào Nha sang sinh sống tại Canada. Ông nội của Leonard Cohen là người sáng lập Hội đồng người Do Thái ở Canada. Cha Leonard mất khi ông mới lên 9. Ông được một nhạc công người Tây Ban Nha dạy chơi đàn và bắt đầu sáng tác từ đó. Leonard Cohen cũng thừa hưởng tình yêu âm nhạc từ mẹ. Ông miêu tả về mẹ mình như sau: “Bà ấy là người Nga và hát quanh nhà. Tôi biết những giai điệu ấy tác động đến mình nhiều lắm. Bà thường hát cho chúng tôi nghe khi cùng tôi và bạn bè đến nhà hàng, cầm theo cây đàn guitar. Thường sẽ hát thâu đêm”. Leonard Cohen từng có nhiều chuyến hồi hương về quê gốc ở Bồ Đào Nha. Ông từng bày tỏ sự xót thương lẫn kính phục cộng đồng người Do Thái ở đây, dẫu phải chịu biết bao thảm kịch nhưng vẫn trỗi dậy mạnh mẽ. Ông cũng tự nhận mình nằm ngoài cộng đồng và văn hóa Do Thái truyền thống ở Bồ Đào Nha. |
Bậc thầy ngôn từ Leornad Cohen được nhớ đến với nhiều vai trò: nhạc sĩ, ca sĩ, nhà thơ và tiểu thuyết gia. Trên hết, ông được gọi là “bậc thầy ngôn từ”. Sự nghiệp của ông là chuỗi những khám phá về tôn giáo, sự cô lập, bản năng giới tính và các mối quan hệ xã hội. Ông đến New York (Mỹ) từ năm 1966 để phát triển sự nghiệp. Nhiều sáng tác của ông như Hallelujah, Bird On The Wire, Suzanne, So Long Marianne... có một vị trí đặc biệt trong lòng người hâm mộ. Hiệp hội nhà thơ Mỹ bình luận về sự nghiệp nghệ thuật của Cohen như sau: “Sự pha trộn thành công giữa thi ca, viễn tưởng và cả âm nhạc được thể hiện rõ nét nhất với Stranger Music: Selected Poems And Songs, được phát hành vào năm 1993, mà ở đó tổng hợp tới 400 bài thơ của ông. Rất nhiều đoạn trích từ tiểu thuyết đó chiếm 60 phần trăm lời các ca khúc”. “Cho dù có thể cho rằng Leonard Cohen có xuất phát điểm từ âm nhạc, song những người hâm mộ vẫn coi ông là người Phục hưng khi đứng giữa những ranh giới rất khó nắm bắt của nghệ thuật”. Cohen có tên trong Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll tại Mỹ lẫn Đại sảnh Danh vọng Âm nhạc và Đại sảnh Danh vọng nhạc sĩ Canada. Ông cũng từng được trao danh hiệu Hiệp sĩ, danh tước cao nhất cho công dân Canada. Năm 2011, ông được tôn vinh tại Giải thưởng Hoàng tử xứ Asturias về những đóng góp văn học của mình. |
Hà My
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất