Bài 1: Hợp thời là thắng

28/06/2010 07:00 GMT+7 | Truyền hình thực tế

 2010 là năm mà các chương trình truyền hình thực tế liên quan đến chuyện thi thố tài năng đổ bộ trên sóng truyền hình. Bước nhảy hoàn vũ vừa kết thúc và thành công vang dội, Vietnam Idol Sao mai Điểm hẹn đang ráo riết chiêu mộ những người thích hát và Vietnam’s Next Top Model cũng quảng cáo rầm rộ để thu hút những cô gái có giấc mơ sải bước trên sàn catwalk. Mới có, cũ có nhưng sức nóng của các cuộc thi trên truyền hình cũng phập phù khó đoán. Toàn cảnh về reality show của thế giới và cận cảnh những cuộc thi tài năng trên truyền hình là những gì mà chuyên đề tuần này đề cập.

Tổ chức chuyên đề: DƯƠNG VÂN ANH


(TT&VH Cuối tuần) - Khởi nghiệp, Phụ nữ thế kỉ 21, Chinh phục đỉnh Everest hay Hành trình kết nối những trái tim…, những chương trình truyền hình thực tế (THTT) lớn được thực hiện ở Việt Nam từng đã rất thu hút sự quan tâm của khán giả, nhưng không sống được lâu. Một số chương trình quá “Tây” như Vui là chính còn phải ngừng ngang xương vì khán giả phản đối. Những chương trình mới xuất hiện như Xe buýt tình yêu cũng nhanh chóng rơi vào tình trạng “thoi thóp”… Có nhiều cách lí giải cho sự đoản thọ của các chương trình THTT nhưng dễ hiểu hơn cả, thuyết phục hơn cả có lẽ là do tính phù hợp với số đông cao hay thấp. Hơn nữa, khán giả đòi hỏi những gì thuộc về “thực tế” thì phải làm cho họ tin rằng không hề có bàn tay dàn dựng của những người thực hiện. Bởi vậy, những THTT có tính chất của các cuộc thi mà khán giả được làm giám khảo luôn có ưu thế. Nhưng không phải tất cả đều như vậy.



Ngô Thanh Vân đoạt HCV
Bước nhảy hoàn vũ 2010

Có bản quyền tại Việt Nam từ tháng 6/2009 nhưng phải đến tháng 4/2010, Bước nhảy hoàn vũ – phiên bản của Dancing with the stars mới lên sóng truyền hình. Tuy nhiên, chỉ sau live show đầu tiên, nhà tổ chức mới có thể thở phào, bởi ngay lập tức, sự hấp dẫn của chương trình này đã “chạm” được “kênh” của khán giả Việt. Hiếm có chương trình truyền hình nào không quảng bá rầm rộ trước lúc bắt đầu và dù phát sóng gần, thậm chí ngay trong thời gian diễn ra World Cup, nhưng được thông tin đậm đặc trên báo chí, diễn đàn và cả trong dư luận khán giả. Hiếm có chương trình truyền hình giải trí nào nhận được sự quan tâm, bình luận sôi nổi của dư luận như thế, về tất thảy các góc cạnh của chương trình, từ thí sinh đến ban giám khảo, đến cả âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, cách quay phim của chương trình. Ghế khán giả sau mỗi show diễn lại xuất hiện thêm nhiều ngôi sao đến coi trực tiếp. Chỉ số rating từ 7% tăng lên 9,5%. Và cho đến đêm chung kết, số lượng spot quảng cáo phát xen kẽ giữa các phần thi và phần biểu diễn chờ kết quả trong Bước nhảy hoàn vũ đã lên đến 60 - một con số mơ ước của tất cả các chương trình truyền hình trong thời buổi “tất cả vì lượng spot quảng cáo” hiện nay.

Điều đáng nói, dù tính “thực tế” của chương trình THTT trên không “khốc liệt” như nhiều reality show khác, chẳng hạn Vietnam Idol, nghĩa là không đi sâu vào chuyện lấy tình cảm của người xem bằng việc khai thác tối đa hoạt động có khi đến nực cười của thí sinh – một đặc trưng quan trọng của THTT – nhưng Bước nhảy hoàn vũ vẫn thu hút người xem rất mạnh và tạo cho họ tình cảm yêu ghét, ủng hộ, phản đối khá rõ rệt, thậm chí còn mang tính ăn thua trước sự ra đi, ở lại của các thí sinh tham dự. Họ bị cuốn theo chương trình vô điều kiện khi tin rằng đây thuần túy là một cuộc thi tìm kiếm tài năng nhảy múa chứ không phải chương trình giải trí của truyền hình. Tính thời điểm chính là bệ phóng của Bước nhảy hoàn vũ bởi dance sport đang được đông đảo người dân quan tâm đến mức các CLB khiêu vũ luôn quá tải, nhiều chương trình dạy khiêu vũ trên truyền hình được thực hiện và rất nhiều CLB khiêu vũ sinh hoạt ngay tại các vườn hoa, công viên ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Nữ kiện tướng dance sport Khánh Thi từng lạc quan rằng chưa thấy ở đâu mà dance sport được phổ biến nhanh và dễ dàng như vậy! Quan trọng hơn, việc thi thố (nhằm bộc lộ khá nhiều khả năng, cách ứng xử) này lại giành cho các ngôi sao giải trí, những người đang thu hút gần như tối đa sự quan tâm của công chúng, nhất là trong giai đoạn đời sống văn hóa nghệ thuật đang im lìm về chuyên môn, ồn ào với những chuyện hậu trường. Không chỉ thế, yếu tố Việt hóa ở khu vực người chơi cũng góp phần rất lớn cho sự thành công của chương trình bởi ở những nước phát triển như Mỹ, “star” là những ngôi sao đã… hết thời, còn ở ta lại là những ngôi sao đang “hot”!



Trở lại sau 2 năm gián đoạn, Vietnam Idol 2010 đang ráo riết thu hút thí sinh cho vòng thử giọng tại 4 địa điểm trên toàn quốc. Phát động và nhận đăng kí từ 28/5 đến nay, Vietnam Idol 2010 đã chiêu mộ được xấp xỉ 15.000 thí sinh trên toàn quốc và vẫn tiếp tục kêu gọi “thần tượng” cho đến gần ngày sơ tuyển đầu tiên, 28/6 tại Đà Nẵng. Năm 2007, ở mùa giải đầu tiên, Vietnam Idol chỉ có khoảng 6.000 người đăng kí tham dự và đến mùa giải thứ hai, 2008, con số này là 10.600. Tuy nhiên, xét về mức độ hiệu ứng thì Vietnam Idol mùa giải đầu tiên thành công hơn không chỉ bởi nó lần đầu tiên được tổ chức với phiên bản Việt, tính reality – thực tế rất được đề cao (đến nỗi gặp phải sự phản ứng gay gắt của nhiều khán giả lớn tuổi) mà còn vì ở thời điểm đó, đời sống ca nhạc vẫn chưa đến mức đìu hiu như hiện nay, dẫu cho trước đấy, Sao mai Điểm hẹn (một người anh em không mấy xa lạ, nhưng xuất hiện sớm hơn, đúng thời điểm ca nhạc trên truyền hình còn rất hấp dẫn khán giả) mới làm một trận càn quét “thần tượng” rồi. Loạt ca sĩ xuất hiện từ Vietnam Idol mùa đầu cũng đình đám hơn loạt Idol mùa thứ hai, cho dù sự thành công (có phần khiêm tốn) của họ không phải do cuộc thi này mang lại. Thay đổi nhà sản xuất, Vietnam Idol năm nay còn thay đổi cả giá trị giải thưởng theo hướng hấp dẫn hơn nhiều: người chiến thắng sẽ có tới 20.000 USD hoàn toàn là tiền mặt và được BTC thực hiện một DVD đồng thời được lăng-xê trong vòng 1 năm (so với hai lần trước, phần thưởng là 10.000 USD nhưng chỉ có 5.000 USD là tiền mặt, còn lại là quà tặng). Và cho dù thị trường ca nhạc đang bão hòa, ca sĩ nhiều không đếm xuể thì con số 15.000 người đăng kí thử giọng cũng phản ánh khát vọng trở thành Idol (hay khát vọng chạm tới con số 20.000 USD?) của giới trẻ Việt vẫn rất cao. Nhưng Vietnam Idol năm nay có thắng hay không thì còn phải chờ, bởi cùng thời gian này, Sao mai Điểm hẹn cũng đến hẹn.

Tháng Chín tới đây, một cuộc thi trên truyền hình dành cho giới người mẫu, Vietnam’s next top model sẽ lên sóng những show đầu tiên, vòng đăng kí và tuyển chọn cũng đang bắt đầu. Tuy nhiên, chẳng ai dám tự tin về sự thành công của phiên bản Việt Nam bởi thi người mẫu đã có ở Việt Nam từ cả chục năm nay mà sự quan tâm của công chúng cũng chỉ ở mức cầm chừng, một vài chương trình về người mẫu như Phong cách đam mê, Tạp chí thời trang truyền hình… không mấy thu hút khán giả. Một điều tréo ngoe nhưng khá thú vị khác, được biết tại Mỹ và các nước phát triển, những người chiến thắng của Next top model hoàn toàn không có chỗ đứng trong làng người mẫu, chưa kể, họ còn bị tẩy chay nếu mang danh Next top model để đi đầu quân cho công ty người mẫu nào đó!

Tuy nhiên, không gì có thể đoán trước bởi Sao mai Điểm hẹn, Vietnam Idol hay Bước nhảy hoàn vũ thành công là vì những người thực hiện đã “đánh lừa” được khán giả rằng đó là các cuộc thi tài thật sự chứ không phải trò mua vui trên truyền hình. Hơn nữa, ở thời buổi khán giả chỉ thích giải trí với nhiều bộ môn nghệ thuật qua chiếc tivi thì bản thân việc được xuất hiện trên tivi đã đem lại sự nổi tiếng rồi.


Cũng là thi tài năng, năm 2009 có một reality được chuẩn bị công phu và kì vọng rất lớn, đó là Nốt nhạc ngôi sao, BHD “chủ xị”, phối hợp với HTV thực hiện. Thi tài năng nhưng không chỉ thiên về hát, Nốt nhạc ngôi sao yêu cầu người tham gia phải có khả năng nhảy múa, diễn xuất – một yêu yêu cầu mang đầy tính kì vọng và rất gần với tiêu chuẩn cần có của các… ngôi sao Hollywood. Hơn thế nữa, nhà tổ chức còn nhắm đến cái đích xa hơn là phục vụ việc quảng bá cho bộ phim Tết 2010 Những nụ hôn rực rỡ khi tuyên bố những người chiến thắng sẽ xuất hiện trong bộ phim này. Kì vọng lớn và đầu tư cũng lớn. Với kế hoạch dài hơi, tới 52 tập (gấp đôi số tập thường thấy ở các show THTT), rất nhiều tiền của đã được đổ vào Nốt nhạc ngôi sao với rất nhiều đầu tư như: xây nhà cho thí sinh ở cách li ngay tại phim trường ở quận 9 (TP.HCM), mời giám khảo là những người đang hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài về với mức cát-sê 2.000 USD/tuần kèm chi phí ăn ở khách sạn sang,… Tuy nhiên, chương trình nhanh chóng “què quặt” chỉ sau vài tập phát sóng. Theo lý giải không chính thức của một thành viên BTC thì Nốt nhạc ngôi sao chết yểu do kiểm duyệt (?). Có quá nhiều “thực tế” và không ít nội dung hấp dẫn (chẳng hạn như thi nhảy hip-hop, một môn đầy hấp lực với giới trẻ lúc đó) bị buộc phải cắt bỏ, đến nỗi nó gần như trở thành một chương trình truyền hình về thi thố tài năng đơn thuần. Và cách giải quyết của nhà tổ chức cho sự què quặt của chương trình là giữ mục tiêu làm bàn đạp cho bộ phim Tết và đảm bảo ở mức có thể quyền lợi của nhà tài trợ. Hiệu ứng về truyền số lượng khán giả èo uột cũng đã khiến cho nhóm nhạc 4U sau khi ra khỏi cuộc thi, ra khỏi bộ phim Những nụ hôn rực rỡ là… chìm nghỉm.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm