Nguyễn Ánh 9: Đừng đổ lỗi cho nhạc xưa

25/06/2013 14:12 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vừa cho ra mắt một album đặc biệt : đĩa than Lặng lẽ tiếng dương cầm do nhạc sĩ thế hệ con cháu ông – Đức Trí – khởi xướng thực hiện. Ở tuổi 75, ông vẫn miệt mài hàng ngày với âm nhạc, ngoài việc đứng lớp tuần vài buổi giảng dạy cho những người muốn làm bạn với cây đàn piano, ông còn chơi piano thường xuyên trong một khách sạn 5 sao ở TP.HCM. Ở tuổi 75, vẫn lịch lãm trong bộ complé màu đen, không quên đeo cà vạt, đội mũ bảo hiểm, ngồi sau xe ôm đến rất đúng giờ buổi ra mắt album... Ông nói năng chừng mực, nhỏ nhẹ. Khi tôi ngỏ ý muốn phỏng vấn, ông hẹn ở tư gia trên đường Thích Quảng Đức, Q. Phú Nhuận. Tranh thủ đến trước giờ hẹn 5 phút, tôi thấy ông đã ngồi đợi ở salon, quần jeans, áo sơ mi tay ngắn bỏ thùng chỉnh tề.

Ngày xưa nhạc của tôi cũng là nhạc trẻ!

* Là một người yêu nhạc, từ nhỏ tôi đã biết đến âm nhạc của ông và đặc biệt là những giai thoại về nghệ danh “Nguyễn Ánh 9”. Bây giờ vẫn nghe có người nói “do ông thương người em gái thứ 9 trong nhà”, kẻ lại bảo “tại người yêu đầu đặt tên cho ông”… Sẵn có dịp “hai mặt một lời”, xin được ông giải thích một lần cụ thể!

- Thực ra cũng chẳng có gì nghiêm trọng cả. Theo quan niệm của người phương Đông thì số 9 là số may mắn. Hai chữ “Nguyễn Ánh” cũng có chín ký tự. Lý do quan trọng nhất để tôi lấy nghệ danh này đó là đánh dấu sự biến chuyển của mình khi từ một nhạc công trở thành nhạc sĩ viết ca khúc, nó có cái gì đó giống như sự chín chắn của một thanh niên đã đến giai đoạn lập gia đình vậy, có nhiều trải nghiệm, chững chạc hơn. Hơn nữa, tôi lấy vợ cũng vào ngày 9 tháng Giêng. Khi giới thiệu tên “Nguyễn Ánh 9” cũng có một cái gì đó đặc biệt, gây ấn tượng, nếu nói theo ngôn ngữ bây giờ thì là: PR gây tò mò cho khán giả, khiến họ phải tìm hiểu, đế ý đến mình. (Cười)

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

* Hình ảnh một nhạc sĩ U70 trao giải thưởng cho một nhạc sĩ thế hệ kế tiếp mình, nhìn thật xúc động. Với cá nhân ông, hình ảnh đó có ý nghĩa thế nào?

- Tôi thấy mừng khi có một giải thưởng tôn vinh cánh nhạc sĩ chúng tôi, thấy vui khi công sức của họ được nhìn nhận, được đền đáp một cách xứng đáng, nhờ đó mà người nghệ sĩ càng hăng say hơn trong công việc. Tuy nhiên được nhận giải Cống hiến là một chuyện còn được người đời ghi nhận sự cống hiến lại là một chuyện khác, cống hiến là cả một quá trình đòi hỏi một thời gian nhất định, có rất nhiều nghệ sĩ âm thầm, lặng lẽ làm việc và họ không màng đến những ồn ào của đời sống showbiz bây giờ.

* Sau lễ trao giải không lâu, Nhạc sĩ của năm - nhạc sĩ Quốc Trung có bày tỏ quan điểm của anh với báo chí: “nhạc xưa làm nên sự trì trệ, cản trở sự phát triển của nhạc Việt”. Là một trong những nhạc sĩ điển hình của cái gọi là phong trào “nhạc xưa”, ông có phản biện gì về vấn đề này không?

- Quay lại thời điểm cách đây vài chục năm, so với những bậc tiền bối thời đó thì chẳng phải nhạc của tôi, Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang… là nhạc trẻ sao? (Cười). Theo thời gian thì chúng trở thành nhạc xưa thôi.

Tôi nghĩ ở một phần nào đó điều Quốc Trung nói là đúng, nhưng nhỏ thôi. Thực ra âm nhạc Việt Nam mình tới bây giờ chưa có bài hát nào hay hơn những ca khúc nhạc xưa. Mạnh dạn mà nói thì ngày xưa người nhạc sĩ viết nên những lời lẽ từ chính tâm hồn họ, lời như thơ, nhạc thì xúc cảm, cho nên việc nhạc xưa sống được đến bây giờ mà không bị đào thải cũng là chuyện dễ hiểu.

Âm nhạc bây giờ quái đản quá, đồng ý là chúng ta phải chấp nhận cái mới nhưng không phải cái gì của thế giới cũng du nhập vào Việt Nam được, phải có một sự chừng mực nào đó.


* Vậy theo ông, tại sao lại có nhận định nhạc xưa cản đường nhạc nay?

- Cần phải lật ngược vấn đề lại là nhạc mới bây giờ có xúc cảm không hay là được viết chạy theo những đơn đặt hàng. Nhạc xưa tồn tại do nó ăn sâu vào lòng người rồi. Nhiều lúc tôi nghĩ thế hệ trẻ bây giờ sung sướng quá, mọi chuyện đều dễ dàng và thuận tiện. Mà mình cũng không trách được họ. Ngày xưa viết thư cho người yêu, chúng tôi phải nắn nót từng chữ sao cho hay, cho đẹp, gửi thư rồi lại hồi hộp, mong ngóng chờ hồi âm… Mọi thứ làm cho con người ta sống tình cảm hơn, sự chờ đợi là cả một quá trình, nó quý hơn những cái gì mà con người “muốn là có liền”. Bây giờ yêu nhau, các bạn trẻ đâu còn ai viết thư tay nữa, chỉ cần phone một cú, nhắn vài dòng tin, đánh vài chữ email là có liền.

Ngay cả ngôn ngữ nói ngày xưa cũng dịu dàng chứ không cộc cằn như bây giờ. Đừng đổ lỗi cho nhạc xưa, cái gì hay thì đừng phủ nhận nó. Hồi xưa Đoàn Chuẩn viết mười mấy bài về mùa Thu mà cái nào cũng có cảm hứng riêng, sâu sắc nữa là đằng khác. Hơn nữa thế hệ chúng tôi viết ra để thỏa mãn chứ không phải viết nhạc để bán, bây giờ cái gì cũng kinh doanh, mà cuộc sống thì phài chấp nhận thôi. Cái lỗi này không phải tại ai cả, chỉ tại cuộc sống bây giờ xô bồ quá!

Luôn cố giữ đạo đức, sự nghiêm túc với nghề

* Nghe nói ông từng bị cha mẹ từ, phải bỏ nhà ra đi để theo đuổi con đường âm nhạc. Nhưng ngoài thời gian đó vẫn còn một quãng đời khác, cũng khó khăn, cay đắng hơn rất nhiều mà nhạc sĩ ít khi chia sẻ trên báo…

- Tôi bỏ nhà đi năm 18 tuổi, lúc đó cũng còn mơ mộng nhiều, lại một thân một mình nên tự lo được (tôi học trường Tây nội trú từ bé nên đã biết tự lập từ nhỏ). Khi ấy trong đầu tôi luôn suy nghĩ mình phải “cắn răng cố chịu”, phải làm một cái gì đó để có câu trả lời cho gia đình là mình làm đúng. Tôi học ngày, học đêm, nhiều khi nhìn lại thấy mình học mấy tháng bằng người ta học mấy năm vậy.

Còn thời gian mà bạn vừa nhắc đến là quãng thời gian sau giải phóng tôi phải ra Xa cảng Miền Tây làm nhân viên kiểm soát xe lưu thông. Đó là ba năm, từ 1976 đến 1978, quãng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời, mà tôi nghĩ không chỉ riêng mình đâu…

Mình sống mà không làm được cái nghề đã chọn thì phải chấp nhận làm cái khác thôi. Tôi cũng suy nghĩ nhiều lắm, thôi thì ráng sống, lúc đó đâu chỉ một mình mình, còn vợ, còn con cái nheo nhóc nữa. Trong đâu tôi chỉ mong làm sao kiếm tiền để nuôi con được đầy đủ thôi. Điều tôi áy náy đến tận bây giờ là con trai tôi (nhạc sĩ Nguyễn Quang) không được học nhiều, 16 tuổi đã phải đi làm phụ ba má…

Lúc đó cũng có người rủ rê tôi tham gia các đoàn văn công đi tỉnh diễn nhưng tôi nghĩ ai ở nhà nuôi con đây, đi lâu ngày mình cũng không chịu nổi, đang định vác xe đạp đem bán vì kinh tế khó khăn thì may quá được rủ vào xa cảng làm. Lúc đó tôi và anh Lê Hựu Hà làm ở bộ phận kiểm soát xe ra vào, vợ tôi (một diễn viên múa) và ca sĩ Lan Ngọc thì đi bán vé xe khách… Lương bổng cũng thoải mái, kiếm được cơm gạo mà lo cho gia đình… Thời gian đó chúng tôi cũng tham gia vào ban văn nghệ của xa cảng, tôi từng đoạt giải nhất trong cuộc vận động sáng tác bài hát cho nơi này, đến bây giờ cơ quan đó vẫn còn sử dụng. tuy nhiên trong thời điểm ấy, tôi không sáng tác được bài nào cho bản thân mình vì còn mải lo cơm áo, gạo tiền… Tôi còn nhớ ngày đó chỉ có một chuyến xe buýt từ nhà ra chỗ làm, trật chuyến là xem như xong luôn nên từ 4h sáng hai vợ chồng đã phải dậy đi làm, 4h chiều lọ mọ đón xe về… Khi nhà hàng ca nhạc hòa tấu được mở lại thì tôi mới nghỉ làm ở xa cảng.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và nhạc sĩ Đức Trí

* Cuộc sống trải qua nhiều thăng trầm, biến cố tuy nhiên đời sống cá nhân của Nguyễn Ánh 9 thì… phẳng lì và sạch sẽ như một tờ giấy quyến vậy. Điều đó ít người trong giới này tạo dựng được lắm.

- Ngày xưa ông già tôi kiên quyết cấm tôi theo nghề này vì cho là đã nghệ sĩ rồi thì phải “xướng ca vô loài” thôi. Tôi tức lắm và tôi luôn muốn cho ba tôi thấy là nghề nào cũng có cái xấu - cái đẹp. Bằng mọi cách tôi phải chứng minh cho ba là mình đã sống tốt, sống đúng “sứ mệnh” trời cho, sinh ra làm một người nghệ sĩ đúng nghĩa. Tôi không thích ai đó ỷ mình đã làm nghệ sĩ rồi buông thả đâu. Nghệ sĩ nhiều tình cảm, dễ xúc động hơn người bình thường nhưng phải biết dừng lại ở một mức độ, chừng mực nào đó. Có trải qua thiếu thốn người ta mới biết quý khi đủ đầy. Tôi luôn cố giữ cho mình đạo đức, sự nghiêm túc với nghề.

* Các con của ông có theo nghề nhạc nhưng tên tuổi họ không mấy được biết đến, ông thấy điều này thế nào?

- Hai con trai tôi (nhạc sĩ Nguyễn Quang và Quang Anh) theo nghề nhưng chúng không chạy theo sự hào nhoáng của showbiz. Chúng đi theo con đường thầm lặng, làm những công việc mang tính “đứng sau” như hòa âm, đệm đàn piano, làm nhạc phim… Bản thân tôi cũng không mong chúng nổi tiếng bằng những ồn ào của danh tiếng, thị phi… mà hãy làm việc hăng say bằng sự thầm lặng của mình, bởi suy cho cùng thì nhạc sĩ cũng là người đứng sau lưng ca sĩ mà thôi, không phải trung tâm của sự nổi tiếng. Tôi luôn mong chúng sẽ đi được dài lâu trên con đường này, với cái tâm của người nghệ sĩ, bằng tình yêu thực sự với âm nhạc chứ không phải vì danh tiếng, thậm chí vì tiền bạc.

* Sống đến tuổi thất thập cổ lai hy rồi, có điều gì trong cuộc sống làm ông còn băn khoăn hay ao ước không?

- Tôi già rồi nên cuộc sống bây giờ nhiều hoài niệm, hay nhớ chuyện xưa lắm. Cả cuộc đời tôi luôn cố gắng để được người ta nhớ đến với vai trò là một nghệ sĩ dương cầm, tuy nhiên dường như mọi người biết đến tôi trên cương vị là một nhạc sĩ nhiều hơn, điều này cũng có cái hay riêng của nó. Hoài bão của tôi bây giờ là những điều tôi chưa thực hiện được trong âm nhạc thì gửi gắm hết cả vào hai đứa con trai. Còn nói về mơ thì tôi mơ một ngày nào đó thấy âm nhạc Việt Nam đi đúng đường và đi được ra ngoài với thế giới!

Bài: Khánh Nguyễn - Ảnh: Đức Trí, Tư liệu
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần







Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm