26/02/2015 10:08 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - 9 cầu thủ HAGL lên ĐT Olympic Việt Nam có thể là nhiều nhưng cũng có thể là ít. Lối nói nước đôi này không phải là để xoa dịu cho đội bóng của bầu Đức và cũng không phải là để bào chữa cho ông Miura, người trực tiếp có trách nhiệm lên danh sách và đệ trình lên VFF rồi Tổng cục TDTT.
Là ít nếu lật ngược trở lại ý đồ từng đưa cả thế hệ các cầu thủ của HAGL chơi ở giải U19 quốc tế năm ngoái lên ĐT và chỉ bổ sung một vài vị trí.
Còn nhiều là khi căn cứ vào phong độ của đội bóng này sau 8 vòng V-League. HAGL với đội hình phần lớn là các cầu thủ đi lên từ lứa tốt nghiệp ở học viện JMG đã và đang chật vật, khi họ mới chỉ tìm được 2 trận thắng, một trận hòa sau 8 vòng đấu trong khi chúng ta kỳ vọng họ có thể làm được nhiều hơn.
Những vị trí được chờ đợi nhất của HAGL đã không tỏa sáng như Công Phượng, còn cặp tiền vệ trung tâm Xuân Trường -Tuấn Anh có dấu hiệu quá tải. Xuân Trường không biết có kịp bình phục hay không nhưng anh là một trong những trường hợp sẽ phải tập tễnh (vì chấn thương) lên ĐT Olympic.
Nhưng dù thế nào thì có một thực tế không thể chối bỏ là các cầu thủ HAGL lên ĐT không phải vì ấn tượng thể hình của họ, trong khi các Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn... lại thuộc về một tập thể khi đá ở V-League có nhiều vấn đề về tốc độ triển khai tấn công.
Nếu tính chiều cao trung bình thì các cầu thủ HAGL là những người thấp bé nhẹ cân nhất, vì chiều cao trung bình của họ khi không tính thủ môn là chuyên gia dự bị ở đội 1 thì 8 vị trí còn lại chỉ nặng trung bình chừng 63kg và cao chừng 1m7, trong khi chiều cao của các cầu thủ từ các đội bóng khác đều hơn thế.
Một địa phương lâu nay vẫn được coi là nghèo như Nghệ An thì 4 cầu thủ ở đó cũng cao trung bình 1m74,5, còn Hà Nội T&T& thì cao trung bình chừng 1m75.
Và ngay cả khi coi việc ông Miura từng trọng Thành Lương, Văn Quyết ở AFF Cup 2014 thì ông cũng không phải là người ưa thích các cầu thủ khiêm tốn về chiều cao. Khi cầm quân các ĐTQG trong năm 2014, ông được nhìn nhận như là người của bóng đá tốc độ, cho các cầu thủ chơi ít chạm mỗi khi có bóng nhưng cũng cần sự đa dạng khi tấn công. Còn sức mạnh khi tranh chấp tay đôi hay tận dụng các pha bóng chết là điều không cần bàn cãi.
Nhưng nếu ai đó cầm ĐT cũng sẽ làm như ông Miura bởi làn sóng trẻ hóa của bóng đá Việt Nam cũng chỉ là một phong trào mới trải qua giai đoạn hô khẩu hiệu.
Các cầu thủ HAGL là những người được chơi nhiều nhất sau 8 vòng ở V-League với số lần ra sân là 7 trận/người, trong khi hệ số này ở các CLB tiếp theo là SLNA với 5,25 còn ĐT Long An là 3,7.
Nhưng bất cứ sự so sánh ở trên đều không phải là để phân biệt quân của bầu Đức với các đội bóng khác, mà để thấy, với mặt bằng ĐT Olympic như thế, cọ xát ở cấp châu lục rồi chờ may mắn ở cấp khu vực là mục tiêu vừa tầm.
Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất