18/05/2020 15:37 GMT+7 | Bạn cần biết
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 18/5, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mùa hè là mùa rắn sinh sôi, phát triển nên trong một tuần trở lại đây, hầu như ngày nào Trung tâm cũng có bệnh nhân bị rắn cắn nhập viện. Hiện tại, Trung tâm Trung tâm Chống độc đang điều trị cho 8 ca bị rắn độc cắn.
Bệnh nhân Lê Việt H. (32 tuổi, Phú Thọ) vào viện tối 14/5 vì bị rắn lục cắn. Theo lời kể của người nhà, khoảng 16 giờ ngày 14/5, khi đi ra ngoài vườn, bệnh nhân bị một con rắn màu xanh to bằng đầu ngón tay trỏ cắn vào mặt trong bàn chân trái. Sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân có garo vết thương nhưng vẫn đau nhiều nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương rồi chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.
Trường hợp thứ hai bị rắn hổ mang cắn là anh Nguyễn Văn Đ (41 tuổi, ở Khoái Châu, Hưng Yên). Trong khi dọn đống gạch cũ lâu ngày, anh đã bị một con rắn hổ mang cắn vào ngón tay trên bàn tay phải. Sau đó, bệnh nhân có garo và nặn máu vết cắn. Vị trí bị cắn sưng đau nhiều, tấy đỏ. Sau khi được chuyển đến Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hưng Yên, bệnh nhân được truyền dịch, SAT và được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân Lê Văn Niên (47 tuổi, ở Bắc Giang) bị rắn cắn khi đang đi làm đồng. Theo lời kể của bệnh nhân, khoảng 17h ngày 14/5/2020 bệnh nhân đi làm ngoài ruộng bị rắn to bằng ngón chân cái, màu đen cắn vào ngón trỏ bàn tay phải. Sau cắn, bệnh nhân bị buốt nhiều, sưng đau, tấy đỏ. Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai sau 10h bị rắn cắn.
Theo Giám đốc Trung tâm Chống độc, ở Việt Nam rắn độc cắn là một trong những tai nạn thương tích phổ biến. Tại Trung tâm Chống độc, rắn cắn là một trong những ngộ độc hàng đầu, đặc biệt xảy ra nhiều nhất từ tháng 4 đến tháng 11 hằng năm. Đây là mùa sinh sôi, phát triển của rắn độc.
Theo bác sĩ Nguyên, hiện Việt Nam có rất nhiều loại rắn độc và mỗi loại lại có cơ chế gây độc khác nhau nên tùy theo loại rắn độc mà chúng tay có biện pháp sơ cứu cũng như hướng điều trị khác nhau.
“Sai lầm lớn nhất của những bệnh nhân khi bị rắn cắn là cứ loay hoay ở nhà áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu, chỉ đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp (tím tái, co cơ, khó thở…) thì mới đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế”, bác sĩ Nguyên nói.
Bác sĩ Nguyên lưu ý, sau khi bị rắn độc cắn cần nhanh chóng sơ cứu đúng cách với mục đích làm cho nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn, sau đó cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có điều kiện điều trị thực sự (ví dụ cấp cứu hô hấp, tim mạch tốt hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu) để được xử lý kịp thời.
Giám đốc Trung tâm Chống độc cũng cho biết các bước sơ cứu nên làm khi bị rắn độc cắn là: Động viên bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng; không để bệnh nhân tự đi lại; bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn); áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường); vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động. Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay...).
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất