28/10/2024 16:46 GMT+7 | Văn hoá
Từ xa xưa, dân ca quan họ đã là món ăn tinh thần, một nét sinh hoạt văn hóa đẹp của người dân Kinh Bắc. Đây là những làn điệu dân ca đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc Bộ - thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam.
Thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch đưa Dân ca Quan họ Bắc Ninh trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách trong và ngoài nước, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong 15 năm (2009-2024) qua, Bắc Ninh đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Đến nay, Dân ca Quan họ đã ăn sâu vào tâm thức, trở thành món ăn tinh thần, một phần không thể thiếu trong đời sống của nhiều người dân Việt Nam. Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong thời gian tới, nhiều nhiệm vụ, giải pháp được tỉnh đề ra.
1. Tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh với nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo. Trước mắt, tập trung tuyên truyền và tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Chương trình kỷ niệm, Liên hoan làng Quan họ thực hành lần thứ Nhất; tổ chức Đoàn nghệ thuật của Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh quảng bá tại nước ngoài; tham gia Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2024…
2. Thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch đưa Di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Quan họ Bắc Ninh trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách trong và ngoài nước, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
3. Tiếp tục hoàn thiện chính sách tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân (tổ chức xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh lần thứ Tư); tiếp tục hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị, xét công nhận Làng Quan họ thực hành đợt 2, các câu lạc bộ loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian tỉnh Bắc Ninh năm 2024; thực hiện hiệu quả cơ chế đãi ngộ đặc thù làng Quan họ gốc, Quan họ thực hành.
4. Tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu toàn diện về Dân ca Quan họ Bắc Ninh; bổ sung, làm rõ những giá trị mới của Di sản. Tập trung hoàn thiện 03 tập sách Bách khoa thư Dân ca Quan họ Bắc Ninh (năm 2023-2024) - công trình chứa đựng tri thức tổng thể, đáp ứng yêu cầu tra cứu, học tập, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
5. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, truyền dạy Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong trường học; phát huy vai trò của các nghệ nhân đã được phong tặng tham gia truyền dạy tại cộng đồng.
6. Xây dựng dự án quy hoạch tổng thể không gian các làng Quan họ gốc; chú trọng bảo tồn lễ hội truyền thống tại các làng Quan họ gốc. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng mới, hoặc phục dựng kiến trúc các “Nhà chứa Quan họ”. Phục dựng không gian văn hóa Quan họ cổ. Khai thác giá trị Di sản để phát triển du lịch; đẩy mạnh việc khai thác Dân ca Quan họ với du lịch cộng đồng theo định hướng phát triển hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế, xã hội.
Giữ vẹn nguyên Văn hóa Quan họ, nét đẹp vùng Kinh Bắc
Mỗi một bài quan họ đều có giai điệu riêng. Đến nay, có ít nhất 300 bài (giai điệu) quan họ đã được ký âm gồm những đoạn thơ, bài thơ, chủ yếu là thể lục bát do các nghệ nhân quan họ truyền thống bàn giao cho các nhà sưu tầm lưu giữ.
Nét độc đáo của Quan họ Bắc Ninh chính là ở sự hoà quyện tuyệt diệu giữa giai điệu và lời ca, giữa trang phục truyền thống độc đáo gắn với cách ứng xử văn hóa của các liền anh, liền chị. Trang phục quan họ không chỉ thể hiện tính nghệ thuật thẩm mỹ, là hình thức bên ngoài mà nó còn bao hàm cả chiều sâu văn hóa của người Quan họ - Bắc Ninh. Quan họ mang trong câu hát nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng đặc sắc nên đã trở thành một "đặc sản văn hóa" luôn thu hút và gây ấn tượng mạnh ở nơi đây. Dân ca quan họ tuy không ồn ã, náo nhiệt, nhưng lại là một nét đẹp văn hóa được truyền từ đời này qua đời khác và vẫn vẹn nguyên giá trị tinh thần không chỉ ở Bắc Ninh mà còn vang danh quốc tế.
So với các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian khác như hát xoan, hát ghẹo, hát chèo, hát ca trù, hát ví dặm, tuồng, cải lương, ... thì hát quan họ có thời gian tồn tại lâu đời nhất (tuổi thọ hàng ngàn năm). Điều đó đã chứng minh hát quan họ là một nét văn hóa bản địa không những không bị phong kiến phương Bắc đồng hóa, đánh mất, mà ngược lại vẫn phát triển nhờ bản sắc riêng và sức sống của nó trong lòng người dân vùng Kinh Bắc.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Quan họ, hiện nay Bắc Ninh có tất cả 44 làng duy trì được lối chơi văn hóa quan họ với hàng ngàn bài hát lời cổ mộc mạc, dân dã, mang nét đẹp riêng, vừa thiêng liêng, vừa cổ xưa mà rất Việt Nam. Kho băng ghi âm quan họ cổ do các nghệ nhân ở các làng quan họ hát hiện vẫn được lưu giữ tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh. Các bài quan họ được giới thiệu mới chỉ là một phần trong kho tàng dân ca quan họ đã được khám phá. Ngày nay, dân ca quan họ đã phát triển và hoàn chỉnh cả về phương diện âm nhạc, lời ca và hình thức trình diễn. Các làn điệu quan họ ngày càng phong phú và có phong cách riêng.
Nền văn hóa quan họ là do các lối chơi quan họ của cộng đồng xây dựng nên, luôn luôn được cộng đồng sàng lọc trong dòng chảy lịch sử. Việc khôi phục và bảo tồn những tinh hoa, bản sắc độc đáo, đậm đà nhất trong nền văn hóa quan họ là phải khôi phục và bảo tồn kho tàng bài bản của quan họ, cách hát, kỹ thuật hát quan họ (quan họ cổ) và cuối cùng là lối chơi quan họ.
Quan họ truyền thống hát không nhạc đệm và chủ yếu hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội xuân ở các làng quê. Trong quan họ truyền thống, đôi liền anh đối đáp với đôi liền chị được gọi là hát hội, hát canh; còn hát cả bọn, cả nhóm liền anh đối đáp cùng cả nhóm liền chị được gọi là hát chúc, mừng, hát thờ. "Chơi quan họ" truyền thống không có khán giả, người trình diễn đồng thời là người thưởng thức, thưởng thức "cái tình" của bạn hát.
Dù cuộc sống ngày càng đô thị hóa, nhưng bây giờ về miền quan họ, bạn vẫn thấy mỗi làng quê, mỗi gốc đa, mái đình, bến nước, dòng sông vẫn ẩn chứa tình người quan họ. Và dù thời gian có trôi đi, thì câu quan họ vẫn được truyền từ đời này sang đời khác. Sức sống bền bỉ, trường tồn của những canh quan họ, của những câu hát trao gửi vẫn thu hút và tạo ấn tượng bền sâu với du khách.
Đến với Bắc Ninh, ngoài việc được hòa vào không khí văn hóa quan họ, bạn còn được những liền anh liền chị mời miếng trầu têm cánh phượng như trong truyện cổ của cô Tấm xinh đẹp. Bên cơi trầu, cuộc sống và văn hóa quan họ xứ Kinh Bắc càng đậm đà bản sắc, thấm đượm tình người. Và cho đến khi bạn ra về, tạm biệt Bắc Ninh, chia tay với các liền anh, liền chị, bạn vẫn thấy vị trầu nồng đượm, giai điệu da diết, ngọt ngào của bài hát "Người ơi, người ở đừng về" níu bước chân.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất