Bạc Hy Lai - 'Tượng đài băng" đang tan chảy

06/05/2012 09:11 GMT+7 | Trong nước


Nếu như trước đây, Bạc Hy Lai được coi là biểu trưng của thế hệ lãnh đạo mới: “dám nghĩ, dám làm, vì dân trừ bạo”, thì giờ đây khi vầng hào quang xung quanh tan dần.



Dấu chân đồng của Bạc Hy Lai trên quảng trường (ảnh lớn) Bạc Hy Lai (ảnh nhỏ).

Theo báo chí Trung Quốc, Bạc Hy Lai giống như tượng đài làm bằng băng đang tan chảy dưới ánh nắng mùa Hè, mọi người dần dần thấy rõ bản chất tham lam, ngụỵ thiện của cặp vợ chồng khét tiếng một thời này...

“Hoàng đế” thất sủng ở Liêu Ninh và những trò lố

Đại Liên - thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, được Uỷ ban Khen thưởng Kỷ luật Trung ương lựa chọn là đột phá khẩu để điều tra Bạc Hy Lai. Thành phố lớn 5,9 triệu dân này hàng chục năm qua không xảy ra vụ án tham nhũng hay hình sự nào lớn, nhưng giờ đây cơ quan có trách nhiệm nhận ra: không phải là Đại Liên không có vấn đề mà là có ô dù quá lớn bảo vệ.

Trong 20 năm cát cứ ở đây, vợ chồng Bạc Hy Lai - Cốc Khai Lai không những đã vơ vét được số của cải kếch sù, mà còn tạo dựng được một ê-kíp cấu kết để tham nhũng, trù dập, thanh trừng thẳng tay những người bất đồng, phản đối, thậm chí biết chuyện.

Trung ương đã điều rất nhiều người từ các địa phương về để lập ra Ban chuyên án Bạc Hy Lai, tập trung điều tra năm vấn đề: ỷ quyền mưu lợi, đưa và nhận hối lộ, kinh doanh trái phép, vơ vét và rửa tiền; khống chế các cơ quan pháp luật, đả kích báo thù, chà đạp luật pháp, gây ra hàng chục vụ án oan, sai; mưu sát và gây những cái chết, những vụ mất tích bất bình thường của công dân; âm mưu phản nghịch, gom tiền bạc, mua chuộc cán bộ, trù dập người bất đồng, quy chụp bừa bãi; bao nuôi nhiều nhân tình, đạo đức bại hoại.

Trong quá trình điều tra, hàng loạt vụ việc đã được phanh phui. Tuy cơ quan chức năng chưa chính thức công bố, nhưng dư luận đã xôn xao bàn tán...

Giữa những năm 1980, Bạc Hy Lai đã nâng đỡ mấy công ty xây dựng ở huyện Kim nơi ông ta là Bí thư. Cốc Khai Lai đã nhân đây thực thi “giao dịch quyền - tiền”.

Hàng trăm người đã bị gọi hỏi, nhiều vấn đề nghiêm trọng được phát hiện, 3 “đại gia” là Ngưu Cương, Từ Minh, Phú Nhan đã bị bắt. Những người này đều có quan hệ mật thiết với Bạc gia.

Dứt dây động rừng, hàng trăm nhân vật có quan hệ dây dưa với vợ chồng Bạc vội chủ động tìm đến Ban chuyên án khai báo, tố giác những tội lỗi, sai phạm mong được khoan hồng, giảm tội.



Tượng bò bằng đồng.


Những người từng là nạn nhân bị Bạc Hy Lai bức hại, trù dập như nguyên Bí thư Đại Liên Vu Học Tường, Tào Bá Thuần, Phó thị trưởng Cao Tư, nguyên Bí thư tỉnh ủy Văn Thế Chấn trước đó cũng đã chủ động cung cấp tài liệu, chứng cứ cho trung ương; mười mấy cựu quan chức, thương gia từng bị Bạc Hy Lai bỏ tù cũng đã viết đơn, xin được gặp để tố giác tội lỗi của vợ chồng Bạc.

20 năm ở Liêu Ninh, trong đó có 8 năm ngồi ghế số 2 rồi số 1, Bạc Hy Lai đã sớm bộc lộ tham vọng, “một tay vơ tiền, một tay tạo danh, danh lợi song thu”.

Năm 1988, Cốc Khai Lai được giao làm Trưởng ban Tuyên huấn, liền cho lập Hội văn hoá dân gian, bày ra các khoản chi, vơ vét được mấy triệu tệ. Đầu những năm 1990, bà ta mở Văn phòng luật sư, kiếm hàng chục triệu tệ; năm 1996 lại hợp tác với Trình Nghị Quân lập Cty tư vấn đầu tư làm vỏ bọc để đòi và nhận hối lộ.

Qua điều tra thấy công ty này mỗi năm kiếm được hàng trăm triệu tệ. Sau khi đưa quý tử Bạc Qua Qua đi du học, những của cải bất chính này đã được tuồn dần ra nước ngoài.

Để được “lưu danh thiên cổ”, Bạc Hy Lai đã cho xây dựng ở Vịnh Tinh Hải “Bách niên thành điêu” (Thành phố điêu khắc trăm năm), cho đúc các dấu chân bằng đồng của các vị Ủy viên thường vụ thành ủy Đại Liên, dĩ nhiên vị trí trung tâm là dấu chân của Bạc.

Các bức thư pháp, đề từ của Bạc được khắc bằng đá, đặt ở khắp nơi như Quảng trường Văn hoá, Vườn hoa Tinh Hải... Ông ta còn định xây dựng Quảng trường lớn nhất châu Á, cột Hoa biểu cao nhất Trung Quốc ở đó để dấu chân mình mãi mãi trường tồn.

Hòm thế kỷ .

Chưa hết, năm 1999, Bạc Hy Lai còn xin ông Giang Trạch Dân viết bức thư pháp “Bách niên phong vũ tẩy lễ, Bắc phương minh châu sinh huy” (Mưa gió trăm năm gột rửa, Viên ngọc Phương Bắc sáng ngời), sau đó Bạc tự tay viết “Thư gửi vị Thị trưởng Đại Liên 100 năm sau”, rồi di dời Đài kỷ niệm Liệt sỹ Liên Xô tại vị trí trung tâm ở Công viên Lao động rộng hơn 1 triệu mét vuông để xây một căn hầm kiên cố, cho cả 2 thứ vào cất, đặt tên là “Hòm Thế kỷ”, bắt chước Tần Thuỷ Hoàng lưu danh muôn thuở, gây tốn bao tiền bạc của dân.

Ngô Nghi từng ngăn cản Bạc Hy Lai làm Phó Thủ tướng

Nhiều người cho rằng, việc không che đậy dã tâm và tính cách hãnh tiến là nguyên nhân quan trọng khiến Bạc Hy Lai bị ngã ngựa. Chính Phó Thủ tướng Ngô Nghi - “Người phụ nữ gang thép trên chính trường Trung Quốc” đã vì thế mà kiên quyết ngăn cản Bạc Hy Lai kế vị mình.

Bạc Hy Lai chẳng hề che giấu ý định có mặt trong “Top 9”. Khi Bạc được điều về giữ chức Bộ trưởng Thương mại, Bộ này do Phó Thủ tướng Ngô Nghi phụ trách, bà chính là người tiền nhiệm của Bạc.

Nhiều người cho rằng, việc không che đậy dã tâm và tính cách hãnh tiến là nguyên nhân quan trọng khiến Bạc Hy Lai bị ngã ngựa.

Theo lệ thường trên chính trường Trung Quốc, người lãnh đạo hiện tại phải được người tiền nhiệm giới thiệu thì mới thăng tiến được. Tuy nhiên, sau khi về đây làm Bộ trưởng, Bạc Hy Lai đã tìm cách loại bỏ dần những người cũ thân cận với bà Ngô Nghi, lại còn báo cáo láo, khích bác chia rẽ mối quan hệ giữa bà Ngô Nghi với lãnh đạo Quốc vụ viện để mau chóng thế chỗ bà.

Đặc biệt trong hoạt động đối ngoại, Bạc thường tranh cướp lời, “ngồi nhầm chỗ” của bà Ngô, khiến bà rất tức giận. Có báo viết, Ngô Nghi đánh giá về Bạc Hy Lai: “không cam chịu làm cấp dưới, chỉ muốn ngồi ghế trên, không hợp tác với người khác, dùng mọi thủ đoạn để tranh quyền đoạt lợi, gây tổn thất cho công việc”.

Khi nghỉ hưu, bà đã đề nghị hoàn toàn rút ra khỏi chính trường, không tham gia bất cứ việc gì, “mong mọi người hoàn toàn quên tôi đi”, với điều kiện “phải hạ phóng Bạc Hy Lai về Trùng Khánh”.

Theo “Nguyệt san Tân Duy” (Hongkong) ra ngày 5-5, sau khi bị tạm giam, Bạc Hy Lai rất tức giận, đã lớn tiếng gọi hành động bắt ông là “cuộc đảo chính”, vi phạm “đảng kỷ, quốc pháp”, “lịch sử cuối cùng sẽ trả lại sự trong sạch, sẽ minh oan cho ta”; thậm chí Bạc đã tuyệt thực để phản đối và nhiều lần định tự sát nhưng không thành.

Cũng theo tạp chí này, trước khi Vương Lập Quân chạy trốn vào Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, Bạc Hy Lai đã vạch sẵn 3 phương án để hại chết Vương. Bản thân Bạc ung dung đi về Nhĩ Hải ở Vân Nam để cho Hải Âu ăn, chờ đợi tin vui. Không ngờ, khi bị dồn vào đường cùng, Vương Lập Quân đã phản công, không những thoát hiểm mà còn hạ gục được Bạc.

Theo Tiền Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm