Nobel - Giải thưởng vinh danh những cống hiến cho nhân loại

04/10/2021 11:33 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Như thường lệ, vào tháng 10 hằng năm, giải Nobel dành cho những cá nhân, tổ chức có đóng góp nổi bật trong hàng loạt lĩnh vực sẽ lần lượt được công bố.

Nghiên cứu công nghệ mRNA tạo ra vaccine Covid-19 là ứng viên sáng giá cho giải Nobel

Nghiên cứu công nghệ mRNA tạo ra vaccine Covid-19 là ứng viên sáng giá cho giải Nobel

Theo hãng tin AFP, những người tiên phong trong công nghệ mRNA dùng để tạo ra các loại vaccine ngừa COVID-19 của các hãng dược phẩm Moderna và Pfizer/BioNTech là ứng viên sáng giá cho giải thưởng Y học hoặc Hoá học năm nay.

Mùa giải năm nay sẽ bắt đầu với việc trao giải thưởng Nobel Y học vào ngày 4/10/2021, tiếp đó là giải Nobel Vật lý (ngày 5/10), Hóa học (ngày 6/10), Văn học (ngày 7/10), Hòa bình (ngày 9/10) và Kinh tế (ngày 11/10).

Những điều cần biết về giải thưởng Nobel     

Giải Nobel, là một giải thưởng quốc tế được công bố hàng năm kể từ năm 1901 để vinh danh những cá nhân đạt thành tựu trong các lĩnh vực: Vật lý, Hoá học, Y học, Văn học và Hoà bình; riêng giải Nobel Hoà bình có thể được trao cho cá nhân hay một tổ chức. Đến năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đưa thêm vào hệ thống giải một giải thưởng về lĩnh vực Kinh tế để tưởng nhớ nhà khoa học Alfred Nobel, người đã sáng lập ra giải Nobel.       

Alfred Nobel là nhà khoa học, nhà phát minh đại tài, chủ nhân của 355 bằng sáng chế, trong đó đáng chú ý nhất là phát minh về thuốc nổ. Cả cuộc đời cống hiến cho khoa học, Alfred Nobel đã đạt tới đỉnh cao của vinh quang và giàu có. Sau khi qua đời vào năm 1896, Alfred Nobel đã để lại một bản di chúc gây kinh ngạc và khó hiểu cho mọi người khi ông chỉ dành một phần nhỏ gia tài của mình cho bạn bè và người thân để “khỏi tạo nên những kẻ lười biếng”. Còn gần toàn bộ tài sản ông đã được đem bán thành tiền mặt, tương đương với 70 triệu krona Thụy Điển lúc đó, để gửi ngân hàng. Số tiền lãi hàng năm sẽ trích ra, chia làm 5 giải thưởng tặng “cho những người có đóng góp lớn nhất cho nhân loại” trên các lĩnh vực: Vật lý, Hóa học, Sinh học (hoặc Y học), Văn chương, và Hòa bình.    

Chú thích ảnh
Huy chương Nobel Hóa học

Trong các giải thưởng Nobel thì Giải Vật lý, Hóa học, Văn học và Kinh tế do Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển quyết định; Giải Y học do Ủy ban Nobel của Viện Carolin quyết định; và Giải Hòa bình do Ủy ban Nobel thuộc Quốc hội Na Uy quyết định.       

Vào tháng 9 của năm trước năm trao giải, Ủy ban Nobel bí mật gửi mẫu đề cử cho 3.000 chuyên gia là những người từng được nhận giải Nobel, thành viên của đơn vị trao thưởng, các chuyên gia trong lĩnh vực vật lý, hóa học, sinh học hoặc y học, các giáo sư đầu ngành của nhiều trường đại học và các viện nghiên cứu.         

Tháng 2 của năm trao giải là thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ. Ủy ban Nobel sẽ sàng lọc và lựa ra các ứng cử viên. Sau đó, hội đồng chọn ra khoảng từ 250-350 người lọt vào vòng tiếp.       

Từ tháng 3 đến tháng 5, các chuyên gia đánh giá công trình của các ứng cử viên, sau đó Ủy ban Nobel tiến cử người đạt giải để Viện Hàn lâm chọn trên đa số phiếu bầu.      

Tháng 6 đến tháng 8, Ủy ban Nobel tập hợp các báo cáo có kèm theo danh sách tiến cử gửi cho Viện Hàn lâm. Bản báo cáo này được các thành viên hội đồng cùng ký tên.       

Từ tháng 9 đến đầu tháng 10, Ủy ban Nobel đệ trình ý kiến lựa chọn của họ lên Viện hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển và các tổ chức trao thưởng khác. Thực tế, không phải lúc nào đơn vị trao giải cũng làm theo sự tiến cử của Ủy ban này.        

Vào đầu tháng 10, Viện hàn lâm chọn ra người đạt giải dựa trên đa số phiếu bầu, sau đó chính thức công bố tên người đoạt giải. Việc bỏ phiếu để chọn ra người đoạt giải Nobel được giữ bí mật đến giờ chót. Hàng năm, trước ngày 15/11, Ban tổ chức sẽ phải công bố danh sách những người được nhận phần thưởng cao quý này.        

Theo quy định của Ủy ban Nobel, những thông tin liên quan đến quá trình xét tặng giải được giữ kín trong 50 năm.        

Một giải Nobel thường được trao cho tối đa 3 người. Nếu một giải thưởng bị từ chối hoặc không được chấp nhận, số tiền thưởng sẽ được trả vào quỹ. Lễ trao giải Nobel Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học, Kinh tế được trao vào tháng 12 tại Stockholm, Thụy Điển và lễ trao giải Nobel Hòa bình diễn ra tại Oslo, Na Uy.   

Chú thích ảnh
Huy chương Nobel Hòa bình

Chủ nhân của giải Nobel sẽ được trao giấy chứng nhận, huy chương vàng cùng phần thưởng tiền mặt. Số tiền phụ thuộc vào thu nhập của Ủy ban Nobel. Năm 2017, Quỹ Nobel quyết định tăng tiền thưởng cho các hạng mục giải Nobel thêm 1 triệu krona (khoảng 120.000 USD) so với mùa giải đó trước, lên 9 triệu krona (khoảng 1,1 triệu USD). Đây là lần điều chỉnh giá trị tiền thưởng đầu tiên kể từ năm 2012 khi Quỹ Nobel quyết định giảm giá trị tiền thưởng 20% mỗi hạng mục, trong bối cảnh phải cân đối ngân sách trong dài hạn.       

Năm 2020, Hiệp hội Nobel đã quyết định tăng thêm 1 triệu krona (khoảng 110.000 USD) so với năm trước đó. Như vậy, người vinh dự nhận giải Nobel được trao phần thưởng bằng tiền mặt có tổng trị giá 10 triệu krona.

Mùa giải Nobel 2021 với nhiều ứng cử viên sáng giá   

Giống như năm ngoái, năm 2021 sẽ là năm thứ hai liên tiếp kể từ năm 1944, lễ trao giải Nobel truyền thống ở Stockholm (Thụy Điển) không thể diễn ra như đã định do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Những người đoạt giải sẽ được trao các huy chương và bằng khen ngay tại quê nhà của họ. Trước đó, lễ trao giải Nobel năm 2020 cũng phải diễn ra dưới hình thức trực tuyến do dịch COVID-19.   

Các giải Nobel năm nay trong các lĩnh vực y học, vật lý, hóa học, văn học, hòa bình và kinh tế sẽ lần lượt được công bố từ ngày 4 đến 11/10/2021. Trước thễ lễ công bố giải Nobel năm nay, giới chuyên gia cũng đã đưa ra khá nhiều dự đoán về những ứng viên sáng giá cho Giải Nobel 2021. Nhìn chung, các nhà phân tích đều dự đoán Nobel 2021 nhiều khả năng sẽ thuộc về những người tiên phong về vaccine ngừa COVID-19, cơ quan giám sát truyền thông, các nhà hoạt động vì khí hậu…   

Chú thích ảnh
Nghiên cứu công nghệ mRNA tạo ra vắc xin Covid-19 - Ứng viên sáng giá cho giải Nobel

Theo AFP, các chuyên gia về Nobel cho biết đánh giá RNA thông tin (mRNA) - công nghệ hình thành cơ sở cho vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech và Moderna - là một nghiên cứu được đánh giá cao cho các giải thưởng Y học hoặc Hóa học năm nay. Theo nhà báo chuyên viết về khoa học người Thụy Điển Ulrika Bjorksten, bà Katalin Kariko từ Hungary và ông Drew Weissman của Mỹ-hai nhà khoa học tiên phong trong công nghệ vaccine mRNA-hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng này.

Theo nhà báo Bjorksten, hai nhà khoa học này đã nhận được nhiều giải thưởng chuyên ngành, như giải Lasker cho nghiên cứu y học cơ bản, một giải được coi như "giải Nobel của Mỹ". Thực tế, các loại vaccine được phát triển dựa trên công nghệ mRNA đã được tiêm cho hơn 1 tỉ người trên toàn thế giới, giúp con người đối phó đại dịch COVID-19, vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 4,7 triệu người.   

Tuy nhiên, theo AFP, những công nghệ khác cũng có thể được vinh danh tại Giải Nobel Y học hay Hóa học năm nay như: giao tiếp tế bào, sự hoạt động của hệ miễn dịch, phát hiện gien gây ung thư vú, biểu sinh và kháng kháng sinh.   

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa

Đối với giải Nobel Hòa bình, có những dự đoán cho rằng các nhà hoạt động về vấn đề khí hậu sẽ là ứng viên tiềm năng cho giải Nobel Hòa bình năm nay trong bối cảnh thế giới trải qua hàng loạt thảm họa thời tiết chết người, từ những đợt nắng nóng làm tan chảy nhựa đường cho đến lũ quét và cháy rừng không thể lường trước được. Tuy nhiên cũng có ý kiến dự đoán rằng, chương trình COVAX của Liên hợp quốc cũng là một đề cử được yêu thích, dù cơ chế này đang bị cản trở do việc phân phối chậm vaccine ngừa COVID-19 đến các nước nghèo.

COVAX là cơ chế do Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI), Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) sáng lập và triển khai vào tháng 4/2020 nhằm phân phối Vaccine cho các nước nghèo. Hiện cơ chế này đang chật vật trong việc thực hiện các cam kết ban đầu do nguồn cung từ Ấn Độ bị gián đoạn, trong bối cảnh nước này ngừng xuất khẩu vaccine để ứng phó với dịch bệnh trong nước, khiến nhiều nước phải ngừng chương trình tiêm chủng ngay trong những giai đoạn đầu.   

Ngoài ra, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng nhận được nhiều sự ủng hộ cho giải Nobel Hòa bình năm nay, sau gần hai năm dẫn dắt thế giới ứng phó với đại dịch COVID-19. Tổ chức này cũng là cơ quan chịu trách nhiệm điều hành COVAX, sáng kiến phân phối công bằng vaccine trên toàn cầu.   

Đối với giải thưởng Nobel Văn học năm nay, có một số ứng cử viên đã được nhắc đến trong giới văn học Stockholm trong nhiều năm qua như: ông Peter Nadas của Hungary, bà Margaret Atwood của Canada, nhà thơ Adonis của Syria và tác giả Somali Nuruddin Farah. Một số cái tên mới nổi lên bao gồm ông Vikram Seth từ Ấn Độ, ông Liao Yiwu của Trung Quốc và nhà văn người Mozambique Mia Couto…

An Ngọc/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm