'Bà hoàng truyền thông' Madonna: Mất quyền lực trong thời mạng xã hội

07/01/2015 07:31 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Thập niên 1980, Madonna là một trong những nghệ sĩ thống trị truyền  thông. Đài phát thanh, báo in, truyền hình và các cuộc buôn chuyện đều có những chủ đề xoay quanh chị. Nhưng nữ ca sĩ có vẻ như đã không bắt kịp thời của mạng xã hội.

Madonna (56 tuổi) vừa làm dậy sóng dư luận trong những ngày đầu năm khi tung ra hình ảnh quảng bá cho album mới Rebel Heart còn chưa thành hình. Chị đăng lên Twitter và Instagram ảnh mình cùng những nhân vật lịch sử đấu tranh vì nhân quyền như Martin Luther King và Nelson Mandela với khuôn mặt quấn chặt dây đen, với thông điệp “những trái tim nổi loạn”.

Madonna không phải “bà già” mù công nghệ

Một cuộc tranh cãi nổ ra về việc sử dụng hình ảnh các nhân vật này, cho rằng Madonna muốn lợi dụng tên tuổi họ, xếp mình ngang hàng các vĩ nhân, phản cảm, hoặc phân biệt chủng tộc. Nhưng theo Guardian, Madonna không phân biệt chủng tộc, chị chỉ đơn giản là không hiểu gì về cách vận hành của truyền thông xã hội.

Nhắc lại lịch sử, Madonna không phải là người xa lạ với xu hướng thời cuộc. Đúng như bài hát của mình mang tên Vogue (Xu hướng thịnh hành), nữ ca sĩ cùng với Vua nhạc pop Michael Jackson là những ngôi sao hàng đầu của thế hệ MTV (âm nhạc có hình). Không ngại đi đầu các trào lưu mới, chị góp phần định hình diện mạo các video ca nhạc (MV) của nhạc pop hiện đại.


Madonna và những bức ảnh khiến chị bị dư luận “ném đá” đến nỗi phải xin lỗi

Ngay cả khi Internet bắt đầu phủ sóng toàn cầu, Madonna, lúc này đã bước vào những năm tuổi 50, vẫn thể hiện được tầm ảnh hưởng. Năm 2000, đoạn phim truyền hình trực tiếp qua mạng của Madonna từ học viện Brixton ở London đã phá vỡ kỷ lục lượt xem, vì quá nhiều người hâm mộ cùng truy cập.

Năm 2003, khi album American Life của chị đang được chia sẻ trái phép trên mạng, Madonna đăng một file nhạc giả và hỏi những kẻ ăn cắp: “Các người nghĩ mình đang làm cái quái gì chứ?”. Nói thế để biết rằng Nữ hoàng nhạc pop không phải là bà già lạc hậu, lỗi thời mà cũng từng đón đầu công nghệ.

Các nghệ sĩ khác có thể phải tập huấn để sử dụng công nghệ quảng bá danh tiếng, nhưng Madonna thì không cần học, thậm chí có thể làm thầy.

Khi dư luận không còn câm lặng

Chuyện là thế, nhưng 8 năm trước, sự thay đổi lớn đã tới khi cái gọi là mạng xã hội xuất hiện vào năm 2006. Madonna hơi chậm vụ này, nhưng đến năm 2012, sau một thời gian dài chờ đợi của người hâm mộ, chị cũng lập tài khoản Twitter. Năm 2013, chị lập tài khoản Instagram.

Và Madonna nhanh chóng chứng tỏ mình là một người dùng mạng xã hội khá sành điệu. Tháng 5/2013, chị đăng ảnh mình ở trong nhà tắm, tay cầm một chiếc máy hút bụi, cạnh chú thích: “Lau dọn trước khi dự tiệc ở Met Ball”. Hành động của chị khiến sản phẩm máy hút bụi trong bức ảnh lập tức bán chạy gấp đôi.

Madonna bắt đầu say mê mạng xã hội đến nỗi người hâm mộ thêu dệt chuyện con gái Lourdes của nữ ca sĩ đã phải ngắt kết nối Internet của gia đình, để người mẹ 56 tuổi tập trung làm album mới.

Trước Giáng sinh, album mới Rebel Heart của Madonna bị đánh cắp và tung lên mạng hơn 20 bản thu thử. Madonna phản hồi bằng cách đăng lên mạng ảnh một chiếc máy nghe nhạc iPod bị đập vỡ với chú thích “biểu tượng cho trái tim tan vỡ của tôi”.

Có vẻ Madonna đã chấp nhận trở thành nạn nhân. Việc tung những bức ảnh của cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, ca sĩ Bob Marley và nhà hoạt động Martin Luther King là giọt nước tràn ly. Nữ ca sĩ bị chỉ trích và hôm 3/1, chị phải lên tiếng xin lỗi.

Madonna không làm gì trái với thói quen của mình. Chị khơi mào một cuộc tranh luận. Trong hơn 30 năm sự nghiệp, chị thường xuyên tạo sốc. Vấn đề là cộng đồng đã thay đổi, không còn là những cá nhân đơn lẻ không có tiếng nói và không có chỗ để lên tiếng nữa. Không chỉ phản đối Madonna, người dùng Twitter còn đưa ra những tên tuổi mà họ cho là xứng đáng hơn với danh xưng “trái tim nổi loạn”.

Dường như lần này, khoảng cách thế hệ đã lên tiếng. Những ngày xưa cũ, Madonna có thể làm các bậc phụ huynh của thế hệ chị sửng sốt với Papa Don’t Preach (Bố đừng thuyết nữa), những video nhạc táo bạo thời Like a Prayer, Erotica, và cuốn sách tên là Sex (1992). Nhưng thời đó đã qua, không ai ngồi ở vị trí điều khiển dư luận mãi được, kể cả người đó là Madonna.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm