23/04/2025 07:31 GMT+7 | Tin tức 24h
Ngày 22/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra cảnh báo rằng hệ thống tài chính toàn cầu đang chịu áp lực ngày càng gia tăng khi cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump khiến thị trường rung chuyển.
Trong Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu (GFSR) được công bố tại Hội nghị mùa Xuân 2025, IMF đánh giá "rủi ro đối với sự ổn định của tài chính toàn cầu đã gia tăng đáng kể, do điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn và bất ổn kinh tế gia tăng", kêu gọi các cơ quan quản lý cảnh giác với các cuộc khủng hoảng tiềm ẩn. IMF chỉ ra các kế hoạch áp thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump "đã gây ra một đợt bất ổn chính sách", và tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn do các biện pháp trả đũa từ Trung Quốc.
Phát biểu với báo giới, cố vấn tài chính của IMF Tobias Adrian đã xác định ba điểm yếu đối với sự ổn định tài chính toàn cầu, đó là: định giá quá cao đối với cổ phiếu và trái phiếu ở một số lĩnh vực, ngay cả sau các đợt bán tháo gần đây; tình trạng đòn bẩy cao của một số tổ chức tài chính, trong đó có các quỹ đầu cơ; khả năng xảy ra biến động trên thị trường trái phiếu chính phủ ở các quốc gia có mức nợ cao.
Biểu tượng của Quỹ tiền tệ quốc tế bên ngoài trụ sở ở Washington (Mỹ). Ảnh: Reuters/TTXVN
IMF cảnh báo chính phủ của các nền kinh tế mới nổi có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chi phí đi vay tăng đột ngột, đồng thời cho rằng "mối quan ngại của nhà đầu tư về tính bền vững của nợ công và các yếu tố dễ bị tổn thương khác trong lĩnh vực tài chính có thể trở nên tồi tệ hơn...". IMF cho biết: "Các nền kinh tế thị trường mới nổi, vốn đang phải đối mặt với chi phí tài chính thực tế cao nhất trong một thập kỷ, hiện có thể cần phải tái cấp vốn cho khoản nợ của mình và tài trợ cho chi tiêu tài chính với chi phí cao hơn".
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng cảnh báo rủi ro địa chính trị - bao gồm cả xung đột quân sự - có thể làm tăng rủi ro đối với sự ổn định tài chính, đồng thời bày tỏ mối quan ngại đặc biệt về vai trò ngày càng tăng của các tổ chức cho vay "phi ngân hàng", vốn ít bị quản lý chặt chẽ hơn nhiều so với các ngân hàng, nhưng vẫn có thể gây ra rủi ro cho toàn bộ hệ thống tài chính.
Theo IMF, với mức đòn bẩy cao trong hệ thống tài chính và sự kết nối ngày càng tăng giữa các trung gian tài chính phi ngân hàng và các ngân hàng, mức vốn và thanh khoản đủ trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là 'mỏ neo" của sự ổn định tài chính toàn cầu. IMF cũng thúc giục các chính phủ đảm bảo có đủ vốn và thanh khoản trong hệ thống ngân hàng để ứng phó với khủng hoảng - bao gồm cả việc "thực hiện đầy đủ, kịp thời và nhất quán" các quy tắc được gọi là Basel 3, được đưa ra sau cuộc khủng hoảng năm 2008.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất