Thương xá Tax được bảo tồn trong kiến trúc mới

12/10/2016 22:08 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 12/10, tòa nhà thương xá Tax tọa lạc ngay trung tâm TP. Hồ Chí Minh bắt đầu được tháo dỡ toàn bộ để chuẩn bị mặt bằng cho công trình xây dựng mới 40 tầng mang tên Trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng khách sạn Satra Tax Plaza. 

Quyết định đập bỏ Thương xá Tax (TP.HCM) thời gian qua ít nhiều tạo sự chú ý trong dư luận xung quanh việc bảo tồn các giá trị lịch sử và văn hóa trong kiến trúc đô thị hiện đại. Thông tin mới nhất Thể thao & Văn hóa Cuối tuần nhận được là Thương xá Tax sẽ vẫn được bảo tồn một phần trong kiến trúc công trình mới thay vì bị đập bỏ hoàn toàn...

Trong mới có cũ

Trong trao đổi trước đây với Thể thao & Văn hóa, bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, cho biết Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã gửi công văn lên Sở VH,TT&DL TP.HCM đề nghị được “đưa” Thương xá Tax về bảo tàng trưng bày. Cụ thể, một phần cầu thang ở sảnh chính và con gà gỗ của Thương xá Tax bảo tàng “xin” được sở hữu, trưng bày. Cầu thang và con gà của Thương xá Tax được giới chuyên môn đánh giá như một tác phẩm mỹ thuật.

Mới đây, bà Mã Thanh Cao cho biết, trong một cuộc họp lấy ý kiến các đơn vị chuyên môn do chủ quản Thương xá Tax tổ chức, thì công trình này sẽ được bảo tồn một số hạng mục. Bà Cao cho biết: “Tôi tham gia cuộc họp này và có ý kiến rằng một số nội thất như cầu thang gỗ của Thương xá Tax cũ sẽ được tích hợp trong tòa nhà mới. Làm điều này chỉ có lợi cho tòa nhà mới vì một số hạng mục như cầu thang của tòa nhà cũ sẽ làm điểm nhấn, thu hút du khách đến với công trình mới hoàn toàn có lợi”.


Thương xá Tax trước khi bị thay thế bằng một công trình kiến trúc mới

Ý kiến của bà Mã Thanh Cao nhận được sự đồng thuận của nhiều người. Ông Phùng Anh Tuấn, Tổng lãnh sự danh dự Phần Lan tại Việt Nam, cũng cho rằng không thể “xóa sổ” Thương xá Tax mà không lưu lại dấu tích gì của một công trình kiến trúc tồn tại hàng trăm năm. “Sau gần 100 năm tồn tại, Thương xá Tax được sửa nhiều lần nhưng những gì đẹp nhất vẫn còn được giữ lại như khi vừa xây xong. Chẳng hạn như phần sảnh chính, sàn lót gạch mosaic, hai cầu thang được chạm trỗ hoa văn…

Riêng phần gạch mosaic không phải do người Pháp sản xuất dù đây là công trình kiến trúc của họ, mà được làm thủ công từ Bắc Phi. Trải qua gần 100 năm với nhiều lần sửa chữa, nhưng phần gạch lót sàn mosaic vẫn còn nguyên vẹn. Tôi nghĩ, những người sửa chữa Thương xá Tax họ không thể “xuống tay” đập bỏ cái đẹp đã khẳng định giá trị qua thời gian. Vậy nên nếu xây tòa nhà mới tại vị trí Thương xá Tax, thì phải có giải pháp bảo tồn cho thích hợp”, ông Tuấn đề nghị.

Ở Sài Gòn - TP.HCM có nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu trải qua hàng trăm năm, trở thành “biểu tượng” cho đô thị này. Việc sửa chữa, tôn tạo các công trình này rất cần lưu tâm đến tính biểu tượng của chúng để không dẫn tới những thay đổi mà người dân cảm thấy khó chấp nhận. Chẳng hạn, nhà thờ Đức Bà khi mới xây không có hai đỉnh nhọn hai bên như hiện nay.

Trong quá trình sửa chữa, tôn tạo, hai đỉnh nhọn này được xây thêm nhưng hợp với vóc dáng công trình nên được mọi người chấp nhận và tồn tại đến bây giờ. Hay mới đây, Bưu điện TP.HCM được sơn mới với màu sơn quá “tân kỳ” không “quen mắt” như những gì người dân vẫn thấy. Lập tức làn sóng dư luận trái chiều về màu sơn mới của Bưu điện TP.HCM ập đến, khiến cho cơ quan quản lý công trình này phải lấy ý kiến của các chuyên gia để điều chỉnh màu sơn cho thích hợp. Như vậy có thể thấy, không chỉ trong cuộc sống luôn có sự kế thừa, mà ngay cả các công trình kiến trúc, di tích văn hóa - lịch sử cũng phải có sự tiếp biến của nó, kể cả trong một… màu sơn.


Trường Bồ Đề ở Quảng Trị bị bom đạn phá nát trong trận chiến 81 ngày đêm “mùa Hè đỏ lửa” vẫn được lưu giữ đến hôm nay

Giữ gìn ký ức

Ký ức của một cá nhân hay ký ức của một cộng đồng phải được giữ gìn để tất cả không bị lãng quên khi điều đó cần ghi nhớ. Ông Phùng Tuấn Anh từng chia sẻ: “Xây tòa nhà 40 tầng hay cao hơn nữa là việc của chủ bất động sản này thông qua quyết định của chính quyền TP.HCM. Tôi không phải nhà chuyên môn trong quy hoạch đô thị, tôi chỉ kiến nghị những gì mình quan sát được.

Bảo tồn Thương xá Tax sẽ rất có lợi cho chủ bất động sản này nói riêng và với những người yêu quý công trình này nói chung. Nhiều nhà đầu tư bất động sản lớn trên thế giới, khi đầu tư vào vị trí những tòa nhà cổ có lịch sử lâu đời, gần như họ giữ nguyên trạng ban đầu. Lý do giữ nguyên trạng, vì theo họ, tiền có thể xây được tòa nhà 100 tầng hay cao hơn nữa nhưng tiền không thể xây được tòa nhà 100 năm tuổi. Tất nhiên, để dung hòa giữa thương mại và các giá trị lịch sử, văn hóa, họ vẫn có cách bảo tồn các giá trị cũ khi xây dựng cái mới”.

Theo tìm hiểu của Thể thao & Văn hóa Cuối tuần, công trình Siam Center của Thái Lan chỉ khoảng 50 năm, nhỏ tuổi hơn Thương xá Tax rất nhiều, vẫn được chính quyền Bangkok nâng niu giữ gìn vì công trình này gắn với lịch sử phát triển của Bangkok. Có thể nói, Siam Center lưu lại ký ức của Bangkok, mà nếu phá bỏ sẽ như xóa một phần lịch sử của nơi đây.

Nếu ai đã một lần đến thăm thành cổ Quảng Trị, nơi năm 1972 diễn ra trận chiến 81 ngày đêm ác liệt được lưu danh “mùa Hè đỏ lửa”, trên con đường trung tâm đi vào Thành cổ Quảng Trị, hiện nay vẫn có thể thấy một công trình mang đầy vết tích bom đạn được giữ lại. Đó là trường học Bồ Đề, một trong rất ít công trình kiến trúc còn sót lại sau trận chiến 81 ngày đêm năm 1972, trong khi tất cả gần như bị san bằng bởi giao tranh.

Cũng giống như những ngôi nhà mang dấu tích cuộc ném bom nguyên tử giờ được bảo tồn giữa thành phố phát triển Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản), Trường Bồ Đề trở thành một bảo tàng về cuộc chiến 81 ngày đêm đỏ lửa giữa thị xã Quảng Trị hiện nay đã khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới.

Trở lại câu chuyện Thương xá Tax, nếu thực sự một số hạng mục của tòa nhà cũ được tích hợp vào công trình mới, thì đây là chuyện đáng mừng cho việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển; khi mà những người làm quy hoạch luôn thực hiện phương châm “có mới nhưng không nới cũ”.

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm