17/11/2017 07:31 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - “Thân thể trần truồng của người đàn bà là tác phẩm của tạo hóa. Còn cái ý thức hổ thẹn về sự trần truồng ấy là sản phẩm của tính gian manh…”. Đó là câu nói nổi tiếng của danh họa thiên tài người Tây Ban Nha - Francisco José de Goya y Lucientes (tr.325, tác phẩm “Bức họa Maja khỏa thân” của Samuel Edwards, NXB Văn nghệ TP.HCM, 2001).
Trả lời phỏng vấn Báo Thể thao & Văn hóa về việc không mặc nội y trong phim truyền hình Thương nhớ ở ai, “bà cán bộ xã Tí Hin” - diễn viên Trương Phương - chia sẻ: “… tại sao dư luận không tập trung vào nội dung phim, hình ảnh, ý nghĩa của bộ phim mà cứ chăm chăm vào vòng 1 của diễn viên thế nhỉ?”.
“Link” hai câu nói này vào với nhau, có lẽ nó sẽ cho chúng ta khá nhiều suy nghĩ…
Cho đến thời điểm này, VTV3 đã phát sóng tập 4 của bộ phim Thương nhớ ở ai và nhận được nhiều lời khen ngợi của khán giả, bởi kịch tính của câu chuyện và sự hóa thân của những diễn viên vào trong vai diễn của mình, dù họ là những diễn viên mới, chưa được nhiều người biết đến.
Tuy chỉ mới phát sóng 4 trong số 34 tập, nhưng nó cũng đã cho người xem thấy khá nhiều điều của một làng quê Việt Nam giai đoạn thập niên 1950-1960. Trong đó, nó đã phản ánh khá chân thực về tư duy giai cấp, điều kiện kinh tế dân làng, bối cảnh làng quê, nề nếp sinh hoạt, văn hóa… và đặc biệt trang phục của người dân, trong đó có việc phụ nữ không mặc nội y.
Tuy nhiên, sau khi những tập đầu tiên của Thương nhớ ở ai được phát sóng, khá nhiều ý kiến cho rằng diễn viên không mặc nội y là phản cảm. Đúng là “chín người mười ý”. Liệu rằng, nếu diễn viên phim Thương nhớ ở ai có mặc nội y, phim có bị phê phán là không tái hiện đúng trang phục của phụ nữ giai đoạn đó? Bởi điều tương tự cũng đã diễn ra đối với một số phim mang tính lịch sử trước đây.
Tuy nhiên điều đáng nói là không mặc nội y thì có gì xấu? Tại sao lại phản cảm? Khuôn ngực tròn đầy của người phụ nữ thấp thoáng sau làn áo yếm tại sao không nghĩ rằng đó là một vẻ đẹp mà lại là sự phản cảm?
Đẹp hay xấu trong trường hợp này là ý thức “thánh thiện” hay suy nghĩ “tà dâm”. Mỗi một cá nhân phải tự xây dựng cho mình một mỹ cảm đúng đắn thì mới có thể có một mỹ cảm tiến bộ của cộng đồng.
Để nói về vấn đề này, người viết xin trích đoạn đối thoại của công tố viên Tòa thánh Giáo hội Thiên chúa giáo ở Tây Ban Nha và họa sĩ thiên tài Goya trong phiên tòa của Giáo hội xử người họa sĩ này.
Công tố viên nói: “Bức họa “Maja khỏa thân” là một họa phẩm đồi trụy mang tính chất tà dâm dơ bẩn. Đây là một hành động chống đối lại thượng đế, chống lại con người… Goya, anh phải hiểu rằng vẽ người trần truồng là một tội đáng chết”.
Goya lập luận rằng, ngay tại Vatican cũng có nhiều tranh, tượng khỏa thân và ông đã dõng dạc nói trước tòa: “Chẳng có gì là xấu xa, cũng không có gì là tục tĩu hết. Tôi đã vẽ nó để ngợi ca và tỏ lòng tôn kính cái đẹp, tôn kính ca ngợi người đàn bà. Và cái đẹp của người đàn bà là một sáng tạo của thượng đế. Sự dâm ô đồi trụy và những điều tội lỗi xấu xa chỉ có trong nhận thức của người xem tranh. Thân thể trần truồng của người đàn bà là tác phẩm của tạo hóa. Còn cái ý thức hổ thẹn về sự trần truồng ấy là sản phẩm của tính gian manh”. (tr. 325-326, sách đã dẫn).
Do sức ép của phái tiến bộ, nên tại phiên tòa này, họa sĩ Goya đã giành phần thắng, và nhiều người nói rằng đó là cái thắng của chân - thiện - mỹ.
Hải Long
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất