Bản quyền truyền hình BĐVN trong tay AVG: Cách mạng chưa "đổ máu"

09/01/2011 21:12 GMT+7 | V-League

(TT&VH cuối tuần) - AVG muốn làm một cuộc cách mạng bản quyền truyền hình với V-League và cả BĐVN, nhưng đấy là một cuộc cách mạng không đổ máu. Ít nhất thì cuộc gặp mặt mà AVG mời tất cả các đài truyền hình và cả đại diện các CLB ở Hà Nội ngày 5/1 cũng đi theo hướng này.

Chấp nhận thay phản kháng

Cho tới thời điểm này, vẫn chỉ có VTC là chưa tiêu hóa được thực tế là đài không còn được mua trực tiếp từ VFF, và VFF đã quên không hỏi VTC có đủ tiềm lực để mua trọn gói bản quyền hay không mà đã nhanh nhảu bán cho AVG tới 20 năm để lấy số tiền 6 tỉ cho năm đầu tiên và các năm tiếp sau cứ thế tịnh tiến.

Sự chấp thuận thực tế là điều có thể cảm nhận rất rõ. VTV, VCTV đã và đang đàm phán để mua lại bản quyền của AVG và có vẻ điều đó cũng dễ dàng như việc họ đã từng đi mua từ chính cửa VFF trước kia.

Thậm chí, như VCTV, khi mà số lượng kênh sóng của họ đã phình ra với tối thiểu là Thể thao TV và Bóng đá TV, đang chuẩn bị sẽ lại tường thuật trực tiếp với tần suất là 3 trận/vòng khi mùa giải bắt đầu khởi tranh.

VTV gần như chắc chắn sẽ vẫn tường thuật tối thiểu 1 trận/vòng như truyền thống. Chỉ có điều, quyền ưu tiên số 1 của VTV mà VFF trước đây từng dành cho, có còn hay không khi đối tác là AVG?

Một vấn đề mấu chốt là tiền bản quyền mà các đài mua từ AVG ở mùa 2011 cũng không bị chặt chém so với quá khứ. Đại diện của VTV và cả VCTV đều cho hay là vấn đề ở đây không phải là tiền, mà chỉ còn là các chi tiết.

Mùa 2010, VTV trả hơn 40 triệu/trận để có được quyền ưu tiên số 1. Lần lượt VCTV và VTC trả thấp hơn, có quyền chọn các trận mà VTV không “thích”. Số tiền năm nay chưa được tiết lộ, nhưng hầu hết đều hài lòng.


Ai bảo là người Việt không xem bóng đá Việt? Bức ảnh này chụp tháng 5/2010 tại Đà Nẵng khi TV phát sóng trực tiếp trận đấu SHB.ĐN đá ở sân khách. Ảnh: H.Q

Các đài địa phương, nơi có các CLB tham dự V-League và hạng Nhất, trước đây họ luôn được hưởng quyền miễn phí từ VFF. VFF coi từ HTV Hà Nội, HTV TP HCM tới các đài như Đà Nẵng, Nghệ An, Đồng Tháp đều là đài địa phương và họ thoải mái vác máy, đưa xe màu tới làm trực tiếp phục vụ khán giả tỉnh nhà và cả các tỉnh khác nếu muốn.

Đó cũng không phải là vấn đề lớn khi các đài địa phương cũng sẽ lại có cái quyền ấy, và chỉ bị giảm bớt quyền thương mại, hoặc sẽ phải tiếp sóng với điều kiện giữ cả logo và các nội dung quảng cáo mà AVG treo lên đó.

Như thế có nghĩa là các đài hầu như vẫn tiếp tục phát sóng V-League, và người hâm mộ cũng sẽ thưởng thức (hoặc phải xem) các trận đấu ở giải quốc nội như trước kia.

Và V-League trên TV hấp dẫn hơn ngoài sân?

Thậm chí, nếu những gì đại diện của AVG, ông Phạm Nhật Vũ cam kết là thực, thì có thể V-League trên truyền hình sẽ đẹp hơn và hấp dẫn hơn về mặt hình ảnh.

“Đẹp như ESPN hay Star Sport không phải là giấc mơ quá xa”, ông Vũ thổ lộ thế. “V-League phải có một chuẩn mực mới về truyền hình chứ không phải như trước kia”, ông Vũ khẳng định mà khá tự tin. “Nếu như 3-4 máy quay/trận mà không đủ thì sẽ sử dụng 5-6 máy, hay 7-8 máy. Nếu đài địa phương thiếu máy, thiếu người thì AVG sẽ có máy, có người”, ông Vũ cũng hứa như thế.

Duy chỉ có ý tưởng thuê IMG, đơn vị đang sản xuất phát sóng giải ngoại hạng Anh đến để “chiến đấu” ở V-League là AVG có vẻ chùn bước vì chi phí quá lớn ở thời điểm hiện tại.

Dù vẫn còn quá sớm nhưng vẫn có thể khẳng định là với số tiền bỏ ra cho mùa đầu tiên là 6 tỉ đồng trả VFF để mua toàn bộ bản quyền truyền hình các trận đấu thuộc sở hữu của VFF rồi bán lại cho các đài thì AVG chắc chắn sẽ lỗ trong năm 2011. Thậm chí là lỗ lớn, bởi nếu tính cả chi phí tổ chức sản xuất thì con số có thể tăng lên tới gần chục tỉ đồng.

Mà AVG không phải là một đơn vị làm từ thiện, dù cho trong 2 năm qua, đơn vị này đã chi ra tới hơn nửa chục tỉ đồng cho việc tài trợ các giải thưởng của BĐVN và cả thể thao VN.

Nó sẽ đặt ra câu hỏi là liệu sau một hoặc hai mùa thiện chí và ghi điểm, thì AVG sẽ sử dụng và khai thác bản quyền độc quyền các trận đấu của BĐVN theo hướng nào, khi mà tiêu chí lợi nhuận được đặt ra và cần phải được thỏa mãn, bên cạnh trách nhiệm quảng bá hình ảnh BĐVN tới người hâm mộ chất lượng hơn.

Nhưng nói theo ngôn ngữ bóng đá và nhìn từ góc độ của người hâm mộ thì hãy cứ vui đi vì V-League sẽ lại tràn ngập trên các kênh sóng. Vấn đề còn lại chỉ là VFF với hàng chục tỉ đồng trong tay (30 tỉ của Eximbank, 6 tỉ của AVG (chưa chia cho các CLB), 7 tỉ từ phí tham dự các CLB nộp), tổ chức này có nâng được các giải đấu của mình lên tầm mức mới hay không.

Phạm Tấn

22-1 này chắc chắn V-League sẽ lên sóng nhiều đài dù cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất cứ đài nào đạt được thỏa thuận cuối cùng với AVG. Theo đơn vị này, họ đã chuẩn bị sẵn cả các phương án là nếu chưa thỏa thuận xong thì hình ảnh các trận đấu cũng sẽ lên sóng bằng các cách khách nhau. V-League 2011 chỉ còn cách chưa đầy 2 tuần nữa…

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm