(Thethaovanhoa.vn) - Quảng cáo áo đấu và kiếm tiền bằng mọi cách có thể, giờ đây Barca còn đứng trước khả năng xóa sổ cái tên đã đi vào niềm kiêu hãnh: Camp Nou.
1. “Ông ta chẳng biết gì về bóng đá. Ông ta đang muốn điều hành một CLB bóng đá theo cách của doanh nghiệp”. Lionel Messi đã từng nói thế về Javier Faus, Phó chủ tịch phụ trách mảng tài chính.
Javier Faus là người duy nhất trong thành phần quản lý Barca phản đối việc gia hạn hợp đồng với Messi, dẫn đến câu nói nổi tiếng kể trên hồi tháng 12/2013. Dù vậy, không lâu sau đó, Barca vẫn phải thực hiện việc thay đổi điều khoản hợp đồng của Messi, nâng lương cho anh lên mức 20 triệu euro.
Mâu thuẫn giữa Messi với Javier Faus chỉ là một phần trong câu chuyện liên quan đến việc cầu thủ người Argentina đã không còn hạnh phúc ở Barca - ít nhất là so với vài năm trước, khi anh miệt mài thể hiện tình yêu của mình.
Sự thay đổi ở Barca? Như Messi đề cập, Barca giờ đây giống một doanh nghiệp hơn là “Hơn cả một CLB” - khẩu hiệu mà những CĐV đội bóng xứ Catalunya luôn tự hào.
2. Cách nay hai tháng, tờ Sport từng công bố mẫu áo mới mà Barca dự định dùng cho mùa 2015-16. Chỉ sau vài hình ảnh, những nhà báo, chuyên gia bóng đá thân Barca và người hâm mộ đã phản ứng rất gay gắt.
Mẫu áo mới ấy làm nổi bật lên hình ảnh nhà tài trợ, trong khi phá bỏ truyền thống trong một văn bản mà sân Camp Nou hiện còn lưu giữ. Nó đi ngược với lịch sử Barca, và chính logo đầy kiêu hãnh của CLB.
Cuộc sống hiện đại là những đổi thay (và cách tân) không ngừng. Nhưng chắc chắn là không thể ngay lập tức thay đổi bằng cách chà đạp lên giá trị truyền thống của chính mình.
“Họ có khoản nợ nửa tỷ euro. Dưới áp lực ấy, cũng như các đối tác thương mại, họ sẵn sàng bán đi mọi thứ”, nhà báo Jim White từng mỉa mai trên tờ The Telegraph.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. “Chúng tôi cần tiền. Chúng tôi cần các khoản tài trợ mới”, Javier Faus phát biểu trong cuộc gặp với hãng Qatar Airways mới đây, với mục đích đàm phán gia hạn hợp đồng tài trợ (hợp đồng hiện tại hết hạn năm 2016). “Ok, với chúng tôi, không có gì là không thể”, CEO Akbar Al Baker của Qatar Airways đáp lại.
Akbar Al Baker muốn gì? Một cái tên mới thay cho Camp Nou. Qatar Airways Stadium? Có thể, hoặc một cái tên khác tương tự, mà không còn là Camp Nou.
Thật khó để tưởng tượng các trận đấu sân nhà sắp tới của Barca - vẫn luôn có lượng khán giả trung bình 70.000 - sẽ thế nào khi không còn ai nhắc đến danh từ riêng Camp Nou?
3. Trong lịch sử hơn 100 năm tồn tại, Barca từng tự hào không quảng cáo trên áo đấu. Khi lần đầu tiên khai thác áo đấu, Barca thậm chí không kiếm đồng nào, mà họ đã trả tiền cho UNICEF như một chiến dịch từ thiện.
Nhưng rất nhanh, UNICEF được chuyển sang sau lưng, để dành “mặt tiền” cho bản hợp đồng mà mỗi năm Barca kiếm về khoảng 30 triệu euro.
Xu hướng chung của bóng đá thế giới hiện nay là khai thác hình ảnh tối đa, bao gồm cả việc bán tên SVĐ. Barca đã không còn nằm ngoài vòng xoáy ấy. Nhưng với một đội bóng có giá trị đặc biệt như Barca, việc mọi thứ diễn ra với tốc độ chóng mặt khiến cho những trái tim yêu họ khó mà chấp nhận ngay.
Xin mượn ý của Messi để nói rằng, đã đến lúc Barca thay đổi khái niệm “Hơn cả một CLB” thành “Hơn cả một doanh nghiệp”. Đúng là không đội bóng nào kiếm được tiền tài trợ nhiều như Barca.
Ng. Huy
Thể thao & Văn hóa