04/04/2023 12:45 GMT+7 | HighTech
Asus ROG Ally – mẫu máy chơi game PC cầm tay đầu tiên của Asus sở hữu màn hình và cấu hình tốt hơn Steam Deck, nhưng kèm theo đó là giá bán có thể cao hơn, kèm theo mức độ ngốn pin.
Từng lần đầu lộ diện với một video đăng tải vào ngày Cá tháng Tư vừa qua và được không ít game thủ coi là 'trò đùa'', Asus ROG Ally – mẫu máy chơi game PC cầm tay đầu tiên của Asus hóa ra là một sản phẩm thực sự đang được phát triển và chuẩn bị ra mắt.
Theo đó, hãng công nghệ này mới đây đã chính thức xác nhận về việc sắp ra mắt Asus ROG Ally, hứa hẹn cho thấy mẫu máy này có thể là một đối thủ đáng gờm với Steam Deck của Valve.
Theo Asus, ROG Ally chạy Windows 11, tích hợp APU Ryzen tùy chỉnh từ AMD, tương tự như con chip Aerith (cũng của AMD) bên trong Steam Deck. Điểm khác biệt ở chỗ, do ra mắt sau Steam Deck, ROG Ally đương nhiên được trang bị APU nhanh nhất hiện nay của AMD, theo Asus.
Mặc dù Steam Deck của Valve là nỗ lực thành công nhất để biến việc chơi game trên PC thành một trải nghiệm di động thực sự, nhưng vẫn có rất nhiều đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường. Có thể kể đến các thiết bị chơi game PC cầm tay như Ayaneo 2, hoặc các máy có thiết kế tương tự Nintendo Switch khác từ GPD và OneXPlayer.
Tuy nhiên, các mẫu máy này có điểm chung là đều sử dụng chip set AMD 6800U, thay vì sử dụng một APU được tùy chỉnh riêng. Đây là điều dễ hiểu, khi mối quan hệ và số lượng đặt hàng của các một số nhà sản xuất chưa đủ lớn để AMD có thể 'ngó ngàng' đến. Do vậy, sự cân bằng về sức mạnh xử lý và độ hiệu quả (về hiệu năng/lượng điện năng tiêu thụ) là điều mà các thiết bị chơi game cầm tay trên chưa thể làm được như Steam Deck.
Với Asus ROG Ally, việc sử dụng APU tùy chỉnh từ AMD là một nước đi đúng đẵn để thiết bị này có thể cạnh tranh với Steam Deck. Tất nhiên, đây chỉ là một trong số nhiều điểm cộng của ROG Ally, khi mấu máy này vẫn còn nhiều lợi thế khác có thể kể đến.
Chẳng hạn, nguyên mẫu của ROG Ally hoạt động êm ái hơn nhiều so với Steam Deck khi chơi các game có đồ họa nặng. Cụ thể, độ ồn đo được của ROG Ally chỉ khoảng 20dB, so với 37dB của Steam Deck khi chạy full load, nhờ hệ thống quạt tản nhiệt kép hút không khí từ phía sau và thoát ra ngoài ở phía trên. ROG Ally được cho là cũng khá 'dễ tính' với người dùng thích vọc vạch, khi ổ SSD và cần điều khiển của máy dường như có thể thay thế dễ dàng, theo Dave2D.
Xét về mặt ngôn ngữ thiết kế và cách bố trí phím bấm, ROG Ally có nhiều điểm tương tự như Switch. Chẳng hạn, cụm cần điều khiển analog trái/phải của ROG Ally được bố trí bất đối xứng, thay vì đặt song song nhau như ở Steam Deck. Theo đó, cần analog trái nằm trên và cụm Dpad nằm ở dưới, trong khi cần analog phải nằm ở dưới cụm 4 nút ABXY.
Tương tự, các nút cò như RB-RT/LB-LT nằm ở trên, cùng các nút phụ quanh máy để vào menu/setting.
Về kích thước, Asus ROG Ally nhỏ hơn, nhẹ hơn và mỏng hơn so với máy chơi game của Valve — 608g / 280mm x 113mm x 39mm đối với Ally so với 669g / 298mm x 117mm x 50,5mm của Steam Deck. Điều này có thể mang đến trải nghiệm cầm nắm tốt hơn so với Steam Deck, khi mẫu máy chơi game của Valve được đánh giá là khá to và nặng so với nhiều mẫu máy chơi game cầm tay khác.
ROG Ally có màn hình 16:9, kích cỡ 7 inch với độ phân giải 1920 x 1080, độ sáng 500 nit và tốc độ làm tươi 120 HZ. Đây là sự nâng cấp vượt trội so với Steam Deck, vốn trang bị màn hình 7 inch 16:10 ở 1280 x 800, độ sáng 400 nits và tốc độ làm tươi 60Hz.
Một điểm khá hay là ROG Ally thậm chí còn được trang bị 1 cổng kết nối với dock eGPU gắn ngoài của Asus là ROG XG Mobile, giúp nâng cao hơn nữa hiệu năng xử lý đồ họa của máy khi kết nối với nhau, đồng thời cho phép người dùng stream game lên TV.
Đương nhiên, màn hình độ phân giải cao hơn, tốc độ làm tươi cao hơn, bộ xử lý mạnh hơn Steam Deck nghe có vẻ tốt, nhưng nó cũng có thể đi kèm 'cái giá phải trả' là độ ngốn pin. Về điểm này, việc ROG Ally sử dụng Windows 11 cũng mang tới nhiều dấu hỏi so với SteamOS trên Steam Deck về độ hiệu quả và tối ưu, khi hệ điều hành dựa trên Linux thường có hiệu năng chơi game tốt hơn hẳn so với hệ điều hành của Microsoft.
Ở thời điểm hiện tại, Asus vẫn chưa công bố về viên pin trang bị bên trong ROG Ally, ngoài việc thiết bị này sử dụng một cục sạch nhanh có công suất 65W, sạc qua cổng USB-C.
Về ngày ra mắt và giá bán, hiện tại Asus vẫn chưa công bố thêm bất kì thông tin nào ngoài việc cung cấp thông tin để người dùng có thể 'đặt gạch' trước.
Tuy nhiên, theo suy đoán của nhiều trang tin công nghệ, rất khó có khả năng ROG Ally sẽ được bán ở gần mức giá của Steam Deck.
Hiện tại, thiết bị của Valve được bán từ 399 USD đến 649 USD (tùy phiên bản). Cần lưu ý, mức giá này được 'trợ giá bởi doanh số bán game trên Steam, vốn cho phép Valve có thể bán lỗ các thiết bị của mình và thu tiền lại từ việc bán phần mềm – tương tự như mô hình của Sony và Microsoft với PlayStation và Xbox.
Với ROG Ally, thiết bị này nhiều khả năng sẽ được bán ở ngưỡng giá tối thiểu 1000 USD – tương tự như nhiều mẫu máy chơi game PC cầm tay khác (như AyaNeo 2, GPD Win 4) vốn cũng có giá bán cao hơn so với Steam Deck. Đây là điều dễ hiểu, khi cấu hình cao hơn cũng đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất cao hơn, chưa kể đến một khoản phí về giấy phép sử dụng Windows 11 Asus có thể phải trả cho Microsoft. Tất nhiên, ở mức giá bán này, đương nhiên nhiều người dùng sẽ phải cân nhắc trước khi dốc hầu bao.
Tổng hợp
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất