Asian Cup: Khi ông Troussier là ngôi sao duy nhất

11/01/2024 13:03 GMT+7 | Bóng đá Việt

Khi ông Philippe Troussier đến với Nhật Bản năm 1998, đôi bên có sự tương đồng. Ông được xem là người đặt nền móng cho sự phát triển rực rở của bóng đá xứ sở mặt trời mọc, nhưng ở thời điểm đó, bóng đá Nhật Bản cũng đã có kỳ World Cup đầu tiên và chuẩn bị là nước đồng chủ nhà Cúp thế giới kế tiếp, nên có hẳn một bệ phóng để ông Troussier trở thành một tượng đài tại đất nước này và cả Asian Cup.

Bóng đá Việt Nam đương nhiên là rất kỳ vọng vào việc nhà cầm quân người Pháp sẽ làm được điều tương tự như với bóng đá Nhật Bản, nhưng cần phải thực tế, nền tảng của chúng ta không giống như bóng đá Nhật Bản, dù là so sánh với hơn 20 năm trước.

Nếu có một điểm chung, thì có lẽ là sự tương đồng ở một khía cạnh nào đó giữa HLV Troussier và bóng đá Việt Nam. Chiến lược gia người Pháp là một "cựu binh" đang có một cuộc phiêu lưu ở tuổi xế chiều hòng tìm lại những thanh xuân xa lắc, trong khi bóng đá Việt Nam thì giống chàng trai vừa qua tuổi vị thành niên, nhiều khao khát nhưng cũng lắm va vấp. Chọn HLV Troussier làm HLV trưởng, bóng đá Việt Nam xem đó là một phép thử, để biết mình có khả năng đi được xa hay không. Còn với HLV Troussier, công việc hiện tại cũng giúp ông biết, liệu mình hết thời hay chưa?!

Hãy xem kết quả chuẩn bị cho Asian Cup của  Thái Lan và Indonedsia. Hai trận thua với tỷ số 0-5 trước lần lượt Nhật Bản và Iran, những ứng cử viên của chức vô địch Asian Cup. Nếu bổ sung thêm với thất bại 0-6 trước Hàn Quốc của Việt Nam ở đợt trận giao hữu hồi tháng 11, thì chúng ta có ngay một đáp án tương đối rõ ràng về cái gọi là khoảng cách giữa Đông Nam Á với tốp đầu châu lục. Chẳng có gì phải che giấu điều đó cả, và việc ông Troussier bình thản sau khi Việt Nam nhận trận thua kỷ lục cách đây hơn một tháng, cũng cho thấy tâm thế của ông thầy người Pháp khá ổn.

Khi ông Troussier là ngôi sao duy nhất - Ảnh 1.

Với bề dày kinh nghiệm, HLV Troussier là hy vọng lớn nhất của ĐT Việt Nam tại Asian Cup 2023. Ảnh: Hoàng Linh

Thua là thua, kém trình độ hơn nhiều thì cứ phải thừa nhận bằng tỷ số cỡ như vậy, thì mới ra vấn đề. Thống kê cho biết Thái Lan là quốc gia Đông Nam Á dự nhiều kỳ Asian Cup nhất với 7 lần, nhưng lại giữ kỷ lục không vui, đó là có chuỗi trận không thắng dài nhất tại Asian Cup. Từ năm 1972 đến 2007, họ đá 18 trận mà không biết hương vị chiến thắng, trong đó có 10 trận thua. Rộng hơn, Thái Lan chỉ thắng đúng 2 lần trong số 24 trận ra sân ở Asian Cup, đó là vào các năm 2007 và 2019.

Việc dư luận cho rằng ông Troussier cho đến nay, sau gần một năm làm việc mà vẫn loay hoay với lối chơi và nhân sự, không hẳn là không có lý. Nhưng công bằng mà nói, nếu chúng ta xem các kết quả thi đấu giao hữu của Thái Lan và đặc biệt là Indonesia, thì họ cũng loay hoay ghê gớm. Đội hình hiện nay của Thái Lan có thành phần cơ hữu là thành viên của 2 chức vô địch AFF Cup gần nhất, còn Indonesia thì toàn "hạt giống" do chính tay HLV Shin Tae Yong tuyển chọn. Vậy nhưng khi va đập với những đối thủ đẳng cấp cao nhất châu lục, thì mọi sự tiến bộ đều có cảm giác không tồn tại.

Đó chính là bài toán mà HLV Troussier phải tìm lời giải ở Asian Cup lần này. Nó không phải là có tái lặp thành tích của 2 kỳ giải trước được hay không, mà là chơi như thế nào, theo cách gì, để vừa tránh được các trận thua "vỡ mặt" mà vẫn tìm thấy "cửa thắng".

Nói cho cùng, 2 lần vào tứ kết của Việt Nam cũng đã là thành tích tốt nhất của bóng đá Đông Nam Á tính từ năm 1968 đến nay. Không đội bóng nào trong số 4 đại diện Đông Nam Á có nhiều hơn 5% khả năng vào bán kết, dựa trên những dự đoán theo phương pháp loại trừ so với các đội bóng tốp 10 châu Á. Mọi hy vọng của các đội đều gần như trông đợi vào HLV trưởng của mình. 


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm