10/01/2015 13:16 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu một trận “derby bán đảo Triều Tiên” diễn ra ở bán kết Asian Cup 2015, sự phấn khích sẽ lớn hơn bao giờ hết.
Sau khi U23 Triều Tiên thua U23 Hàn Quốc 0-1 ở trận tranh HCV ASIAD 2014 bởi bàn duy nhất ở phút 120, HLV Yun Jong-su đã chỉ trích trọng tài thiên vị chủ nhà. Hệ quả, ông bị cấm chỉ đạo ở Asian Cup 2015, và LĐBĐ Triều Tiên đành phải bổ nhiệm Jo Tong-seob thay thế.
Không chấp nhận thua cuộc
Án phạt có vẻ quá nặng, bởi lẽ Yun chỉ tiếp nối một truyền thống của bóng đá Triều Tiên: Phản ứng cay cú sau những thất bại cay đắng. Năm 2009, Kim Jong-hun, trước rất đông các phóng viên báo chí trong buổi họp báo ở Seoul sau trận thua 0-1 tại vòng loại World Cup 2010, đã từ chối mọi câu hỏi và cáo buộc đội chủ nhà đầu độc các cầu thủ của ông. HLV có triết lý phòng ngự cực đoan này sau đó đã đùng đùng bỏ ra khỏi phòng họp báo.
Tương tự, một quả phạt đền gây tranh cãi vào cuối trận khi gặp Iran ở vòng loại World Cup 2006 đã dẫn tới một cuộc bạo động bên ngoài SVĐ quốc gia Bình Nhưỡng, khiến những cầu thủ khách sau đó nói họ “lo sợ cho tính mạng”. Trong trận bán kết Asian Cup nữ 2006, các cầu thủ Triều Tiên đã tấn công trọng tài, đấm đá thực sự, sau khi bàn gỡ hòa vào phút chót của họ không được công nhận.
Đội hình ưa thích của Yun là 4-4-2, đặc biệt là trước các đối thủ châu Á (thật ra họ cũng ít đá với các đối thủ ở những châu lục khác). Nghe có vẻ lỗi thời, nhưng lối đá ấy khá hiện đại và trơn tru, với các tiền vệ và tiền đạo hoán đổi vị trí liên tục trên sân. Pak Sang Chol, nguồn cảm hứng sáng tạo chính, có khuynh hướng lùi sâu nhận bóng và chuyền lên cho tiền đạo rất lợi hại Jong Il Gwan cũng như 2 hậu vệ cánh hay dâng cao. Với tân HLV Jo, trợ lý của Yun và HLV đội U19 Triều Tiên vô địch châu Á năm 2010, chiến thuật và lối chơi có lẽ sẽ không thay đổi nhiều.
Tương lai tươi sáng
Năm 2011, Triều Tiên bị loại từ vòng bảng. Lần này, Trung Quốc, Uzbekistan và Saudi Arabia không được coi là ứng viên vô địch hàng đầu, nhưng vẫn rất mạnh và đều là ứng viên cho cương vị ngựa ô. Yun và Jo, đều đã làm việc nhiều năm ở các cấp độ trẻ khác nhau của bóng đá Triều Tiên, cũng có lợi thế lớn so với những HLV đánh thuê của Trung Quốc (Alain Perrin-người Pháp), Saudi Arabia (Cosmin Olaroiu-Romania) và Iran (Carlos Queiroz-BĐN).
Một thời gian dài, Triều Tiên hầu như không quan tâm tới Asian Cup và không dự giải vì nhiều lý do, như việc từ chối thị thực nhập cảnh cho các đối thủ, hoặc đơn giản là không đăng ký. Những cầu thủ Triều Tiên chơi ở nước ngoài giờ không còn lạ. 4 trong 23 người dự Asian Cup lần này đang kiếm ăn ở nước ngoài (dù ngôi sao Jong Tae Se, hiện chơi cho Suwon Samsung Bluewings của Hàn Quốc, vắng mặt): 2 ở Nhật Bản và 2 ở Thụy Sĩ.
Sự đổi mới diễn ra ở nhiều cấp độ. Năm 2013, một học viện bóng đá quốc tế đã được mở ở Bình Nhưỡng, thỉnh thoảng mời các HLV châu Âu sang chia sẻ kinh nghiệm. 6 trong 11 cầu thủ đá chính của đội U16 Triều Tiên trong trận chung kết giải vô địch châu Á hồi tháng 9 từng tập huấn ở TBN và Italy. Giải đấu đó kết thúc với chức vô địch cho Triều Tiên và tháng 10, họ lại vào chung kết U19 châu Á cũng như U23 Asian Games.
Asian Cup có thể tới hơi sớm cho lứa cầu thủ trẻ đó, nhưng Triều Tiên hoàn toàn có thể tin tưởng vào một tương lai bóng đá tươi sáng.
4 Đây mới là lần thứ tư Triều Tiên tham dự Asian Cup trong lịch sử 16 lần giải đấu được tổ chức. 4 Thành tích tốt nhất của Triều Tiên ở Asian Cup là hạng 4 năm 1980, khi giải diễn ra ở Kuwait. 12 HLV Jo Tong-seob đã có 12 năm làm việc với bóng đá Triều Tiên, dẫn dắt các đội U17, U20, U23, làm trợ lý, rồi HLV trưởng ĐTQG. |
Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất