20/08/2018 06:03 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Tham dự với tư cách đương kim vô địch song với những gì đã thể hiện ở ngày thi đầu tiên với nội dung kiếm thuật, gần như chắc chắn võ Wushu Dương Thúy Vi sẽ không thể bảo vệ được ngôi quán quân của mình, trừ phi có một phép màu. Thậm chí, điều đó đã được chính những người trong cuộc dự báo trước từ lâu. Chuyện của Vi, hay Wushu Việt Nam một lần nữa tái hiện.
1. Cách đây 4 năm, tại ASIAD 2014, Dương Thúy Vi đã giải “cơn khát” Vàng của Wushu kéo dài suốt 24 năm tưởng như vô vọng, cho dù Việt Nam vẫn được coi là cường quốc hàng đầu, chỉ thua “nôi” Trung Quốc, có thể giành nhiều HCV ở mọi giải đấu quốc tế khác.
Có quá nhiều sự hội tụ một cách khó tin rất khó lý giải dưới góc nhìn thông thường, được đặt ở người đẹp làng võ này, hay nói chính xác hơn là với tấm HCV ASIAD. Vi đã giải cơn khát Vàng đằng đẵng 24 năm cho Wushu Việt Nam khi mà chẳng ai còn dám tin, lực lượng của ĐTVN sa sút hơn nhiều các lứa trước, vị thế - quan hệ của cả môn cũng xuống chưa từng có.
Cần phải nói thêm, đúng là Vi có thuận lợi rất cơ bản, phần nào đó rất quyết định, bởi nội dung của cô không có hảo thủ nào của Trung Quốc. Song mặt khác cũng phải thấy trong những kỳ Đại hội trước, có không ít võ sĩ Việt Nam cũng “tránh” được mà chưa ai đoạt nổi Vàng. Duy nhất Vi đã thành công.
Chính tâm lý thỏa mái vì không phải chịu áp lực tranh Vàng đã giúp cô thực hiện hoàn hảo bài thi của mình. Và dường như phần còn lại không phụ thuộc vào Vi mà là chuyện của số phận khi đối thủ chính không hề thua kém cô Li Yi (Macau - Trung Quốc) đã không có được phong độ cao nhất cùng những lợi thế riêng của mình.
Sau khi kết thúc hai bài thi kiếm thuật - thương thuật, các trọng tài đã phải hội ý rất lâu rồi mới quyết định Vi chính là nhà vô địch với điểm số chỉ hơn người xếp sau đúng 0,02 điểm - một khoảng cách vô cùng mong manh thường chỉ xuất hiện ở môn như Wushu.
Trong chiến tích Vàng của Vi có cả sự tỏa sáng xuất sắc của một tài năng, sự may mắn và hơn thế nữa còn là kết đọng của hàng loạt yếu tố khác. Vì thế nó vô cùng khó và đặc biệt quý, rất xứng đáng cho dù có thể không quá thuyết phục về mặt chuyên môn thuần túy. Có thể Vi không xuất sắc hơn những Phương Lan, Mỹ Đức, Mai Phương và đặc biệt Thúy Hiền song có một điều mà các đàn chị chẳng thể có được: Sự lựa chọn kỳ lạ của lịch sử wushu Việt Nam và ASIAD.
2. Thế nhưng, với một Dương Thúy Vi đạt tới đỉnh cao nhất về mọi mặt của mình, lại là đương kim vô địch, song khả năng bảo vệ tấm HCV tại ASIAD 2018 của chị lại được đánh giá rất thấp, như chính các nhà quản lý huấn luyện của Wushu Việt Nam thừa nhận.
Đơn giản vì Trung Quốc đã đưa một võ sĩ xuất sắc của mình vào tranh tài nội dung kiếm thuật và thương thuật, với mục tiêu rất rõ ràng là giành HCV. Có nghĩa là, tài năng của Vi, mọi quyết tâm và nỗ lực của Vi trong suốt quá trình chuẩn bị không hề mang tính quyết định. Ngôi đầu nội dung kiếm thuật- thương thuật mà Vi đang là đương kim vô địch dường như phần nào đó nằm ngoài khả năng chuyên môn của nữ võ sĩ Hà Nội, mà phụ thuộc phần nhiều vào các yếu tố khác.
Thế nên, nếu Vi không bảo vệ được ngôi đầu sẽ là chuyện vô cùng bình thường. Còn nếu chị tiếp tục đăng quang chắc chắn là một kỳ tích khó tin.
Nhìn rộng ra, đó là nỗi niềm cay đắng, nói chính xác hơn một bi kịch và sự yếu kém chí tử của cả TTVN khi vẫn phải trông chờ chủ yếu vào các môn, nội dung mà chất lượng chuẩn bị, giá trị chuyên môn không hề có ý nghĩa quyết định.
Có lẽ chỉ có kỳ Á vận hội trên đất Indonesia môn Pencak silat mới được đưa vào. Và cũng chỉ ở đây mới có một nghịch lý có thật, quốc gia có có truyền thống, nền tảng lực lượng, trình độ hàng đầu thế giới, mà riêng về chuyên môn là số 1 là Việt Nam chỉ dám đặt mục tiêu giành 1 HCV trong tổng số 16 nội dung. Đích nhắm ấy thật bi hài vì ở giải vô địch châu Á 2017, các võ sĩ Việt Nam đã đoạt tới 8 HCV để giành ngôi nhất toàn đoàn tuyệt đối, hơn Indonesia tới 4 HCV.
Vũ Lê
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất