ASIAD 17: Ngôi nhất... không Vua!

03/10/2014 19:02 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Trước khi ASIAD 17 khai diễn, tất cả đều dự đoán ngôi vị số 1 toàn đoàn khó lòng thoát khỏi tay Trung Quốc, bởi đây là vị trí quen thuộc của Trung Quốc suốt từ Á vận hội năm 1982 cho tới nay. Và thực tế ở ASIAD 17 đã diễn ra đúng như vậy…

Tới thời điểm này, Thể thao Trung Quốc thể hiện sức mạnh vượt trội so với các đoàn thể thao khác ở châu Á, và chỉ sau đúng 1/2 chặng đường, Trung Quốc đã sớm vượt lên để chiếm ngôi số 1.

Điểm yếu của số 1

Tuy nhiên, bóng đá vẫn là nỗi thất vọng lớn nhất của nền thể thao đã vươn tới đẳng cấp thế giới này, khi mà cả 2 đội tuyển bóng đá nam và nữ và nữ đều đã bị loại sớm. Trong đó, bóng đá nam là nỗi thất vọng lớn lao khi đội tuyển Olympic Trung Quốc chỉ thắng được duy nhất 1 trận trước Olympic Pakistan, rồi sau đấy để thua 0-2 trước Olympic Thái Lan ở vòng 1/8.

Tuy nhiên, không ai lấy làm lạ vì điều này, bởi lâu nay thành tích của bóng đá nam Trung Quốc ở Á vận hội là rất khiêm tốn, và lần gần nhất Trung Quốc giành huy chương bóng đá nam ASIAD đã là từ năm 1998.



Đội Olympic Trung Quốc thi đấu không thành công tại ASIAD 17

Cũng vì lý do ấy mà khi tiến hành bốc thăm chia bảng môn bóng đá nam ASIAD 17, BTC đã đưa Trung Quốc vào nhóm 2, cùng với Việt Nam, Malaysia, Hong Kong (TQ), chứ không được nằm ở nhóm 1 với Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, CHDCND Triều Tiên, và thậm chí là Thái Lan.

Không ai cho rằng đây là 1 cách phân loại bất công, bởi từ lâu nay Trung Quốc không phải là tên tuổi lớn của bóng đá châu lục, và ở 3 kỳ World Cup liên tiếp gần đây nhất, Trung Quốc đều không vượt qua được vòng loại để đến với ngày hội của bóng đá thế giới, điều mà Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran hay Australia thường xuyên làm được.

Ưu thế tuyệt đối của Trung Quốc ở các môn thể thao Olympic tại Á vận hội không khoả lấp được thực tế rằng, bóng đá Trung Quốc không có được sức mạnh tương xứng với nền thể thao Trung Quốc. Vì thế, cho dù vị trí số 1 toàn đoàn của Trung Quốc tại Á vận hội năm nay không hề bị suy suyển, nhưng ánh hào quang của thể thao Trung Quốc cũng bị phai nhạt ít nhiều vì thiếu vắng 2 bộ huy chương quan trọng nhất, danh giá nhất của Đại hội, đấy là bóng đá nam, nữ.

Nói một cách hình ảnh thì Trung Quốc chính là “vị vua không ngai” ở ASIAD năm nay và cả những năm trước, khi họ không gặp quá nhiều khó khăn để đánh chiếm vị trí số 1 toàn đoàn, nhưng lại luôn là kẻ ngoài lề trong cuộc chạy đua giành HCV bóng đá nam, nữ - nhưng môn thể thao được mệnh danh là “môn thể thao vua”.

Sự trỗi dậy của những tên tuổi mới

Ở sân chơi mà lâu nay Trung Quốc luôn độc chiếm vị trí số 1, không ai bàn tán tới khả năng sẽ có đoàn thể thao nào soán được ngôi vị của Trung Quốc, mà tất cả chỉ quan tâm tới việc các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á khác làm như thế nào để phát huy sở trường của mình trước ưu thế áp đảo của người khổng lồ Trung Quốc.

Trong số này, Nhật Bản xứng đáng nhận được nhiều lời khen ngợi, khi bóng đá nữ của xứ sở mặt trời mọc đã có sự tiến bộ thần tốc trong thời gian gần đây, với việc thâu tóm các danh hiệu vô địch thế giới, vô địch châu Á, vô địch ASIAD, và Nhật Bản đã có mặt trong trận chung kết bóng đá nữ ASIAD để tranh chiếc HCV với CHDCND Triều Tiên.

Bóng đá nam Nhật Bản thì không được thành công như thế với thất bại trước Olympic Hàn Quốc ở trận tứ kết, nhưng với HCV bóng đá nam ở ASIAD Quảng Châu năm 2010 và HCB bóng đá nam ở ASIAD Busan năm 2002 cùng việc liên tục đứng trong tốp đầu châu Á, bóng đá Nhật Bản xứng đáng là ông vua của châu lục.

Xét về tiềm lực kinh tế thì CHDCND Triều Tiên không thể so với Nhật Bản hay Hàn Quốc, nhưng năng lực thể thao của quốc gia này lại rất đáng nể, khi CHDCND Triều Tiên có đội tuyển bóng đá nữ lọt vào chung kết ASIAD 17, còn đội tuyển nam cũng vào tới trận bán kết.

Tuy nhiên, môn thể thao xuất sắc nhất của CHDCND Triều Tiên ở ASIAD có lẽ là cử tạ, khi chỉ trong vòng nửa tháng ngắn ngủi diễn ra Đại hội, người ta đã chứng kiến tới 3 VĐV cử tạ CHDCND Triều Tiên thiết lập kỷ lục thế giới mới ở Incheon là Kim Un Ju (nữ), Kim Un Guk và Om Yun Chol (nam), tới mức mà tờ Wall Street Journal đã gọi CHDCND Triều Tiên là “1 hiện tượng thú vị” của ASIAD 17.

Nếu như CHDCND Triều Tiên xuất sắc bao nhiêu ở cử tạ thì Hàn Quốc lại chói sáng bấy nhiêu ở bắn cung. Không phải ngẫu nhiên mà Hàn Quốc được xem là cường quốc bắn cung của thế giới, và với trình độ bắn cung đã đạt tới đẳng cấp thế giới từ lâu, không có gì ngạc nhiên khi bắn cung Hàn Quốc làm mưa làm gió tại ASIAD 17, và 1 trong những thành tích ấn tượng của bắn cung Hàn Quốc là kỷ lục thế giới mới với 238 điểm trên tổng điểm 240 tối đa của đội bắn cung nữ Hàn Quốc, vượt qua kỷ lục thế giới cũ với 236 điểm của đội bắn cung Mỹ.

Không chỉ có bắn cung, bóng đá nam và nữ của Hàn Quốc cũng đều đoạt thành tích lọt vào vòng 4 đội mạnh nhất của Á vận hội năm nay, và đây là 1 điều không làm ai ngạc nhiên nếu xem lại lịch sử thi đấu môn bóng đá nam ở các kỳ ASIAD trước đây, khi Hàn Quốc thường xuyên là khách quen của các trận bán kết, chung kết cũng như tranh HCĐ.

VĐV nhập tịch tại ASIAD 17 gây tranh cãi

Những VĐV tham gia thi đấu tại ASIAD, đặc biệt ở môn điền kinh, đã bày tỏ sự không hài lòng trước việc những quốc gia vùng Vịnh giàu có chọn các VĐV nhập tịch từ châu Phi với mục tiêu giành thật nhiều huy chương.

Phát biểu với hãng thông tấn AFP, VĐV giành HCB điền kinh 100m nam Su Bingtian cho biết: “Tôi nghĩ điều này thật không công bằng. Họ cao hơn, khỏe hơn và có sải chân dài hơn chúng tôi".

Su Bingtian nhấn mạnh các VĐV châu Phi có sức mạnh và lợi thế vượt trội về thể lực so với các VĐV châu Á. Trước đó, trong ngày thi đấu 28/9, Su Bingtian đã thất bại trước Femi Ogunode, VĐV Qatar sinh ra ở Nigeria. Ogunode đã cán đích với thời gian 9 giây 93, thiết lập kỷ lục châu Á mới.

Trong hai ngày thi đấu đầu tiên tại ASIAD 17, các VĐV gốc châu Phi đã giành tới 6 HCV trong 7 nội dung thi đấu, áp đảo hoàn toàn các VĐV gốc châu Á.

Đáng chú ý là ngay cả đoàn TTVN tại ASIAD 17 cũng không thoát khỏi hệ lụy từ làn sóng nhập tịch này. Ở cự ly 400m nữ, dù đã thi đấu rất xuất sắc để giành tấm HCB, nhưng tuyển thủ 19 tuổi Quách Thị Lan vẫn không thể thắng nổi VĐV Bahrain gốc Nigeria là Oluwakemi Mujidat Adekoya.


Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm