Hôm nay, ASEAN ra tuyên bố chung về biển Đông

20/07/2012 09:07 GMT+7 | Trong nước


Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong ngày 19-7 tuyên bố các ngoại trưởng ASEAN đã đồng ý trên nguyên tắc một số vấn đề về biển Đông.

Nhưng, như Reuters cho biết, ông không nói rõ những vấn đề đó là gì. Ông Hor Namhong bày tỏ hi vọng có thể công bố lập trường chung của ASEAN vào hôm nay 20-7 sau khi được ngoại trưởng các nước ASEAN thông qua.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết các nước ASEAN sắp đạt được một tuyên bố đồng thuận về vấn đề biển Đông. Theo AFP, tuyên bố này được đưa ra sau cuộc gặp với người đồng cấp Campuchia, ông Hor Namhong, tại Phnom Penh, chặng dừng chân tiếp theo của ông Marty Natalegawa sau Manila và Hà Nội.

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa (trái) và Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong tại Phnom Penh ngày 19-7 - Ảnh: Reuters

Phản ứng về việc ASEAN không đưa ra được một tuyên bố chung trong Hội nghị các ngoại trưởng vào tuần trước ở Phnom Penh, ông Natalegawa khẳng định: “Mặc dù có những khác biệt nhưng sự thật là ASEAN vẫn đoàn kết”. Ngoại trưởng Indonesia cho biết ông đang thu hút sự chú ý và đồng thuận của các ngoại trưởng ASEAN về “những nguyên tắc cơ bản của ASEAN về vấn đề biển Đông” nhằm đẩy lùi những ý kiến cho rằng ASEAN đang có sự chia rẽ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, nhấn mạnh: “Việc Hội nghị ngoại trưởng ASEAN không đưa ra được thông cáo chung và việc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) là hai vấn đề riêng biệt. Trên thực tế, các ngoại trưởng ASEAN đã đạt được thỏa thuận về những thành tố quan trọng trong COC”.

ASEAN chưa công bố bản thảo COC. Nhưng dự kiến COC sẽ bao gồm ba phần.

Một là, các thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc buộc hai bên phải giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

Hai là, các điều khoản của COC. Các bên tham gia COC có nghĩa vụ “phát triển các phương thức và thỏa thuận để thúc đẩy việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và ngăn chặn tranh chấp leo thang”. Một điều khoản khác là kêu gọi thành lập một cơ chế hiệu quả để giám sát việc thực hiện COC.

Ba là, nghĩa vụ của các nước tham gia COC và hai cơ chế giải quyết tranh chấp. COC yêu cầu các nước thành lập một cơ chế giải quyết tranh chấp dựa trên Hiệp ước thân thiện và hợp tác ASEAN (TAC). Trung Quốc đã gia nhập TAC vào tháng 10-2003. Nếu các bên không giải quyết được tranh chấp theo khuôn khổ TAC, COC yêu cầu các bên sử dụng cơ chế do luật pháp quốc tế (trong đó có UNCLOS) đề ra. Có nghĩa là một bên tranh chấp có thể đưa vụ việc ra tòa án quốc tế.

Đàm phán chính thức ASEAN - Trung Quốc về COC có thể diễn ra vào tháng 9, và ASEAN hi vọng sẽ đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về COC vào tháng 11.

Theo Tuổi Trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm