Arsenal, Everton và câu chuyện về tinh thần tập thể

24/10/2015 07:16 GMT+7 | Arsenal

(Thethaovanhoa.vn) - Từ bàn thắng trình làng của Wayne Rooney chấm dứt chuỗi 30 trận Arsenal bất bại năm 2002 đến đại thắng 7-0 được ghi vào biên niên sử của Pháo thủ năm 2005, rõ ràng trong số các đội hạng khá ở Anh, Everton là đối thủ khó đoán nhất với Arsenal.

1. Với Wenger, dường như Everton luôn vô cùng tiềm ẩn sự bất trắc, nhưng cũng có thể chứa đựng những vui thú bất ngờ? Gặp Everton như thể Wenger trồng một cái cây vậy. Nó có ra trái hay không, ông không thể biết trước bất chấp ông đã săn sóc nó một cách chu đáo nhất.

Theo giới chuyên môn Anh quốc, câu nói in đậm dấu ấn triết lý của Wenger chính là câu: “Tinh thần tập thể như một bông hoa vậy. Nó có thể tàn úa bất kỳ lúc nào, nhưng nó cũng có thể nở ra rực rỡ hơn, đẹp đẽ hơn. Bạn phải chăm chút nó mới có thể có được kết quả tích cực”. Wenger đã dùng một ví dụ rất thú vị về tinh thần đội bóng. Tinh thần là thứ không thể luôn ổn định, kể cả là những người vững chãi nhất. Nó biến đổi theo dòng chảy của đời sống, với vô số sự kiện xâu chuỗi và có tác động. Nó như bông hoa, nở thì phải tàn. Duy trì sự rực rỡ của bông hoa ấy là một quá trình khéo léo của chủ nhân nhưng nhiều khi, điều kiện môi trường cũng có thể biến mọi nỗ lực trở thành vô ích.

Tinh thần của Arsenal đang ở lúc rực rỡ nhất, nếu nói theo cách so sánh của Wenger. Sau đại thắng 3-0 trước Man Utd là một chiến thắng đậm đà khác trước Watford. Rồi từ đó, họ vượt qua chướng ngại vật lớn nhất của tuần là Bayern Munich, một chiến thắng hồi sinh lại hi vọng Champions League. Tinh thần lạc quan sẽ giúp cho Arsenal rất nhiều để chinh phục một Everton ẩn chứa đầy bất trắc. Nhưng nuôi dưỡng tinh thần lạc quan đó, ngoài Wenger ra, còn là trách nhiệm của ai?

2. Đó là trách nhiệm của người đội trưởng và đó lại chính là điểm yếu nhất của Arsenal. Arteta, người cũ của Everton, hoàn toàn chỉ là một đội trưởng ‘hành chính’. Anh không ra sân vì không thể cạnh tranh nổi với những đồng đội chơi cùng vị trí. Và băng đội trưởng trên sân lại thuộc về Metersacker, hoặc Cazorla (khi Metersacker vắng mặt). Như vậy, trên sân bóng là một Arsenal khác, với một thủ lĩnh tinh thần khác. Trên sân tập, trong sinh hoạt thường ngày lại là một Arsenal khác hẳn, với một thủ lĩnh tinh thần khác hẳn. Hai ‘hệ thống’ cùng tồn tại song song trong một cơ thể. Có thể chúng không mâu thuẫn nhau nhưng hỗ trợ cho nhau thì e rằng quá khó.

Phải chăng, đó là lý do mà Arsenal luôn khó khăn trong việc duy trì một chuỗi trận ấn tượng? Họ có thể chơi hay vài trận, rồi sau đó lại ‘xụi lơ’ vài trận kế tiếp.

Chiếc băng đội trưởng thực tế luôn là vấn đề tế nhị và rất quan trọng đối với mỗi đội bóng. Và có thể nói rằng, chiếc băng đội trưởng ở Arsenal đang là một phi lý thực sự. Khi đội trưởng bỗng nhiên gần với một trợ lý HLV hơn dù cầu thủ rất cần một đầu tàu cả trên sân lẫn sinh hoạt ngoài đời, đội bóng chắc chắn khó có được tính ổn định. Vậy mà Wenger không có bất kỳ một thay đổi nào suốt cả một thời gian rất dài, kể cả hướng thay đổi dễ thực hiện và gọn gàng nhất là để Arteta ra đi ở các kỳ chuyển nhượng. Chắc ông còn tiếc rẻ gì đó? Tiền chăng? Bởi bán Arteta ở thời điểm này, thu được vài triệu cũng là hời lắm rồi.

3. Hóa ra, không chỉ Everton mới mang lại cho Arsenal sự bất trắc. Chính điểm yếu của Arsenal mới biến họ thành kẻ luôn gặp bất trắc trước bất kỳ đối thủ nào. Nhưng thay đổi Arsenal, để toàn diện hơn, thì Wenger lại không thực hiện.

Cũng dễ hiểu thôi, ông từng nói “Với ai thì vợ mình chả đẹp nhất”, một câu nói hơi phi lý bởi đàn ông khoái ngắm vợ người khác hơn. Thế nên, Wenger lúc nào cũng nghĩ đội bóng của mình là hoàn hảo nhất rồi, và bởi thế, cũng chẳng cần thực hiện đổi thay nào thêm nữa.

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm