27/04/2011 11:30 GMT+7 | Bóng đá Anh
(TT&VH)- Hình ảnh của HLV Arsene Wenger một lần nữa khiến nhiều người thấy cám cảnh cho ông khi chiến lược gia người Pháp, trong sự thất vọng tột cùng và giận dữ ghê gớm, có lẽ chủ yếu là giận chính mình, ném một chai nước xuống sân ở Reebok vào ngày Phục sinh.
Thái độ của Wenger đã khẳng định một nhận xét được Harry Redknapp đưa ra một tuần trước, sau khi Arsenal hòa Tottenham 3-3 ở White Hart Lane, rằng thất bại của đội bóng áo trắng đỏ trong những trận cầu quan trọng đã biến Wenger thành “một gã điên” trong các HLV Premier League. Thật vậy, phong độ của Arsenal vài tuần lễ vừa qua là sự thách thức ghê gớm với ngay cả những người kiên nhẫn, điềm đạm và bặt thiệp nhất, như Wenger. Sau khi mở ra triển vọng ở cả bốn giải đấu mà họ tham dự, đội chủ sân Emirates sau đó đã thua tất cả các trận quan trọng và một lần nữa sẽ kết thúc mùa giải trong cảnh trắng tay.
Wenger có vẻ ngày càng trở nên đơn độc trong niềm tin rằng đội bóng của ông sẽ trưởng thành và đủ sức mạnh thách thức M.U hay Chelsea. Phản ứng giận dữ của HLV người Pháp với một cuộc phỏng vấn giữa Cesc Fabregas và một tờ báo TBN trong đó đội trưởng của Arsenal có vẻ như đã chỉ trích chính sách tập trung vào cầu thủ trẻ hiện giờ ở CLB, cho thấy sự lo lắng ngày càng tăng trong chính Wenger.
HLV người Pháp tin rằng chính sách mua cầu thủ trẻ và tôi luyện họ để giành danh hiệu sẽ thành công. Ông cũng có thể chỉ ra thành tích không tồi của mình với việc kết thúc mùa giải trong vị trí 4 đội dẫn đầu suốt 14 mùa giải vừa qua của ông cùng Arsenal, so với 14 mùa giải trước đó, khi họ chỉ có 6 lần nằm trong nhóm 4 đội dẫn đầu, đó rõ ràng là sự tiến bộ lớn.
14 năm của Wenger ở Arsenal có thể chia làm hai giai đoạn, từ đầu đến mùa giải 2003-2004 và từ đó đến nay. Trước mùa Hè 2004, Wenger là một trong những HLV thành công nhất lịch sử nước Anh với 3 chức vô địch Premier League và 3 Cúp FA trong hơn 7 mùa giải. Đội bóng của ông vừa chơi đẹp lại vừa hiệu quả và Arsenal đạt đến đỉnh cao năm 2004 khi họ vô địch mà không để thua một trận nào suốt cả mùa giải.
Tuy nhiên, mùa Hè đó, quyền lực bóng đá Anh đã thay đổi với sự xuất hiện của Roman Abramovich và Jose Mourinho ở Chelsea. Sự kết hợp đó đưa đội chủ sân Stamford Bridge tới một chân trời mới và khiến các đội bóng hàng đầu khác phải tự đánh giá lại cách tiếp cận của mình, cả trong và dài hạn.
Phản ứng của Wenger là tìm cách đào tạo các cầu thủ trẻ và đảm bảo ổn định tài chính để xây sân bóng mới Emirates. Cho đến giờ, cách làm đó chỉ giúp ông có được một danh hiệu duy nhất, chiếc Cúp FA năm 2005. Dần dần, từ chỗ là một chính sách được cho là đúng đắn, điều đó trở thành một huy chương danh dự, một giá trị nền tảng mà Wenger bảo vệ. Thế nên, nếu các đội bóng khác càng tiêu tiền nhiều, ông lại càng quyết tâm thắt lưng buộc bụng.
Kể từ năm 2004, Wenger thật ra đã kiếm lời được khoảng 10,8 triệu bảng từ các quyết định chuyển nhượng, nhờ vào việc bán đi Emmanuel Adebayor và Kolo Toure cho Manchester City, trong khi mua về những cầu thủ như Andrei Arshavin (15 triệu bảng), Samir Nasri (15,8 triệu bảng), Theo Walcott (9 triệu bảng) và Thomas Vermaelen (10 triệu bảng). Sự khác biệt càng lớn khi đặt Arsenal cạnh các đối thủ chính. Manchester City đã chi 435 triệu bảng từ năm 2004; Chelsea: 397 triệu bảng; Tottenham: 239 triệu bảng; Liverpool: 142 triệu bảng; và M.U: 108 triệu bảng.
Arsenal cũng có một quỹ lương rất chặt chẽ. Dù quỹ lương ở Emirates hiện cao hơn tại Liverpool và Tottenham, nó thấp hơn nhiều so với ở Chelsea và hai CLB thành phố Manchester. Một số CĐV Arsenal giờ đã công khai kêu gọi ông ra đi, nhất là sau tuyên bố của Wenger tuần trước về việc ông sẽ còn “đầu tư cho 20 năm nữa chừng nào còn xếp hạng 2 ở Premier League”. Tuyên bố đồng nghĩa với việc chiến lược gia người Pháp thừa nhận ông sẵn sàng về nhì.
Trần Trọng
Arsenal qua những con số 1: Số trận thắng trong 7 trận gần nhất, tính từ trận hòa Sunderland ngày 5/3. 2: Số bàn thắng ghi được trong 4 trận sân nhà gần nhất ở Premier League, trước các đối thủ Stoke, Sunderland, Blackburn và Liverpool. 9: Số điểm đánh mất do để thủng lưới từ phút 80 trở đi, bao gồm trận gặp Bolton hôm Chủ nhật. 17: Số điểm đánh mất trên sân nhà. Chelsea mất 10 điểm. M.U chỉ mất 2. 36: Số bàn thủng lưới ở Premier League. M.U đã để thủng lưới 32 bàn, Chelsea 27 bàn. 64: Tỉ lệ % số bàn thua trong hiệp 2. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất