09/08/2014 08:12 GMT+7 | Arsenal
(Thethaovanhoa.vn) - Thời kỳ thắt lưng buộc bụng để trả nợ tiền xây sân Emirates đã kết thúc, và đã đến lúc Arsenal thoát khỏi những ngày bị chèn ép bởi các thế lực giàu có ở châu Âu?
1. Trên tờ Telegraph, HLV Arsene Wenger tuyên bố rằng những ngày Arsenal phải “bán máu” đã chấm dứt, bất chấp việc họ vừa bán Bacary Sagna cho Manchester City và sắp sửa chia tay Thomas Vermaelen.
“Chúng tôi khó bị tổn thương hơn, đó là điều chắc chắn” - Wenger khẳng định: “Trong hai năm qua, chúng tôi đã mua Mesut Oezil và Alexis Sanchez. Nếu là năm năm trước, chúng tôi đã có thể mất cả Oezil và Sanchez”.
Đêm mai, Arsenal sẽ đối mặt với ĐKVĐ Premier League Man City ở trận tranh Community Shield, và đó là cuộc chạm trán cho thấy rõ nét nhất sự tương phản giữa hai con đường làm bóng đá. Pháo thủ đã mất một loạt cầu thủ cho Man City trong vài năm qua, như Kolo Toure, Emmanuel Adebayor, Gael Clichy, Samir Nasri và giờ là Sagna.
Chức vô địch FA Cup 2014 cũng đã giải cơn khát danh hiệu gần một thập kỷ cho Arsenal, cộng với việc đội bóng không còn phải trả nợ tiền xây sân Emirates, Wenger đã có điều kiện mở hầu bao: Arsenal có thể mua một tiền vệ hàng đầu, thêm một tiền đạo và một trung vệ để thay thế Vermaelen, người sắp ra đi.
2. Nhưng việc Sagna rời đội có lẽ đã khiến Wenger cảm thấy đau đớn: “(Cảm giác đó là) tất nhiên, bởi cậu ta đến đây khi còn vô danh, rồi tạo dựng sự nghiệp và trở thành tuyển thủ quốc gia Pháp. Tôi vẫn tôn trọng Sagna vì cho đến ngày cuối cùng còn thời hạn hợp đồng, cậu ta vẫn tỏ ra siêu chuyên nghiệp. Cho dù rốt cục thì cậu ấy cũng ra đi, nhưng cậu ấy sẵn sàng chiến đấu đến phút cuối cùng để hoàn tất hợp đồng thi đấu. Tôi đề nghị cậu ấy ở lại với một hợp đồng có thời hạn ba năm, và cậu ấy đã chọn Man City. Cậu ấy đã lựa chọn như thế từ lâu? Có thể. Cậu ấy đã đưa ra quyết định từ trước? Cũng có thể. Với tôi, có lẽ Sagna đã quyết định như thế từ lâu”.
Phát biểu ấy cho thấy rằng dù có thể không phải bán ngôi sao để cân bằng thu chi nữa, thì Arsenal và ông Wenger vẫn phải hứng chịu hậu quả từ một thời gian dài trở thành trạm trung chuyển những ngôi sao. Những cầu thủ lớn không coi Arsenal là đội bóng của danh hiệu nữa. Họ coi đó là nơi thử lửa và trưởng thành, hơn là đáp ứng những tham vọng nghề nghiệp.
3. Nhưng nếu nhìn lại những năm tháng vàng son của Arsenal, chúng ta thấy rằng đội bóng này chưa bao giờ được xây dựng bằng những ngôi sao đã thành danh cả. Ngay cả vào mùa bóng bất bại 2003-2004, thì chuyện Arsenal tuyên bố đang chuẩn bị thực hiện một thương vụ bom tấn cũng là rất hiếm hoi.
Tất nhiên, cơn khát danh hiệu thúc bách Arsenal phải mua sắm, nhưng không có gì đảm bảo rằng 1-2 hợp đồng bom tấn sẽ mang lại thành công tức thì. Liverpool đã từng “đốt” cả trăm triệu bảng trong một mùa Hè mà vẫn công cốc. Mùa trước, Arsenal đã phá lệ với thương vụ đắt giá Mesut Oezil, nhưng hiệu ứng mà tiền vệ gốc Thổ mang lại chưa đáp ứng được đúng kỳ vọng.
Trong những năm tháng vinh quang nhất, ông Wenger cũng không phải là con người của sự đao to búa lớn trên thị trường chuyển nhượng. HLV người Pháp là người của nguyên tắc, của cân bằng tài chính và những cầu thủ trẻ. Lớn tiếng nói về những ngôi sao có lẽ cũng không phải là sở trường của ông, và xây dựng một tập thể toàn sao cũng không phải là điều phù hợp với ông.
Thế nên, tốt nhất là Wenger vẫn nên giữ lấy “thương hiệu” của mình, dù Arsenal sẽ không còn phải trả nợ nữa. Ông sẽ tiêu tiền theo cách của mình, không phải vốc một nắm rồi ném vào thị trường chuyển nhượng mà không cần toan tính.
Phạm An
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất