Giải mã Gasperini: Tấn công như là lẽ sống

26/06/2011 11:31 GMT+7 | Bóng đá Italy

(TT&VH) - Để hiểu được Gasperini đã làm gì với các đội bóng của ông, hãy hỏi các cầu thủ của ông xem họ đã phải chạy bao nhiêu cây số trong một trận đấu và bao nhiêu lần họ phải chiến đấu tay đôi với các đối thủ. Gasperini là thế, và Inter của “Gasp” cũng sẽ thế: chạy như điên rồ, tấn công như ngày mai không còn được sống nữa, và chiến đấu để đè bẹp tinh thần đối phương. Nhưng liệu còn có chỗ cho Sneijder?

HLV Gasperini yêu thích lối đá tấn công - Ảnh Getty

Phải chạy, phải tranh cướp bóng quyết liệt, phải di chuyển không bóng liên tục và không được một phút nghỉ ngơi nghĩ đến việc ai đó sẽ làm thay cho mình một việc gì. Phải chiếm lấy những khoảng trống, phải đấu tay đôi với các đối thủ và không được e ngại khi đối đầu với không chỉ 1, mà 2, thậm chí 3 cầu thủ đối phương đang xông về phía mình. Những ai đã từng chơi ở Crotone hay Genoa những năm qua đều hiểu điều đó, và chơi bóng dưới sự chỉ đạo của Gasperini đồng nghĩa với việc họ phải là những võ sĩ giác đấu, ra sân để giành lấy sự sống. Và nữa, một vài trong số họ phải chấp nhận hy sinh. Những ai không có tinh thần hy sinh đều bị loại bỏ. Một ví dụ: khi Di Vaio rời Genoa để đến Bologna, anh chỉ nói mỗi một câu, “Tôi ra đi để trở lại chơi tiền đạo”. Chân sút lừng danh này không thể chịu được cảnh phải chơi tiền đạo cánh hỗ trợ cho trung phong duy nhất trong sơ đồ chiến thuật của “Gasp”.

Không có gì ngạc nhiên vì triết lí của Gasperini, người sinh ra trong gia đình lao động, lớn lên trong những xưởng sản xuất đồ dùng gia đình của IKEA, hãng có lẽ đã tạo cảm hứng cho ông về sự cần mẫn đến mức tỉ mẩn. Sống trong “trại lính” của Juventus từ khi còn là một đứa trẻ, song Gasperini chưa bao giờ xỏ giày ra sân lấy một trận ở Serie A. Thời khắc lịch sử của Gasperini ở Juve là lúc ông được Trapattoni đưa vào thay Causio trong một trận Cúp Italia năm 1977. Chỉ vậy thôi, nhưng sau đó ông trở thành HLV đội trẻ Juve thành công đến mức, khi BLĐ Juve tìm người thay Ranieri, đã từng gọi điện cho ông, lúc đó đang sống rất thanh thản và vui vẻ cùng Genoa. Ông đã trả lời thế nào? “Tôi có thể đồng ý đến Juve, nhưng các ngài có chấp nhận không nếu như trong sơ đồ của tôi không có chỗ cho Del Piero?”. Cuối cùng, Juve bầu Ferrara làm HLV.

Sneijder phải ra đi?

Từ đây suy ra một hệ thức: trong sơ đồ chiến thuật của Gasperini không có chỗ cho các “trequartista” (hộ công), nghĩa là sẽ không có chỗ cho Sneijder, khi cặp tiền vệ trung tâm của ông sẽ làm tất cả mọi việc, từ tranh cướp bóng đến lo sáng tạo. Ông bảo: “Tôi thích thắng 4-2 hơn là 2-0” (hình như cùng quan điểm với Leonardo?). Điều đó đồng nghĩa với đẹp mắt nhưng chứa đựng rủi ro. Các hậu vệ ngoài nhiệm vụ phòng ngự, còn phải tích cực gây sức ép lên đối phương từ sân nhà, săn đuổi đối thủ và đấy là lí do tại sao Genoa của Gasperini thường phải chơi kém người do thẻ phạt. Đấy là một minh chứng rõ nét cho triết lí bóng đá của ông, người luôn nhắc các học trò, “ra sân là phải đá đến chết. Sân cỏ không phải là bãi biển”. Gasperini là thế và các học trò của ông phải học những bài học quá khứ của ông. Khi còn đá cho Pescara của Galeone, vị HLV huyền thoại mà ông chịu ảnh hưởng lớn, Gasperini đã từng một lần bị đuổi vì đấm chảy máu môi Maradona trong một trận gặp Napoli!

“Nghiện” sơ đồ 3 tiền đạo và có thể vận hành tốt cả 2 sơ đồ 4-3-3 và 3-4-3, Gasperini đồng nghĩa với một thứ bóng đá không bao giờ nhàm chán mà luôn luôn chiến đấu, chiến đấu đến những giây cuối cùng. Các cầu thủ luôn học được những điều mới mẻ ở ông mỗi ngày, người luôn tỏ ra mực thước và vui vẻ ngoài sân cỏ, trong cả phòng họp báo, trở thành vị HLV duy nhất ở calcio mà Mourinho phải lên tiếng ca ngợi. Mối nghi ngờ duy nhất: liệu Inter đã quá già cỗi và mệt mỏi cho một thứ bóng đá đòi hỏi tốc độ và tấn công dữ dội cũng như chịu nhiều rủi ro như ông sẽ áp dụng ở đây? Chúng ta hãy chờ xem. Bởi nếu Gasperini không phải là lựa chọn số 1 của Inter, cũng không phải là số 2, thì biết đâu lại có thể là một lựa chọn… tối ưu?

5 Genoa dưới thời Gasperini đúng là hình mẫu của lối chơi “công làm, thủ phá”. Tổng cộng, trong 3 mùa giải trọn vẹn mà Gasperini dẫn dắt Genoa ở Serie A (2007-08, 2008-09, 2009-10), hiệu số bàn thắng-bại của đội bóng này chỉ là bằng… +5 (ghi 157, thủng lưới 152 bàn). Cụ thể, mùa 2007-08, Genoa ghi 44 bàn, thủng lưới 52. Mùa 2008-09, Genoa ghi 56 bàn, thủng lưới 39. Mùa 2009-10, ghi 57 bàn, thủng lưới tới 61 lần.

4 Đến Inter, Gasperini sẽ gặp lại 4 học trò cũ của mình ở Genoa trước đây, bao gồm bộ đôi hảo thủ Milito và Thiago Motta (đến Inter năm 2009), trung vệ Ranocchia và tiền vệ Kharja (cùng đến đầu năm 2011).


Thư Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm