Triều Tiên "khoe" xe tăng đời mới

19/08/2010 15:57 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Báo chí Hàn Quốc dẫn nguồn tin tình báo cho biết CHDCND Triều Tiên vừa giới thiệu về một loại xe tăng chủ lực mới của nước này trên truyền hình quốc gia. Mẫu xe tăng này được đánh giá là phiên bản cao cấp hơn mẫu tăng Thiên mã trước đây cả về hỏa lực lẫn sự cơ động.

Phát triển từ loại xe tăng “sắt vụn” của Nga

Theo tờ Chosun Ilbo, cơ quan tình báo Hàn Quốc đang phân tích một đoạn phim phát đi trên truyền hình quốc gia Triều Tiên, với hình ảnh về một chiếc xe tăng hoàn toàn mới. Mang tên P’okpoong-ho (tạm dịch Bão tố Mãnh hổ), chiếc xe tăng này được nguồn tin quân sự Hàn Quốc đánh giá là phiên bản cao cấp hơn mẫu xe tăng “Chonma” (Thiên mã) trên cả khía cạnh hỏa lực lẫn sự cơ động.


Hình ảnh về xe tăng Bão tố mới xuất hiện trên truyền hình Triều Tiên.
Xe tăng P’okpoong, tên mã M-2002, được CHDCND Triều Tiên phát triển vào đầu thập niên 1990. Theo sau cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất vào năm 1991, Triều Tiên đã bị sốc khi chứng kiến những chiếc xe tăng T-72 hiện đại của Iraq bị tiêu diệt trước hỏa lực và ưu thế vượt trội về công nghệ của xe tăng M-1 Abrams đối phương. Việc Hàn Quốc phát triển loại xe tăng K1 có tính năng tương tự M1 Abrams, trong khi loại tăng mới nhất của Triều Tiên khi đó là Thiên mã chỉ tương đương với mẫu xe tăng T-62, vốn lạc hậu hơn cả T-72. Đó là 2 yếu tố khiến miền Bắc muốn phát triển một loại xe mới có thể đối chọi với đối phương.

Ý định của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Liên Xô mới sụp đổ và một lượng lớn xe tăng T-72 bị đưa ra khỏi kho trang bị để bán sắt vụn. Triều Tiên đã mua một số chiếc xe tăng T-72 này và nắm được một số công nghệ nòng cốt để sử dụng trên mẫu Bão tố. Giới chức quân sự tin rằng Triều Tiên còn sở hữu được công nghệ đã được triển khai trên các mẫu tăng T-80 và T-90 của Nga. Ngoài ra họ còn tận dụng công nghệ và thông tin từ mẫu tăng T-88 của Trung Quốc để xây dựng Bão tố.

Mục đích cuối cùng là tạo nên loại tăng có thể bằng với mẫu T-90 của Nga. Mối quan tâm của Triều Tiên tới T-90 thể hiện rõ vào tháng 8/2001, khi lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-il đã có chuyến thăm nhà máy quốc phòng Omsk Transmash ở Nga, nơi sản xuất mẫu T-90. Có tin nói rằng Triều Tiên thậm chí đã mua được một mẫu T-90S trong khoảng thời gian đó và có thể đã dùng mẫu tăng này làm phương tiện tham khảo để hiện đại hóa những chiếc T-72 có trong tay.

Chiếc Bão tố đầu tiên ra đời năm 1992 tại nhà máy Ryu Kyong-su ở tỉnh Nam Hamgyong. Số lượng Bão tố hiện nay không nhiều, dự đoán chỉ dưới 250 chiếc, nguyên do là nền kinh tế yếu kém CHDCND Triều Tiên không đủ sức cung ứng và duy trì một lương xe tăng chủ lực đông đảo. Đó là chưa kể tới việc Triều Tiên cũng không nắm được một số công nghệ cốt lõi trong việc chế tạo xe tăng. Các thông tin về Bão tố được giữ tuyệt mật, và mãi đến buổi trình diễn năm 2002 thì các nước mới biết đến sự tồn tại của nó.

Vẫn dưới cơ xe tăng Hàn Quốc?

Có rất ít thông tin về Bão tố lọt ra ngoài, dù người ta cho rằng nó được chế tạo trên cơ sở phiên bản xe tăng T-72. Thân xe được chế tạo kiểu T-72 với 6 cặp bánh xích. Giáp trước được gia cố để có lượng giáp dày tương đương tăng T-80U hoặc các loại T-72 đời cuối.

Với bộ giáp này, nó có thể chống tên lửa TOW, pháo chống tăng, đạn nổ HEAT, nhưng không thể chống đạn xuyên giáp APFSDS 105mm và và 120 mm của Hàn Quốc. Xe này cũng có giáp phản ứng nổ ERA nhưng do khó khăn về tài chính nên nó chỉ được lắp đặt tại một số vị trí xung yếu.

Xe tăng Bão tố có kho vũ khí gồm một khẩu pháo nòng trơn 125mm giống tăng T-80 sử dụng đạn xuyên giáp sản xuất tại Triều Tiên. Xe cũng được trang bị súng phòng không hạng nặng và một súng máy dùng đạn 7,62mm. Ngoài ra xe còn có 4 quả tên lửa không rõ thuộc loại nào. Đó có thể là các tên lửa chống tăng hoặc phòng không tầm ngắn lắp trên tháp pháo. Nếu tên lửa là loại chống tăng, nó có thể là bản sao của các tên lửa 3M6 Shmel hoặc 9M14 Malyutka. Nếu là loại phòng không, nó có thể là các phiên bản 9K38 Igla hoặc 9K32 Strela-2

Hệ thống điều khiển bắn (FCS) của Bão tố được cho là bản nâng cấp của xe T-72. Cũng có nguồn tin nói rằng, người ta đã sử dụng hệ thống điều khiển bắn, lấy từ xe tăng Chieftain Triều Tiên mua từ Iran. Có tin nói Bão tố được trang bị hệ thống nhìn đêm PMK-3, PNK-4, kính ngắm tiềm vọng thụ động/chủ động 1K13- 49. Bão tố cũng có thể trang bị hệ thống phòng thủ chủ động Arena, các sensor hồng ngoại TPN-3-49, TPN-4, thiết bị đo khoảng cách laser và đèn cao áp để hoạt động trong đêm. Mặc dù các thiết bị này kém hơn phía Hàn Quốc nhưng chúng vẫn đủ để Bão tố trở thành chiến xa cực kỳ nguy hiểm khi giao chiến ở tầm trung hoặc tầm gần.

Giới chức Triều Tiên tuyên bố Bão tố có sức mạnh ngang ngửa T-90 của Nga, nhưng dựa vào các hình ảnh mới xuất hiện và những thông tin đã có, giới phân tích cho rằng nó chỉ đạt mức độ tương đương xe T-72 hoặc hơn kém một chút các xe tăng thế hệ 2,5 khác. Về cơ bản, Bão tố có thể tốt hơn xe tăng K1 đời đầu hoặc loại M48A5K lạc hậu hơn. Nhưng so với các xe đời mới như K1 PIP, K1A1, K2 Báo đen của Hàn Quốc, nó lại yếu thế hơn hẳn.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm