16/07/2011 14:35 GMT+7 | Hành tinh bóng đá
(TT&VH Cuối tuần) - Argentina lẫn Uruguay đều được đánh giá là những ứng viên cho danh hiệu vô địch Copa America 2011, và trận tứ kết giữa hai đối thủ này chẳng khác một cuộc triển lãm danh hiệu (mỗi đội 14 cúp, hai đội chiếm đúng 2/3 số chức vô địch trong lịch sử giải đấu). Thế nhưng, cho đến giờ cả hai chưa thể hiện được sức mạnh và hình ảnh đích thực của những đội bóng hàng đầu Nam Mỹ.
Khi Messi vẫn im lặng
Chiến thắng 3-0 trước Costa Rica là màn trình diễn tốt nhất của Lionel Messi trong suốt giai đoạn vòng đấu bảng, giúp anh phần nào quên đi nỗi thất vọng từ kết quả hòa 1-1 với Bolivia. Đường chuyền để giúp Sergio Aguero ghi bàn thắng nâng tỷ số lên 2-0 là điểm sáng lớn nhất của Messi. Bên cạnh đó, cầu thủ của Barca còn tạo ảnh hưởng lên lối chơi khi liên tục di chuyển để làm chao đảo hàng thủ đối phương.
Messi đã có một trận đấu hay (được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất trận), nhưng thực tế anh vẫn chưa làm thỏa mãn những kỳ vọng mà người hâm mộ đặt vào. Chính xác hơn, Messi đã hoàn thành rất tốt vai trò kiến tạo cơ hội cho đồng đội, nhưng các pha dứt điểm của Quả bóng vàng FIFA 2010 lại quá hiền, và thiếu sự lạnh lùng để làm nên điều đặc biệt. Nếu như cách dứt điểm của Messi trong màu áo Barca là hình ảnh một “sát thủ” đang kết liễu đối phương, thì những gì anh thể hiện với Argentina giống như một kẻ đang tập dứt điểm.
Chủ nhà Argentina chật vật vào tứ kết- Ảnh Getty
Thực vậy, 8 cú sút ra ngoài và chỉ 2 lần dứt điểm trúng mục tiêu không phải hình ảnh của một Messi vừa khiến cả châu Âu gục ngã. Messi của Argentina hiện tại trái ngược với kẻ đã ghi đến 53 bàn thắng cho Barca mùa giải 2010-2011 (tính trên các mặt trận).
Màn thể hiện trước Costa Rica có thể sẽ giải tỏa nhiều áp lực về mặt tâm lý cho Messi, và đã đến lúc anh thể hiện mình là thủ lĩnh, là niềm kỳ vọng lớn nhất của người Argentina, trên hành trình chinh phục danh hiệu đầu tiên sau gần hai thập niên chờ đợi. Vòng tứ kết khác xa vòng bảng, và Argentina cần Messi hơn bao giờ hết, chứ không thể chờ đợi mãi vào El Kun Aguero. Chỉ cần một khoảnh khắc lóe sáng và chính xác của Messi thôi, cục diện có thể sẽ khác rất nhiều, theo hướng có lợi cho đội bóng áo sọc trắng - xanh.
Tất nhiên, Messi không có lỗi, mà vấn đề của anh là tâm lý và chiến thuật của HLV. Chơi bóng ở Barca, Messi có được sự thoải mái cao nhất, và các đồng đội có niềm tin tuyệt đối vào anh. Trong khi đó, ở Argentina, HLV Batista xoay lối chơi quanh Messi và tạo áp lực rất lớn lên vai anh. Những người đá xung quanh Messi thì hoặc không hiểu ý đồ của anh (Tevez và Lavezzi, những người đá bên cạnh Messi nhiều nhất ở vòng bảng, đã không có tiếng nói chung với anh), hoặc cứ để cầu thủ này làm gì thì làm.
Phần lớn thời gian Messi thi đấu nổi bật đều là những lúc bên cạnh anh có sự hiện diện của Aguero. Họ phối hợp, di chuyển và hoán đổi vị trí rất tốt. Chắc chắn, Batista đã nhận ra điều đó. Vì thế, nếu muốn Messi tìm lại mình như ở Barca, HLV Batista cần phải đánh thức những người chơi bên cạnh anh, bố trí một lối chơi hài hòa hơn thay vì copy mô hình 4-3-3 của Barca (trước Costa Rica, Batista chuyển sang 4-2-3-1 và đã gặt hái thành công). Batista cần phải có hành động và tác động về mặt tâm lý, để bất kỳ ai đá bên cạnh Messi cũng giống như cầu thủ này đang chơi bóng với Aguero.
Forlan , an h ở đâu?
Chiến thắng ở phút bù giờ của Chile trước Peru đã giúp Uruguay có được lợi thế rất lớn về mặt tinh thần khi bước vào cuộc chiến với Mexico, đội bóng của những cầu thủ trong lứa tuổi U21. Lợi thế ấy đã được Uruguay cụ thể hóa thành 3 điểm, để theo bước đội đầu bảng Chile bước vào tứ kết, và đối thủ của họ là nước chủ nhà Argentina.
Góp mặt ở trận này, Diego Forlan lập kỷ lục lần thứ 79 khoác áo Uruguay (vượt qua kỷ lục cũ của thủ môn Rodolfo Rodriguez) đã được nhà tài trợ LG bầu là cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu. Cuộc bầu chọn nào cũng mang tính chất cảm tính, và Forlan không hẳn là người xuất sắc nhất trong cuộc chơi hôm ấy. Bàn thắng duy nhất của trận đấu đúng là xuất phát từ cú sút phạt của Forlan, dù bóng rời chân anh đã không hề bay thẳng vào khung thành. Nhưng sau đó là gì, ngoài hình ảnh một Forlan phung phí rất nhiều cơ hội?
Cùng kỳ một năm trước, Nam Phi gọi tên Forlan. Những pha xử lý ngẫu hứng, một loạt bàn thắng đẹp như những tác phẩm nghệ thuật, Forlan đưa Uruguay tiến một mạch vào tứ kết, và bản thân anh được bầu làm cầu thủ xuất sắc nhất World Cup. Nhưng ở thời điểm này, Forlan chỉ còn là cái bóng của mình, chậm chạp hơn, và cũng mất đi độ chính xác.
Forlan sa sút, Luis Suarez cũng không có được sự ổn định ở mức cao nhất. Sau khi trở thành cầu thủ Uruguay đầu tiên ghi bàn ở giải đấu lần này, tiền đạo của Liverpool đã “tịt ngòi” trong hai trận tiếp theo. Không những thế, đôi khi Suarez tỏ ra cá nhân, làm chậm không ít pha bóng phản công cần có yếu tố tốc độ của đội nhà.
Khi mà Forlan và Suarez đều thiếu hiệu quả, còn Cavani dính chấn thương, Uruguay phải sống nhờ Alvaro Pereira để giành vị trí nhì bảng B và bước vào tứ kết. Pereira đã ghi bàn mở tỷ số trong trận hòa Chile, và chính anh là tác giả pha lập công duy nhất mang về trận thắng quan trọng trước Mexico, khi tận dụng thành công tình huống lộn xộn sau pha sút phạt của Forlan.
Điều đáng nói, vị cứu tinh của Uruguay lại không phải cầu thủ đá tiền đạo, cũng như rất ít người kỳ vọng. Trước Chile, cầu thủ 25 tuổi của Porto đá tiền vệ trái. Trong trận đấu cuối cùng của vòng bảng, anh chơi như một hậu vệ trái.
Một sai lầm ở vòng bảng có thể cứu vãn, nhưng từ tứ kết thì không. Trong cuộc chiến với ý nghĩa một mất một còn, đã đến lúc người hâm mộ được chứng kiến màn trình diễn đỉnh cao, nơi những Messi, Tevez, Forlan, Suarez thức tỉnh?
Ngọc Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất