14/10/2020 21:06 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Bão số 7 đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 11. Trong khi đó, vùng biển phía Đông miền trung Phi-líp-pin có một áp thấp nhiệt đới.
Tin áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 7
Do ảnh hưởng của bão số 7, ở trên đất liền ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã quan trắc được gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; riêng ở Văn Lý (Nam Định) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10. Ở khu vực ven biển và đồng bằng Bắc Bộ đã mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 01h00 đến 16h00 ngày 14/10 phổ biến 50-120mm.
Hồi 16 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Thái Bình đến Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An, sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 04 giờ ngày 15/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, trên khu vực thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Vùng nguy hiểm trong 12 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Vịnh Bắc Bộ, từ vĩ tuyến 18,5 đến vĩ tuyến 21,0 độ Vĩ Bắc. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh.
Gió mạnh, sóng lớn trên biển: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 7, ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh. Sóng biển cao từ 2-4m.
Gió mạnh trên đất liền: Trên đất liền ven biển các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Mưa lớn diện rộng: Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên từ nay đến ngày 16/10 ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, Nam Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 150-250mm, có nơi trên 300mm; Hà Tĩnh và các nơi khác ở Bắc Bộ phổ biến khoảng 50-100mm. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão số 8
Hồi 13 giờ ngày 14/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 123,8 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực miền Trung Phi-líp-pin. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 15/10, vị trí trung tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 119,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 550km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13 giờ ngày 16/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 330km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km.
Quân đội huy động nhiều lực lượng tham gia tìm kiếm người mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3
Tối 14/10, theo thông tin từ Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, cùng với các lực lượng khác, Bộ Quốc phòng đã giao cho nhiều đơn vị tham gia ứng cứu, tìm kiếm những người bị mất liên lạc trong vụ sạt lở tại tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Sở Chỉ huy tiền phương đang tiếp tục chỉ đạo các lực lượng quyết liệt triển khai biện pháp tìm kiếm người mất tích.
Lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn tổng số là 983 người và 189 phương tiện các loại cùng 3 chó nghiệp vụ cụ thể: Bộ Quốc phòng điều động 666 cán bộ, chiến sỹ và 119 trang bị, phương tiện các loại và 3 chó nghiệp vụ; Bộ Công Thương điều động 5 người và 2 máy phát điện; lực lượng tại địa phương là 312 người và 68 phương tiện các loại.
Đội chó nghiệp vụ gồm 3 huấn luyện viên, 3 chó nghiệp vụ do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng điều động đã đến hiện trường lúc 15 giờ ngày 14/10 kèm theo trang bị, vật chất đầy đủ để tham gia tìm kiếm cứu nạn.
Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tư lệnh Quân chủng - Phòng không - Không quân cho biết: Lực lượng Không quân đã chuẩn bị phương tiện, lực lượng sẵn sàng thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn. Sáng 14/10, Quân chủng Phòng không Không quân đã triển khai máy bay trực thăng Mi-171E khởi hành từ sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) đến khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 để thả lương thực, thuốc men, tiếp tế cho người gặp nạn.
Về phía Quân khu 4, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn Công binh 414, Sư đoàn 968, Lữ đoàn Thông tin 80, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên -Huế đã được huy động để tham gia tìm kiếm. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên -Huế cũng cử lực lượng tham gia.
Để đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy, điều hành và phối hợp giữa các lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân trong vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3, Bộ Quốc phòng đã điều động tăng cường thêm lực lượng thuộc Lữ đoàn Thông tin 205, Binh chủng Thông tin liên lạc. Binh chủng đã điều động hơn 20 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị là những đồng chí có chuyên môn tốt, có kinh nghiệm trong xử lý các phương án thông tin liên lạc, tìm kiếm cứu nạn mang tính khẩn trương, phức tạp nhận nhiệm vụ. Nhiều phương tiện trang bị mới và hiện đại nhất, phù hợp với hoạt động tìm kiếm tại khu vực rừng núi, gắn với điều kiện khí hậu thời tiết phức tạp cũng được đơn vị tăng cường, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho quá trình chỉ huy và phối hợp hiệp đồng của các lực lượng tham gia tìm kiếm tại hiện trường vụ sạt lở.
Ban Chỉ đạo Sở Chỉ huy tiền phương chỉ đạo tranh thủ tình hình thời tiết, đẩy nhanh tiến độ khai thông các điểm sạt lở. Khoảng 12 giờ 30 phút ngày 14/10, một nhóm lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được vị trí khu vực nhà kiểm lâm tại Tiểu khu 67, Trạm kiểm lâm sông Bồ - nơi có 13 người trong đoàn công tác bị vùi lấp, mất tích. Hiện nay, lực lượng chức năng đang tích cực tìm kiếm những người mất tích tại vị trí này, có sử dụng chó nghiệp vụ để tìm kiếm.
Ngày 15/10, các lực lượng sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ tổ chức tìm kiếm Đoàn công tác 13 người mất tích tại khu vực nhà Kiểm lâm; đồng thời tiếp tục san, gạt thông đường vào Thủy điện Rào Trăng 3, tìm kiếm số công nhân bị mất tích.
Đêm 14/10, nhiều vùng biển có mưa dông mạnh do áp thấp nhiệt đới
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên đêm 14/10 ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có mưa dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 2,0-4,0 m, biển động.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau suy yếu thành vùng áp thấp nên tối 14/10, ở Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; sau có gió Đông Bắc cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao 2,0-4,0 m, biển động mạnh. Mức độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Hiện đỉnh triều tại vùng ven biển Nam Bộ tiếp tục dâng cao, đợt triều cường cao nhất từ đầu năm sẽ xuất hiện từ ngày 16/10 đến 20/10; riêng ngày 18/10 mực nước triều cao nhất ngày tại Vũng Tàu có thể đạt mức 4,3 m. Do ảnh hưởng của triều cường, khu vực ven biển các tỉnh Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh có khả năng ngập úng tại các vùng trũng thấp.
Dự báo thời tiết các khu vực đêm 14/10 và ngày 15/10
Phía Tây Bắc Bộ nhiều mây, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; riêng khu vực Hòa Bình, Nam Sơn La, Yên Bái có mưa to đến rất to. Đêm gió Đông Bắc cấp 2-3, riêng Sơn La, Hòa Bình gió mạnh cấp 3-4, sau gió giảm dần. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 19-22 độ C, có nơi dưới 18 độ C; cao nhất 24-27 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ nhiều mây, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; riêng khu vực đồng bằng và ven biển, Phú Thọ có mưa to đến rất to. Tối có gió mạnh cấp 3-4, riêng vùng ven biển cấp 6-7, giật cấp 9, sau gió giảm dần. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 18-21 độ C, vùng núi có nơi dưới 18 độ C; cao nhất 21-24 độ C.
Thủ đô Hà Nội nhiều mây, có mưa to đến rất to. Tối gió mạnh cấp 3-4, sau gió giảm dần. Trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 19-21 độ C; cao nhất 21-24 độ C.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế nhiều mây, phía Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An) có mưa to đến rất to; phía Nam có mưa rào và dông vài nơi. Gió Tây Bắc đến Tây cấp 2-3, riêng phía Bắc tối có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sau gió giảm dần. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Phía Bắc trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C, phía Nam có nơi trên 23 độ C; cao nhất phía Bắc 23-26 độ C; phía Nam 26-29 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận nhiều mây, có mưa rào và dông vài nơi; riêng chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Gió Tây Nam cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C; cao nhất 28-31 độ C, có nơi trên 31 độ C.
Khu vực Tây Nguyên có mây, có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Gió Tây Nam cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C; cao nhất 26-29 độ C, có nơi trên 29 độ C.
Khu vực Nam Bộ nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió Tây Nam cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C; cao nhất 27-30 độ C.
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền. Phải xác định, an toàn tính mạng là quan trọng nhất.
Nhóm P.V
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất