26/05/2020 06:33 GMT+7 | Bóng đá Anh
(Thethaovanhoa.vn) - Đá phạt góc với nhiều đội chỉ là điều vô ích và đó không phải là điều ngẫu nhiên. Trong một thập kỷ qua, chỉ 3% tổng số phạt góc dẫn tới bàn thắng tính trong 5 giải vô địch hàng đầu châu Âu.
Nếu phải chọn giữa một bên là đưa bóng vào vòng cấm từ chấm phạt góc với hy vọng mong manh và một bên là đưa bóng trở lại để triển khai tấn công theo cách thông thường, nhiều đội sẽ chọn phương án sau.
Phạt góc chỉ là vô ích?
Jose Mourinho từng có câu nói nổi tiếng về việc đá phạt góc khi lần đầu dẫn dắt Chelsea: “Có bao nhiêu giải pháp tiếp cận đá phạt góc như một cách hữu hiệu để ghi bàn. Một. Điều đó chỉ xảy ra ở Anh”. Nhưng thực ra không phải vậy. Người Anh cũng không coi trọng đá phạt góc như suy nghĩ của Mourinho.
“Mọi người cho rằng các pha đá phạt góc chỉ phí thời gian”, Paul Power, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo của Stats Perform đánh giá. “Nhưng chúng tôi biết rõ từ các nghiên cứu rằng xét về số bàn thắng, việc có một chiến lược tốt cho các tình huống cố định tương đương với việc chi 80 triệu bảng cho một tiền đạo vậy”.
Năm 2018, Power từng làm một nghiên cứu để chỉ ra rằng tỷ lệ ghi bàn từ các tình huống cố định (1,8%) còn cao hơn bóng mở thông thường (1,1%). Tuy nhiên, dù các thống kê có như thế nào thì các đội bóng vẫn không quá quan tâm tới việc chăm chút các tình huống đá phạt góc.
Trong mùa 2013-14, Everton dưới thời Roberto Martinez đã cán đích ở vị trí thứ 5 Premier League với 72 điểm, một thành tích ấn tượng nhưng họ vẫn có thể làm tốt hơn. “Nhận thức chung lúc đó là ghi bàn từ đá phạt góc gần như là lừa đảo. Roberto Martinez không hề cho tập luyện đá phạt góc. Ông ấy chỉ muốn biết mọi thứ về bóng sống, còn tình huống cố định thì không”, Power cho biết.
Mùa đó, Everton kém đội xếp thứ 4 là Arsenal 7 điểm, trong khi họ là đội có nhiều pha phạt góc thứ hai ở Premier League chỉ sau đội vô địch Man City. Trong khi Man City dẫn đầu về số bàn thắng ghi được từ phạt góc (15 bàn) thì Everton chỉ đứng giữa với 7 bàn.
Làm thế nào để ghi nhiều bàn từ phạt góc?
Vậy nếu Roberto Martinez muốn đội bóng của ông ghi nhiều bàn hơn từ phạt góc thì họ phải làm gì? Năm ngoái, Euan Dewar, chuyên gia phân tích của Statsbomb, đã có một công trình nghiên cứu công phu về những quả phạt góc và đưa ra kết luận: “Những pha tạt bóng hướng vào khung thành (Inswinger) dẫn tới nhiều bàn thắng hơn là những pha tạt bóng hướng ra ngoài (Outswinger) do quỹ đạo của chúng”.
Power hoàn toàn đồng ý với nghiên cứu này khi ông phát hiện ra rằng cơ hội ghi bàn từ “Inswinger” là 2,7% trong khi từ “Outswinger” là 2,2%. Trong khi đó, “Outswinger” dẫn tới nhiều cú sút hơn so với “Inswinger” (20,9% so với 18,6%) nhưng những cú sút từ “Inswinger” lại có tỷ lệ dẫn tới bàn thắng cao hơn từ “Outswinger” (10,8% so với 6,5%) bởi nó xảy ra gần vòng cấm hơn do quỹ đạo của trái bóng.
Dewar cũng đưa ra kết luận: “Nhắm bóng vào cột gần sẽ có cơ hội ghi bàn cao hơn là cột xa bởi nếu thời gian bóng bay trên không dài hơn, hậu vệ đối phương sẽ có nhiều thời gian hơn để đọc tình huống và phản ứng.
“Các đội sử dụng flick-on (khi một cầu thủ nhận bóng từ đồng đội, thay vì kiểm soát bóng, anh ta chuyền bóng ngay bằng chân hoặc bằng đầu) có tỷ lệ ghi bàn cao hơn là tạt trực tiếp từ chấm phạt góc. Bởi nó sẽ tạo ra sự xáo trộn và phá vỡ kết cấu phòng ngự”, Power nhận xét đồng thời đưa ra thống kê rằng “flick-on” có tỷ lệ dẫn tới bàn thắng cao hơn hẳn là đá trực tiếp từ chấm phạt góc (4,8% so với 2%).
Stoke City của Tony Pulis là cái tên đầu tiên người ta nhắc tới khi nói về sự hiệu quả từ đá phạt góc. Trong số 5 giải vô địch hàng đầu châu Âu từ 2008-09 tới nay, Stoke mùa 2016-17 là đội duy nhất đạt tỷ lệ ghi bàn từ đá phạt góc là 10%, trong khi không có đội nào đạt tới con số 9%.
Hiện tại, đội bóng gây ấn tượng bậc nhất ở Anh cũng như châu Âu về đá phạt góc chính là Liverpool. Mùa trước, Liverpool là đội có tỷ lệ chuyển hóa thành bàn từ phạt góc cao nhất trong số 5 giải vô địch lớn nhất châu lục.
Vậy làm thế nào để ngăn cản một đội có khả năng tận dụng đá phạt góc giỏi như Liverpool hiện tại hay Stoke trước đây? “Nếu một đội bố trí tới 2 cầu thủ ở cả hai cột để phòng ngự phạt góc thì tỷ lệ thủng lưới của họ là 2,7%. Ngược lại, nếu chỉ bố trí một người bám cột, tỷ lệ thủng lưới chỉ là 1%”, Power đưa ra thống kê.
Còn Dewar thì đưa ra một lý giải sâu xa hơn: “Đừng bố trí nhiều người ở hai cột khi phòng ngự đá phạt góc. Bố trí thêm người để ngăn chặn những cú sút hay quả tạt ngay từ đầu còn hơn là hy vọng phá được bóng ngay trước vạch vôi”.
Vũ Mạnh (Theo ESPN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất