Premier League: Sơ đồ 3 hậu vệ đang quay trở lại

05/11/2016 18:55 GMT+7 | Chelsea

(Thethaovanhoa.vn) - Những HLV hàng đầu thế giới đang đưa người hâm mộ trở lại với quá khứ qua sơ đồ 3 hậu vệ nhưng không hề cũ kỹ với những bổ khuyết và phát triển đượm hơi thở thời đại.

Khi Pep Guardiola cho Manchester City chơi với sơ đồ 3 trung vệ lần đầu tiên ở trận gặp Everton (vòng 8 ngoại hạng Anh). HLV Walter Mazzarri kẻ cả nói rằng, Pep chỉ là người sao chép ý tưởng của mình không hơn không kém.

Nhưng sự thật thì lúc người ta còn chưa biết đến cái tên Mazzarri, thì HLV người Tây Ban Nha đã nằm lòng những lý thuyết về cách chơi này cách đây hơn 20 năm, thời Pep Guardiola còn là cầu thủ, được nhào nặn dưới bàn tay của huyền thoại người Hà Lan Johan Cruyff. Còn Mazzarri mới bắt đầu “thai nghén” ý tưởng chơi bóng với 3 hậu vệ khi mới khởi nghiệp huấn luyện tại Acireale ở Serie C2 vào đầu những năm 2000.  Và khi Chelsea giành 4 chiến thắng liên tiếp ở ngoại hạng Anh với sơ đồ 3 hậu vệ, để leo lên vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng, tất cả cùng tin rằng, Antonio Conte đã làm đúng với đội bóng thủ đô London. Liệu chiến thuật 3 hậu vệ có phải là “mốt” ở thời điểm này, khi các bộ óc về bóng đá cố gắng tìm tòi những ý tưởng mới từ kho tàng chiến thuật trong lịch sử?

3 hậu vệ kiểu Johan Cruyff

Sinh thời, cố HLV Johan Cruyff từng khiến tất cả các chuyên gia bóng đá phải “tắt điện” trong một bàn tròn về chiến thuật được truyền hình trực tiếp ở Hà Lan cách đây nhiều năm, “gượm đã, hãy để tôi nói, đây không phải là kiểu chơi 3 hậu vệ của tôi, Barcelona của tôi phải chơi với sơ đồ kim cương”, ông ngắt lời tất cả và cố diễn giải ý tưởng của mình với viên phấn trên tay. 


Sơ đồ 3 hậu vệ của Johan Cruyff ở Barca vào đầu những năm 90 thế kỉ trước

Đó là một đội bóng phi thường vào đầu những năm 90 thế kỉ trước. Khi ấy, Johan Cruyff có Ronald Koeman chơi ở vị trí cuối cùng trong hàng phòng ngự gồm Ferrer bên cánh phải, Sergi bên cánh trái, hệ thống này hoạt động dựa trên viên kim cương với đỉnh là Bakero, hai cánh là Micheal Laudrup, Eusebio hoặc Salinas và chốt chặn là Pep Guardiola. Ý tưởng ở đây là các hậu vệ của Barcelona luôn có lợi khi luôn có hai trung vệ tranh chấp với một tiền đạo của đối thủ, ở các tình huống chống tấn công. Điểm quan trọng không kém là Romario, Laudrup hay Stoitchkov, những người có thể được chơi ở vị trí cao nhất trên hàng công đá như một số 9 ảo, nói như Pep Guardiola sau này, thì đó là lúc Johan Cruyff muốn có nhiều chơi ở gần vòng cấm địa đối thủ hơn là chỉ giữ chặt phần sân nhà. 

Nguyên tắc hoạt động của hệ thống 3 hậu vệ với Johan Cruyff  là những tiền vệ cánh lui về thật nhanh khi không có bóng, còn Guardiola giữ vị trí của mình để đảm bảo hàng tiền vệ luôn đủ quân số khi phản công, cũng như kiểm soát bóng thật tốt ở khu vực giữa sân (ít nhất là 4 người). Có nghĩa, chơi với 3 hậu vệ, đội bóng của Johan có nhiều không gian để tấn công hơn, có nhiều lựa chọn trong triển khai bóng, với những hậu vệ và tiền vệ biên có kĩ thuật và tư duy bóng đá sắc sảo. Cũng như những tiền vệ xuất sắc kiểu như Pep và Bakero để khiến viên kim cương của ông luôn ở trạng thái tốt nhất.

Lợi thế của HLV người Hà Lan khi đó là đội hình đồng đều và có chiều sâu, luôn giúp ông tìm ra những giải pháp tấn công ở hai biên một cách tốt nhất. Và ở mùa cuối cùng của Pep tại sân Camp Nou cách đây 4 năm, ông từng thử làm mới Barcelona đã no nê danh hiệu bằng sơ đồ 3 hậu vệ với Pique, Puyol và Abidal, nhưng sự thay đổi về chiến thuật này không thật sự hiệu quả, khi cả hệ thống đó đã kiệt quệ về tinh thần và thể lực sau 3 mùa chơi bóng ở đẳng cấp cao nhất. 


Ở Bayern Munich, hệ thống 3 hậu vệ của Pep Guardiola bị chỉ trích là quá mạo hiểm

Ở Bayern Munich, hệ thống 3 hậu vệ của Pep Guardiola bị chỉ trích là quá mạo hiểm, vì đội bóng nước Đức luôn gặp rắc rối trong các pha phản công của tốc độ. Vấn đề của Pep nằm ở vị trí của Xabi Alonso, người đã quá chậm chạp, cũng như không còn đủ thể lực để hỗ trợ các đồng đội một cách hiệu quả, dù chẳng phủ nhận sự thông minh của tiền vệ này. Mặt khác, HLV người Santpedor không thật sự bám theo nguyên tắc kim cương của Johan Cruyff, mà đưa ra những điều chỉnh khác với bản gốc, như đẩy Lahm hay Alaba vào giữa sân để hình thành tuyến giữa với 5 người, nhằm kiểm soát trận đấu tốt hơn, trong khi không có một Bakero như Cruyff trước đây.

Conte và lò luyện Serie A

Người ta có thể kể rất nhiều cái tên đã khiến sơ đồ 3 hậu vệ phổ biến ở Italy, đó là Walter Mazzarri, Francesco Guidolin, Antonio Conte, Roberto Donadoni, Alberto Zaccheroni và Gian Piero Gasperini. Điểm mấu chốt được các chiến lược gia này nắm là đội bóng của họ không bao giờ phòng ngự với chỉ 3 hậu vệ, và họ mới là người quyết định số lượng cầu thủ tham gia phòng ngự khi bị tấn công. Như thời Zaccheroni cầm Udinese, ông thường sử dụng đội hình 3-5-1-1, với ít nhất 7 người được yêu cầu phòng ngự khi không có bóng. Trong khi hai cầu thủ ở phía trên, hoặc một tiền vệ chơi rộng sẽ giúp bóng được luân chuyển tốt hơn khi chuyển từ phòng ngự sang phản công.


HLV Antonio Conte và sơ đồ với 3 hậu vệ ở Juventus

Về cơ bản, kiểu chơi 3 hậu vệ của người Italy là cả đội phải khép chặt các khoảng trống bên phần sân nhà. Các tiền đạo và tiền vệ lui về gây áp lực với các tiền đạo đối thủ để 3 hậu vệ của đội nhà tìm thấy vị trí hợp lý nhất để cắt bóng. Lập tức đẩy bóng lên phía trên ngay khi giành lại quyền kiểm soát bóng. Sử dụng bẫy việt vị từ trên cao nhằm giảm thiểu nguy hiểm khi đội hình bị xô lệch. Khiến hàng tiền vệ của đối thủ bị vô hiệu, khi đội nhà có bóng và ở vào vị thế thuận lợi để ghi bàn.

Cũng như kiểu chơi 3 hậu vệ của Johan Cruyff, 3 hậu vệ trong chiến thuật của các chiến lược gia Italy luôn tạo ra ưu thế trong tranh chấp với các tiền đạo đối phương (2 chọi 1), và người cuối cùng sẽ làm nhiệm vụ cover tất cả những vấn đề còn lại. Sự khác biệt là các HLV đến từ Serie A có xu hướng sử dụng một hậu vệ cánh điển hình trong hàng hậu vệ 3 người, không giống huyền thoại người Hà Lan, thường chỉ có một trung vệ đích thực là Ronald Koeman đảm nhiệm vai trò đá quét.

Chelsea hồi sinh mãnh liệt: Conte và 'liều thuốc tiên' 3-4-3

Chelsea hồi sinh mãnh liệt: Conte và 'liều thuốc tiên' 3-4-3

Từ chỗ là dấu hiệu cho một cuộc khủng hoảng, thất bại trước Arsenal lại vô tình mở ra một hướng đi mới cho Chelsea, và giờ thầy trò Antonio Conte chỉ kém nhóm dẫn đầu đúng một điểm mà thôi.


Gần đây có Chelsea của Antonio Conte là ví dụ sinh động nhất cho sự khác biệt này. Sau thất bại tơi bời trước Arsenal, HLV 47 tuổi này quyết định sử dụng hệ thống 3 hậu vệ đã theo ông từ Juventus và sau đó là đội tuyển quốc gia Italy. Nếu Cahill và David Luiz là những trung vệ đích thực, thì Azpilicueta là hậu vệ cánh đơn thuần. Và hệ thống 3 hậu vệ của Conte, hay các HLV người Ý khác, không hoạt động theo sơ đồ kim cương như của Cruyff, mà chủ yếu chú trọng tới việc phản công với 3 mũi nhọn ở phía trên khi giành lại được bóng, với Pedro, Hazard và Diego Costa, những người luôn biết cách kết thúc các tình huống theo cách tuyệt vời nhất.

Clip Chelsea thắng 2-0 Southampton


Chìa khóa của hàng hậu vệ 3 người của Chelsea nằm ở David Luiz, người có nhãn quan chiến thuật khá tốt, là người giữ vị trí thấp nhất, anh vừa đảm nhiệm vai trò bọc lót, vừa đóng vai chân chuyền như một tiền vệ kiến tạo lùi sâu. Không cần nói nhiều đến vai trò của những người chạy cánh như Moses hay Marcos Alonso nữa, họ là một trong những lý do giúp Chelsea giữ sạch lưới 4 trận liên tiếp. Trước đó, hệ thống 4-3-2-1 của Conte khiến Diego Costa quá đơn độc, còn Kante lại ít đóng vai trò quan trọng trong cách phòng ngự của đội bóng áo xanh, tiền vệ người Pháp thường lúng túng khi phối hợp với Matic để bảo vệ vòng cấm địa. Và Conte quyết định Matic giữ vị trí gần với 3 hậu vệ, còn Kante được tự do hơn so với thời đá cho Leicester City, anh được băng lên phía trước để phòng ngự từ xa, hỗ trợ tấn công, cũng như ghi bàn khi có cơ hội (bàn thắng vào lưới Manchester United là điển hình cho sự thay đổi này). 

Vâng, thay đổi hay linh hoạt chính là mẫu số chung của những CLB đang phất cờ cao nhất ở những giải đấu hàng đầu châu Âu. 

Trần Dũng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm