28/04/2020 14:51 GMT+7 | Bóng đá Anh
(Thethaovanhoa.vn) - Premier League trở lại sẽ mang tới những nguy cơ tiềm ẩn ngay cả khi các trận đấu diễn ra trong các sân bóng không có khán giả.
1. Bằng một cách nào đó, cần phải có những ý kiến nghiêm túc được chuyển tới UEFA rằng mọi người vẫn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19. Do vậy, sự trở lại bằng mọi giá của bóng đá không phải là ưu tiên hàng đầu, nhất là khi nhiều chính phủ vẫn đang phải lao đao, làm mọi cách để bảo vệ tính mạng của con người trong khủng hoảng do dịch bệnh gây ra.
Nếu các giải VĐQG châu Âu cùng hủy mùa giải, sẽ không có án phạt nào được đưa ra cả. Bỉ và Hà Lan là hai quốc gia đầu tiên đã làm điều đó. Nhưng đáng tiếc, họ chỉ là thiểu số. Phần còn lại của châu Âu vẫn muốn các giải bóng đá của đất nước mình tiếp diễn, bằng một hình thức nào đó.
Tất cả mọi người đều hiểu rõ quyết tâm thực sự để các giải đấu sẽ diễn ra, dù là đằng sau những cánh cửa sân vận động đóng kín đến từ những nhân vật có tiền, thậm chí là rất nhiều tiền. Những nhà tài phiệt này coi bóng đá là hình thức tiêu khiển, là động lực để họ tiếp tục quảng bá hình ảnh, tầm ảnh hưởng của mình trong đại dịch.
2. Theo như kế hoạch dự kiến, Premier League sẽ chuẩn bị trở lại. Các trận đấu sẽ diễn ra theo hình thức tập trung ở một khu vực (sẽ chốt sớm) với các sân bóng không có khán giả. Đổi lại, BTC sẽ phát miễn phí trên sóng truyền hình các trận đấu cho người xem. BTC hy vọng rằng phương án này sẽ đáp ứng đủ các tiêu chí vừa an toàn chống dịch, vừa đảm bảo chất lượng để cung cấp món ăn tinh thần cho người dân vốn đang bị hoảng loạn do bệnh tật.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu việc thi đấu tập trung như vậy có ảnh hưởng đến tâm lý thi đấu của các cầu thủ hay không. Arsenal đã phải thuê chuyên gia tâm lý đến để làm việc với cầu thủ. Nhiều đội bóng khác cũng làm như vậy. Họ hiểu việc chơi bóng không có khán giả sẽ dễ khiến hưng phấn bị triệt tiêu, khó có thể đòi hỏi chất lượng chuyên môn cao được.
Hơn thế nữa, động lực là điều cũng được nhắc nhiều đến trong những trận đấu như thế này. Liverpool gần như chắc chắn sẽ vô địch, khi họ bỏ xa đội xếp thứ hai là Man City tới 25 điểm, nên chuyện họ không còn nguyên động lực để đá trong 9 trận còn lại hoàn toàn có thể xảy ra. Nhóm bám đuổi, đặc biệt là Man City, cũng khó tạo ra được động lực, nhất là khi họ bị cấm dự Champions League mùa tới. Có lẽ, nhóm được coi có động lực nhất là ở cuối bảng xếp hạng, khi họ phải cạnh tranh tấm vé trụ hạng.
3. Như đã nói ở trên, việc bóng đá trở lại chỉ đơn thuần phục vụ cho những người có tiền và làm mọi cách để kiếm thêm tiền. Tính riêng bản quyền truyền hình, BT và Sky Sport đã kiếm về số tiền lần lượt là 2 tỷ và 1,2 tỷ doanh thu cho mỗi mùa giải gần đây. Nếu các trận đấu không thể tổ chức, họ sẽ hứng chịu thiệt hại nặng nề. Đó cũng là lý do hai kênh truyền hình này đã liên tục có những chiến dịch truyền thông nhằm muốn cho Premier League trở lại, dù bằng bất cứ hình thức nào.
Bóng đá từ lâu đã sống dựa vào những khoản tiền như thế. Nó giúp các CLB có thể dư dả dù mùa giải của họ kết thúc với kịch bản nào. Do vậy, chính bản thân các CLB cũng muốn mùa giải cần phải tiếp tục, dù họ hiểu nguy cơ về bệnh tật có thể ập xuống đội bóng bất cứ lúc nào.
Vấn đề được đề cập đến ở đây chính là sự hy sinh cần phải có trong giai đoạn khốc liệt nhất của bệnh tật. Mỗi người, mỗi tập thể cần phải biết hy sinh một chút để hướng tới một xã hội an toàn hơn là điều được hướng đến trong thời gian này. Đã đến lúc, UEFA nói chung và các Liên đoàn bóng đá thành viên nói riêng cần phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về mùa bóng trong bối cảnh những nguy cơ vẫn đang rình rập hàng ngày.
T.Giáp
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất