26/06/2022 06:27 GMT+7 | Man United
(Thethaovanhoa.vn) - Một mùa Hè nữa của công cuộc tái thiết lại diễn ra ở Old Trafford nhưng những nỗ lực tái tạo triết lý và vinh quang của thời Alex Ferguson dường như sẽ đi vào bế tắc với HLV Erik ten Hag.
Có phải có quá nhiều những giấc mơ ở đây đã khiến cho đội bóng áo đỏ trở thành câu lạc bộ thích tự huyền thoại hóa bản thân mình như một bản sắc tập thể quan trọng nào đó phải được tôn vinh và nuôi dưỡng, trong khi phần lớn những gì thế giới nhìn thấy hiện tại chỉ là những vụn vặt mờ nhạt của một quá khứ xa xôi.
Những người muôn năm cũ…
Steve McClaren, trợ lý số 2 của huyền thoại người Scotland trở lại làm một phần của cuộc cách mạng đầy hy vọng với Erik ten Hag, như những gì mà ông đã cùng Alex Ferguson tạo ra để xây dựng một đế chế bóng đá hoàn hảo trên sân cỏ và cả thương mại.
Những gì trong quá khứ đã là vĩ đại và không thể lặp lại theo bất kì cách nào khác, nhưng MU lại dường như cố gắng quay trở lại điều gì đó, để tìm ra con đường mà nó đã đi qua từ rất lâu.
Có nhiều cách để làm cho mọi thứ hoạt động và tiến bộ, nhưng ở đây, người ta bị ràng buộc với việc tìm kiếm những khuôn mẫu cũ, xây dựng mọi thứ theo cùng một cách, một nền văn hóa phải được xây dựng lại để trông đồng nhất với quá khứ như Steve McClaren mô tả trong thời gian gần đây, về một đội bóng chiến đấu cùng nhau từ thứ Hai đến ngày thứ Bảy, về tất cả mọi thứ được gầy dựng trên nguyên tắc luật lệ và hi sinh.
Nhưng văn hóa đấy là khi nó được đại diện bởi Alex Ferguson hay những cầu thủ cá tính của ông như Eric Cantona, Roy Keane, Ryan Giggs hay Cristiano Ronaldo. Việc đưa Ole Solksjaer – người tự tin rằng mình biết DNA MU là gì - trở lại như một cách để MU lấy lại những gì đã mất. Nhưng cuối cùng thì mọi thứ trở nên nát bét, HLV người Na Uy càng làm trầm trọng hơn những vấn đề của đội bóng, không chỉ ở khía cạnh thể thao mà còn ở cách thức quản lý và định hướng phát triển.
MU của Erik ten Hag vĩnh viễn không thể sánh được với phiên bản độc nhất vô nhị mà Alex Ferguson tạo ra ở Old Trafford, nhưng chiến lược gia người Hà Lan không thể miễn cưỡng bảo lưu hoặc sao chép bất kì khía cạnh nào ở đấy, mà phải tìm ra một con đường riêng mà đội bóng của ông phải đi.
Và HLV người Hà Lan sẽ phải đối mặt với điều này thường xuyên: Sự bủa vây của những huyền thoại mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi một chuyển động của ông trên cương vị HLV trưởng của MU. Nó có thể còn nhức nhối hơn việc xây dựng một triết lý bóng đá mới như thế nào ở Old Trafford.
Giữa ảo tưởng và hiện thực
Nếu sự trở lại của Steve McClaren không phải là một sai lầm hoặc công việc của Daren Fletcher trở nên tốt đẹp hơn thì người ta sẽ hi vọng gì ở đội bóng này với một người mà khả năng thành công vẫn là một ẩn số.
Erik ten Hag đã đến vào thời điểm không lý tưởng, thời mà Pep Guardiola và Jurgen Klopp đã tạo ra một kỉ nguyên của họ ở Premier League, cùng với đó là một hệ thống chuẩn mực về phong cách, tính cạnh tranh và khả năng chiến thắng.
Gary Neville có thể nói nhiều điều về văn hóa chiến thắng bẩm sinh tồn tại trong anh và các đồng đội dưới thời Alex Ferguson, nhưng DNA hay triết lý đấy có thể không còn phù hợp với hiện tại dù nó vẫn có những nguyên tắc cơ bản là chơi như một đội bóng đúng nghĩa và chiến đấu như một con sư tử. Văn hóa chiến thắng là một ảo tưởng làm cho việc tái tạo MU trở nên khó khăn hơn. Quá khứ không còn là một hệ qui chiếu rõ ràng để Erik ten Hag gây dựng lại đội bóng. Và sự trở lại của McClaren có thể sẽ là một sự phản bội của cách mạng hiện tại.
Chấp nhận sự tụt hậu và đứng ở một vị trí khiêm tốn để mở rộng tầm nhìn cho đội bóng không khiến MU bị thấp kém, mà nó là cách để họ hiểu được rằng mình đã để quá khứ đeo bám quá lâu, đã bỏ qua những hình dung cơ bản về một tập thể chiến thắng tốt nhất là gì, về cách xây dựng đội bóng, quản lý và điều hành, về những chuẩn mực mới cần theo đuổi.
Thiên Ý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất