Man United & trào lưu 'mua đi, bán lại'

05/07/2017 06:42 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - Chuyện mua lại cầu thủ đang trở thành mốt tại Premier League những năm gần đây. Liệu Man United có nên đi theo trào lưu ấy trong các thương vụ mua bán, như những gì Chelsea đang làm?

1. Mùa Hè năm ngoái, một trong những câu chuyện tốn nhiều giấy mực nhất là thương vụ chiêu mộ Paul Pogba của Man United. Đó là chữ ký thể hiện tham vọng của đội chủ sân Old Trafford. Pogba, với mức phí kỷ lục thế giới, được kỳ vọng sẽ nâng tầm đội bóng.

Vấn đề nằm ở chỗ đây là lần tái hợp của Pogba với Man United, bởi tuyển thủ người Pháp gia nhập tuyến trẻ của đội bóng này vào năm 2009, và từng nhanh chóng được coi là một gương mặt có tiềm năng thành ngôi sao. Đáng tiếc, sau đó hai năm, Sir Alex Ferguson lại khẳng định rằng Pogba sẽ phải chờ đợi cơ hội hoặc tốt nhất là nên ra đi, yếu tố dẫn đến cuộc chia tay giữa tuyển thủ người Pháp với đội bóng vào mùa Hè năm 2012. 4 năm sau khi rời Man United mà không tốn xu nào, Pogba trở lại sân Old Trafford với số tiền lên tới 89 triệu bảng. Nếu đó là một thương vụ trên thương trường thuần túy, một doanh nhân có thể nhanh chóng bị đuổi việc. Còn trong bóng đá, nó nhanh chóng trở thành một bản hợp đồng tốt về mặt tài chính.

2. Ngoài Pogba, vẫn còn đó không ít tài năng trẻ đang tỏa sáng ở các đội bóng tại Anh sau khi bị Man United ruồng rẫy. Chẳng hạn như bộ đôi Tom Heaton và Michael Keane, những người đã từng khởi nghiệp tại sân Old Trafford, nhưng rồi chỉ tìm thấy cơ hội tỏa sáng khi chuyển đến Burnley. Michael Keane từng được đồn đoán về khả năng trở lại Man United, nhưng mới đây anh đã quyết định gia nhập Everton. Với HLV Mourinho, ông cũng không ngần ngại trong việc chiêu mộ lại những cái tên đã từng bị các HLV khác bỏ rơi. Ở nhiệm kỳ hai của ông tại Chelsea, Nemanja Matic đã quay trở lại nước Anh với mức phí 21 triệu bảng. Tuyển thủ người Serbia từng đến Chelsea vào năm 2009 cùng số tiền chỉ vỏn vẹn 1,5 triệu bảng, nhưng ra sân đúng hai trận ở đội một và bị đẩy sang Benfica nhằm nhường chỗ cho David Luiz chuyển đến theo chiều ngược lại.

Man United đút túi 7,5 triệu bảng trong thương vụ kỷ lục của Everton

Man United đút túi 7,5 triệu bảng trong thương vụ kỷ lục của Everton

Everton đã chính thức chiêu mộ thành công trung vệ Michael Keane từ Burnley với mức phí có thể lên tới 30 triệu bảng, đồng nghĩa là kỷ lục chuyển nhượng của CLB.

Nhắc đến Chelsea và Luiz, tất cả vẫn còn nhớ đội bóng này đã thu được khoản lãi lớn khi bán cho PSG với mức giá 50 triệu bảng vào mùa Hè năm 2014, con số kỷ lục thế giới dành cho một hậu vệ. Rồi hai năm sau, Luiz trở lại Chelsea với mức giá 34 triệu bảng, và sự trở lại của tuyển thủ người Brazil giúp cho đội chủ sân Stamford Bridge giành chức vô địch Premier League ở mùa giải vừa qua.

Mùa Hè này, Chelsea đang tiếp tục hướng đến việc chiêu mộ một người cũ nữa, Romelu Lukaku từ Everton. Lukaku, chân sút từng khoác áo Chelsea từ 2011 đến 2014 nhưng chỉ ra sân 10 lần và không ghi nổi một bàn nào, lại trở thành giải pháp cho hàng công nhà ĐKVĐ Premier League khi Diego Costa đang tha thiết muốn trở lại Atletico Madrid.

3. Trở lại với câu chuyện của Man United. Nếu xu hướng mua lại những cầu thủ đã ra đi vẫn tiếp tục tại Old Trafford, nhiều người có thể nghĩ đến kịch bản tái hợp với Cristiano Ronaldo. Rất khó, nhưng vẫn có khả năng. CR7 đang dính vào nghi án trốn thuế ở Tây Ban Nha, và nếu những kết luận từ tòa án vào cuối tháng đi theo hướng bất lợi, Man United hoàn toàn có thể nghĩ đến việc tái ngộ tuyển thủ người Bồ Đào Nha.

Nếu điều đó xảy ra, mua đi bán lại rồi lại tái hợp sẽ là trào lưu chuyển nhượng chủ đạo ở Man United?

Đức Hùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm