08/12/2015 12:32 GMT+7 | Man United
(Thethaovanhoa.vn) - Khi Fergie tuyên bố về hưu, một vấn đề mà rất nhiều người từng đặt ra, và thậm chí đã được kiểm chứng bằng những dữ kiện có thật, chính là chuyện “Ai đủ bản lĩnh thay thế HLV huyền thoại của Man Utd?”.
Ở khía cạnh này, có thể nói Fergie chưa đạt được tầm vóc của Johan Cruyff. Cruyff không có nhiều danh hiệu như Fergie trong công tác huấn luyện; không tạo dựng đế chế ở Barca bằng một khoảng thời gian lâu dài đồng cam cộng khổ như Fergie với Man Utd nhưng bù lại, Cruyff tạo ra được những hậu bối xuất sắc trong nghề huấn luyện. Chính từ triết lý của Cruyff, Pep Guardiola và Enrique mới bồi dưỡng mình trở thành những HLV xuất sắc như hôm nay. Di sản mà Cruyff để lại không phải là danh hiệu, và không chỉ là những danh hiệu học trò ông đạt được mà còn là tinh thần chơi bóng hấp dẫn được bảo tồn để thương hiệu Barca tiếp tục được coi là vĩ đại.
Nhưng Fergie chưa đạt được tầm vóc của Cruyff chứ không phải là không thể. Phải thừa nhận, Thế hệ 92 của ông rất am tường về chiến thuật, sách lược trong bóng đá. Họ chỉ chưa chứng minh được khả năng của họ trong công tác huấn luyện mà thôi và khi Gary Neville nhận việc ở Valencia (dù chỉ là tạm quyền trong 6 tháng), hành động ấy như một cú kích nổ thế hệ 92, đặc biệt ở hoàn cảnh ghế của Louis Van Gaal vẫn chưa cho thấy độ chắc chắn.
2. Tại sao Van Gaal vốn dĩ thích triết lý bóng đá cống hiến nhưng vì sao ông không áp dụng triết lý ấy cho Man Utd mà thay vào đó, ông chỉ đạo Man Utd chơi một thứ bóng đá tẻ nhạt vô cùng? Chúng ta được phép đặt ra một thuyết âm mưu rằng Van Gaal là phương án được sử dụng để bồi dưỡng cho Ryan Giggs nhiều hơn là để làm nhận vật chính trên sân khấu Old Trafford.
Kể từ khi nhận việc, những toan tính chiến thuật của Van Gaal thực tế rất ít, và chủ yếu ông chỉ đẩy mạnh các hoạt động quản trị là chủ yếu. Có thể, đấy chính là điều giới chủ Man Utd đang cần ở Van Gaal, hay nói đúng hơn là cần Giggs học từ Van Gaal, để một ngày đẹp trời, Giggs tiếp quản đội bóng, như một chỉ dấu về mối nối truyền thống mà thế hệ 92 tiếp quản lại từ chính CLB đã cho họ tên tuổi.
Khi Moyes bị sa thải ở Man Utd, sau 10 tháng nhận việc, Giggs đã tạm quyền trong 4 trận, và thắng 2, hòa 1, thua 1. Kết quả đó không tệ nhưng điều chưa đạt yêu cầu chính là tâm lý của Giggs chưa sẵn sàng. Chính Giggs đã rơi nước mắt vì áp lực ở lượt trận cuối cùng mùa giải đó (trận hòa Southampton 1-1) và thừa nhận ông liên tục mất ngủ vì áp lực ghế huấn luyện. Bởi thế, Giggs cần thêm thời gian để làm quen với công việc mới và không gì tuyệt vời bằng làm trợ lý cho một HLV tên tuổi trong thời hạn 3 năm hợp đồng của HLV đó.
3. Cách đây không lâu, chính Van Gaal cũng nêu đích danh Giggs là người kế thừa của mình và điều đó càng củng cố hơn để thuyết âm mưu kể trên không chỉ là tưởng tượng.
Bây giờ, khi người hâm mộ, tức là khách hàng của Man Utd, đã ngấy đến tận cổ, có lẽ khoá học của Giggs sẽ không kéo dài 3 năm nữa. Đã đến lúc trao Man Utd cho thế hệ 92, mà đại diện là Giggs, những người đủ tầm để tạo ra câu chuyện giàu hình ảnh văn hóa của CLB. Còn chuyên môn ư? Nếu chưa đủ thì lại thay. Thế hệ 92, những người giỏi chém gió về chuyên môn, chiến thuật vẫn còn đông lắm.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất