Góc chiến thuật: Viên kim cương thô của Roy Hodgson

10/09/2014 14:47 GMT+7 | Bóng đá Anh

(Thethaovanhoa.vn) - Trong cuốn “Thế giới có hai loại người”, tác giả Jay Kaiolly có nhắc đến một mẫu người thụ động trước những thay đổi, thường là người già. Họ cần rất nhiều thời gian để thực sự thích nghi với cái mới. Đêm thứ Hai, Roy Hodgson đã trở thành một minh chứng sinh động.

Vẫn là sơ đồ 4-4-2, nhưng không còn là 3 hàng ngang “từ thời tối cổ” (lời của Gary Lineker), mà là một bộ tứ tiền vệ được sắp xếp theo hình kim cương, với Raheem Sterling trên đỉnh và “máy chạy” Jordan Henderson ở một cạnh. Cạnh còn lại là Fabian Delph – tiền vệ trẻ đang nổi lên tại Aston Villa. Vị trí tiền vệ trụ thuộc về một cái tên quen thuộc mà lạ lẫm – Jack Wilshere.

Một lời giải cho nhiều bài toán

4-4-2 kim cương đã nổi lên cùng Liverpool trong mùa giải 2013-14, và những đặc điểm của nó một lần nữa được tái lập tại ĐT Anh đêm qua. Sự giống nhau không chỉ nằm ở sơ đồ, mà còn ở cách vận hành. Cũng như đội bóng thành phố cảng, Anh chú trọng việc pressing và phản công nhanh, sử dụng ít chạm để đưa bóng tới gần khung thành của đối thủ.

Một điều khác biệt phần nào là thay vì pressing ngay từ phần sân đối thủ như Liverpool, Anh thường chờ Thụy Sĩ cầm bóng qua vạch giữa sân trước khi dồn ép đối thủ liên tục trên mọi khoảng không thuộc phần sân nhà. Cách làm này giúp họ dễ dàng kéo tập thể Thụy Sĩ vốn luôn hừng hực khí thế tấn công lên cao, hở ra những khoảng trống lớn sau lưng.

Hiệu quả đã được thể hiện khi cả hai bàn thắng của Anh đều đến từ những pha phản công đầy tốc độ, mà người góp công lớn nhất chính là Raheem Sterling chứ không phải Danny Welbeck – cầu thủ đã lập cú đúp.

Sự tuyệt vời của tài năng 19 tuổi khi được chơi trong vai trò “số 10” đã được nhắc đến rất nhiều lần. Với sơ đồ 4-4-2 kim cương, Hodgson đã giải được bài toán đố về việc dùng Rooney hay Sterling cho vị trí tiền vệ công – chỉ việc đưa đội trưởng của Manchester United lên tiền đạo.

Một điểm nữa mà sơ đồ này đem đến cho ĐT Anh, đó là Jack Wilshere dường như đã có được một vị trí phù hợp. Như phân tích của Jonathan Wilson trên WhoScored, cầu thủ người Anh sau những chấn thương dai dẳng đã mất đi một trong những điểm mạnh nhất của anh là tốc độ. Những thống kê đã chỉ ra rằng Wilshere vẫn có khả năng chuyền bóng, tranh chấp và qua người tốt, nhưng chính việc thiếu đi tốc độ so với những ngày ra mắt đã khiến cho người ta tưởng rằng anh xuống chân.

Cũng đã không ít lần HLV Arsene Wenger cho Wilshere thử tập tại vị trí tiền vệ trụ trong các buổi tập, nhưng thi đấu một trận chính thức như Hodgson đã làm thì chưa hề. Vẫn còn những pha bóng mà “Jacko” rời khỏi vị trí dâng cao theo thói quen, nhưng màn trình diễn của anh nhìn chung đã có hiệu quả tốt.

Nền tảng cho thành công

Với sơ đồ 4-4-2 mang dáng dấp Liverpool, Anh đã giành chiến thắng đầy thuyết phục trước Thụy Sĩ. Quan trọng hơn, trận thắng này mở ra cho Tam Sư một niềm hi vọng mới đầy lạc quan.

Lịch sử bóng đá từng chứng kiến nhiều ĐTQG trở nên thành công khi dựa vào những đặc điểm chiến thuật và nhân sự của một CLB trong nước, ví dụ như Hà Lan – Ajax những năm 1970; Italy – Juventus; Đức – Bayern Munich; Tây Ban Nha – Barcelona trong những năm cuối 2000, đầu 2010... Có thể thấy rõ rằng Liverpool và phần nào đó là Arsenal, Everton đang chiếm những vị thế quan trọng cấu thành nên nền tảng chiến thuật mới cho ĐTQG.

Và đó cũng sẽ là nền tảng đầy thực tế để người Anh mơ về những danh hiệu trong tương lai gần. Liverpool sẽ được “thử lửa” tại Champions League trong mùa giải này, thế nên chắc chắn những Sterling, Sturridge, Henderson sẽ lại càng trưởng thành hơn.

Quay trở lại vấn đề trên băng ghế huấn luyện của ĐT Anh. Xem ra Hodgson vẫn không phải một ông già quá sức bảo thủ. Màn văng tục trước báo giới ít ngày trước cũng sẽ dễ dàng được tha thứ, nếu Anh tiếp tục chiến thắng...

DŨNG LÊ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm