Có một Van Gaal không như người Anh tưởng tượng

24/01/2016 13:30 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - HLV Louis Van Gaal đang tạo ra một M.U... buồn ngủ, không biết ghi bàn, nói chung là thật thảm hại. Ông thất bại vì đã cũ kỹ, lại quá độc đoán, không biết lắng nghe những sự chỉ trích? Cuộc sống không hề đơn giản như vậy. Mà bóng đá lại là cuộc sống, như người ta vẫn nói. Còn rất nhiều lăng kính khác để nhìn vào con người và công việc của Van Gaal, cũng như những gì đang diễn ra ở M.U.

Bạn chỉ có thể khen Messi hoặc Neymar. Còn nếu cho rằng mình đá bóng giỏi hơn những ngôi sao ấy, dứt khoát bạn sẽ trở thành "gã điên". Đấy là vì công việc của Messi, Neymar, hoặc mọi cầu thủ khác trong bóng đá đỉnh cao, đều quá rõ ràng, diễn ra trước mắt bàn dân thiên hạ, hàng ngày, hàng giờ. Ngược lại, có bao nhiêu người được xem công việc của Van Gaal và những HLV khác? Thậm chí người ta còn không thể nói rõ ràng, rằng việc của Van Gaal là gì! Vậy nên, bạn hoặc tôi đều có quyền khen hoặc chỉ trích Van Gaal, cũng như bất cứ HLV nào. Cả thế giới có quyền cho rằng mình huấn luyện giỏi hơn Jose Mourinho, tha hồ chỉ ra những sai lầm của họ, mà không sợ mang tiếng "điên". Thậm chí, chúng ta khen hoặc chê những người như Van Gaal, Mourinho mà chẳng cần biết họ đã, đang, phải làm gì. Chúng ta chỉ nhìn vào trận đấu, vào kết quả. Đấy là những thứ bất quá chỉ phản ánh công việc của họ, chứ đấy đâu phải là việc làm của họ!


Man United đang thi đấu vật lộn dưới sự chỉ đạo của Van Gaal

Có vẻ không liên quan lắm, nhưng thực tế vừa nêu luôn bao trùm lên thế giới bóng đá. Đừng bao giờ quên cái thực tế có vẻ không liên quan ấy khi đánh giá công việc của một HLV, mà Van Gaal suy cho cùng cũng chỉ là một trường hợp cụ thể. Cũng vì cái thực tế ấy, mọi người cứ mạnh dạn bàn luận về thành công hoặc thất bại của Van Gaal. Chẳng hề có giới hạn hay quy chuẩn nào.

* Dân chủ kiểu Van Gaal

Người ta thường nói Van Gaal độc đoán. Nghe rất lạ, bởi khi từ "độc đoán" đi liền với một cái tên lớn trong làng bóng Hà Lan thì có đến 90% khả năng đấy là một câu nói không chính xác. Bóng đá Hà Lan có truyền thống dân chủ, đôi khi đến mức kỳ quái. Có câu "không tranh cãi, không phải Hà Lan". Thay vì chỉ trích Van Gaal độc đoán, hãy hỏi ông về tinh thần dân chủ, ít nhất là trong bóng đá.

Vào thời John Cruyff, Ajax Amsterdam đoạt cúp C1 châu Âu 3 lần liên tiếp (1971-1973). UEFA trao cúp cho 3 thủ quân khác nhau. Cruyff phải đợi đến lần cuối cùng (1973) mới có vinh dự lãnh cúp trong tư cách thủ quân Ajax. Khi toàn đội tề tựu để chuẩn bị cho mùa kế tiếp, và khi HLV George Knobel đã làm xong những việc cần làm trong cuộc họp đội đầu tiên, ông nói câu cuối, trước khi bước ra khỏi phòng: "Thế nhé. Bây giờ là việc cuối cùng. Các cậu bầu thủ quân đi". Piet Keizer, Barry Hulshoff, Johan Cruyff là 3 cái tên được viết lên bảng. Mỗi cầu thủ viết một cái tên vào mẩu giấy và bỏ vào cái hộp trên bàn. Kết quả: Keizer được chọn. Cruyff bực bội bước thẳng đến chiếc điện thoại, bấm số và nói: "Bố hãy lập tức liên hệ với Barcelona. Con muốn sang đấy".

Là một nhân vật tiêu biểu trong lịch sử bóng đá Hà Lan, Van Gaal luôn tôn trọng ý kiến của người khác. Ông rất dân chủ. Khác biệt chỉ là ở chỗ, ông luôn biết cách làm rõ ai là người quyết định sau cùng mỗi khi có tranh cãi.

Van Gaal chính là một trong những người bỏ phiếu khi ấy (ông là cầu thủ Ajax trong mùa bóng 1972-1973, nhưng không được đá trận nào, sau đó được đưa sang đội khác dưới hình thức cho mượn dù vẫn cứ là cầu thủ của Ajax). Ông hiểu rõ truyền thống bỏ phiếu để chọn thủ quân ở Ajax. Quan trọng hơn, ông hiểu luôn: Cái truyền thống nghe có vẻ thú vị ấy... tai hại như thế nào. Cruyff bỏ đi thật, và Ajax từ đó chìm luôn vào sự tầm thường, suốt hàng chục năm.

Là một nhân vật tiêu biểu trong lịch sử bóng đá Hà Lan, Van Gaal luôn tôn trọng ý kiến của người khác. Ông rất dân chủ. Khác biệt chỉ là ở chỗ, ông luôn biết cách làm rõ ai là người quyết định sau cùng mỗi khi có tranh cãi. Ông từng nói chuyện rất nhiều với tiền vệ "con cưng" Edgar Davids khi anh này bị đuổi khỏi Euro 1996 vì bất đồng quan điểm với HLV Guus Hiddink. Van Gaal dân chủ theo kiểu "tôn trọng thỏa ước lao động" hơn là kiểu dân chủ... từ trong máu của bóng đá Hà Lan. Và Van Gaal vẫn luôn như thế khi ông huấn luyện Ajax, Barcelona, Bayern Munich, M.U...

Bảo Van Gaal độc đoán là sai, bởi người độc đoán thường rất bảo thủ. World Cup 2014, với rất nhiều nét mới về mặt chuyên môn, cho thấy Van Gaal không hề bảo thủ. Ông đã dẫn dắt đội tuyển Hà Lan thành công nhờ chịu khó thay đổi.

* Tấn công hay phòng ngự?

Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn cho rằng trận chung kết năm 1995 là một trong những trận đấu đáng nhớ nhất trong lịch sử Champions League. Nó mở ra một kỷ nguyên mới, không chỉ cho giới chuyên môn về cách chơi, chiến thuật, mà cho cả giới quan sát, về quan điểm, nhận định trong bóng đá - nhất là cái nhìn mới mẻ về các khái niệm tấn công, phòng ngự. Đó là trận đấu giữa Ajax Amsterdam của Van Gaal và AC Milan của HLV Fabio Capello. Van Gaal nói trước trận đấu, khi được hỏi về khác biệt lớn nhất giữa hai đội: "Milan phòng thủ ngay từ phần sân đối phương, còn Ajax tấn công ngay từ sân nhà". Trận đấu quả đã diễn ra đúng như vậy. Nhưng...

Thế nào là tấn công? Đội giữ bóng nhiều hơn là đội tấn công? Bây giờ, ai cũng đã biết tiqui-taca. Khi Barcelona hoặc đội tuyển TBN không ghi bàn, họ trông rất chán. Người xem như bị gây mê bởi những đường chuyền đều và nhạt. Tấn công mãi nhưng không hiệu quả? Kỳ thực, Barcelona và TBN đá như thế trước tiên là để phòng ngự. Khi bóng nằm trong chân họ thì đối phương lấy đâu ra cơ hội ghi bàn? Van Gaal chính là HLV tiên phong trong quan điểm này, hồi đầu thập niên 1990. Khi các cầu thủ Ajax chuyền cho nhau chỉ để giữ bóng ở gần vạch vôi giữa sân, báo giới múa bút: Họ tấn công ngay từ phần sân nhà! Ở trận chung kết Champions League 1995, phải đợi đến gần cuối trận, Patrick Kluivert mới ghi được bàn duy nhất, giúp Ajax đánh bại một Milan được xem là "cửa trên". Ở trận chung kết Champions League ngay trước đó, cũng Milan ấy đã nghiền nát Barcelona 4-0. Nhưng người ta vẫn bảo Milan phòng ngự ngay từ phần sân đối phương. Thế còn Ajax, cũng như những "hình mẫu tấn công" khác, kiểu TBN hoặc đội tuyển BĐN thời Luis Figo? Điểm chung là họ thường ghi bàn rất ít.


Chính những trận hòa 0-0 tại Old Trafford mới là những trận "chuẩn Van Gaal" nhất

Một phần "triết lý tấn công" của Van Gaal là như thế. Ở Premier League hiện thời, có đến 4/5 trận hòa 0-0 của M.U diễn ra tại sân nhà Old Trafford. Trận hòa 0-0 duy nhất của M.U ở Champions League cũng là một trận sân nhà. Thông thường, đội chủ nhà phải là đội tấn công nhiều hơn? Các chuyên gia trong ban kỹ thuật của UEFA nghĩ khác. Họ từng đúc kết: đội chủ nhà là đội chủ động áp đặt cách chơi của mình dễ dàng hơn. Suy ra: chính những trận hòa 0-0 tại Old Trafford mới là những trận "chuẩn Van Gaal" nhất. Sau 20 vòng đấu ở Premier League, M.U ghi 12 bàn tại sân nhà và họ cũng ghi 12 bàn trên sân đối phương. Khác biệt nằm ở số bàn thua: 4 tại sân nhà, 13 trên sân đối phương. Ghi bàn vào lưới đội bóng của Van Gaal luôn là điều cực khó, nhất là khi ông làm chủ nhà, áp đặt được lối đá của mình. Có lần, M.U ghi bàn sau... 44 đường chuyền liên tiếp. Tấn công ư? Chỉ có khoảng 4-5 đường chuyền thẳng về phía trước. Trong khi Van Gaal muốn hướng đến sự an toàn, thiên hạ lại chỉ trích rằng các cầu thủ của ông cứ loay hoay không biết tấn công. Cũng chẳng khác gì chỉ trích Diego Maradona không giỏi đội đầu, trong khi sự thật là Maradona chỉ chơi bóng bằng chân!

* Bóng đá Anh... thấp hơn Van Gaal

Một trong những nhân vật chỉ trích Van Gaal nhiều nhất trong mùa bóng này là cựu tiền vệ M.U Paul Scholes. Anh nói 3 ý. 1/M.U hiện thời không bao giờ là đội M.U mà anh muốn thi đấu. 2/M.U hiện không giống như đội bóng của Alex Ferguson chút nào. 3/Van Gaal không biết huấn luyện cách tấn công, sáng tạo, ghi bàn cho các cầu thủ M.U hiện thời.

Có vẻ không sai. Nhưng những gì Scholes nói lại phản ánh rất đúng một điểm yếu truyền thống của bóng đá Anh: Tư duy chiến thuật không cao. Scholes chỉ muốn đá cho đội M.U thời Ferguson vì thật ra anh chỉ có thể đá trong đội ấy chứ không thể hòa nhập ở một môi trường khác, lối đá khác, HLV khác? Anh chê M.U hiện nay không giống M.U thời Ferguson vì thứ bóng đá đẹp mà anh biết đến chỉ gồm mỗi M.U thời Ferguson? Bóng đá chẳng bao giờ đơn điệu như vậy. Ý cuối cùng mà Scholes nói đến càng "làm rõ" mức độ am hiểu bóng đá của anh. Trên nguyên tắc, người ta chỉ có thể huấn luyện cách phòng thủ sao cho chắc chắn. Hệ thống phòng ngự kín kẽ có thể giúp một đội yếu bảo đảm đứng vững trước mọi đối thủ mạnh, và hệ thống phòng thủ ấy là điều chắc chắn người ta có thể đạt được, thông qua tập luyện. Ngược lại, muốn ghi bàn, tự thân cầu thủ dứt khoát phải có tài năng, phải có khả năng sáng tạo, phải xử lý tốt những tình huống hoàn toàn ngẫu nhiên (và vô cùng). Đấy là những việc Van Gaal - hay bất cứ HLV nào - có thể giúp, chứ không thể huấn luyện.

"Suốt đời tôi chỉ biết đúng sơ đồ 4-4-2. Cứ như đá bóng nghĩa là đá theo sơ đồ 4-4-2. Tôi không bao giờ suy nghĩ về sơ đồ ấy, không thắc mắc tại sao, càng không bao giờ liên tưởng đến sơ đồ khác, cách đá khác". Cựu danh thủ Anh, David Platt.

Hồi M.U còn đình đám, bóng đá Anh thường chỉ ra sân với sơ đồ chiến thuật 4-4-2. Cựu danh thủ David Platt, khi đi học làm HLV, mới vỡ lẽ: "Suốt đời tôi chỉ biết đúng sơ đồ 4-4-2. Cứ như đá bóng nghĩa là đá theo sơ đồ 4-4-2. Tôi không bao giờ suy nghĩ về sơ đồ ấy, không thắc mắc tại sao, càng không bao giờ liên tưởng đến sơ đồ khác, cách đá khác". Câu chuyện sẽ không đến mức "nghiêm trọng" nếu Platt không nói thêm một câu mang tính nhấn mạnh: "Người Anh là như vậy. Bóng đá Anh đều như vậy, ít ra là trong thế hệ của tôi". Hoàn cảnh câu nói? Platt trả lời phỏng vấn trong một cuốn sách mà cây bút nổi tiếng Gabriele Marcotti và cựu danh thủ Gianluca Vialli là đồng tác giả, ở phần nói về "tư duy chiến thuật". Chỉ đến khi đi học làm HLV, Platt mới biết cái lỗ hổng khổng lồ ấy, của "bóng đá Anh" chứ không phải chỉ của mình!

Tất nhiên, Premier League bây giờ gồm toàn cầu thủ nước ngoài. Đa số HLV cũng là người nước ngoài. Nhưng họ đâu có quyết định cách thưởng thức bóng đá của dân Anh! Ngược lại, khi đến Premier League thì các cầu thủ nước ngoài phải tự điều chỉnh, phải đá theo cái hay trong nhãn quan của người Anh. Bóng đá luôn thay đổi, nhưng khán giả thì không thay đổi. Đấy là nguyên nhân vì sao rút cuộc thì Premier League nói chung cũng như M.U nói riêng vẫn không bao giờ thoát được nhược điểm cố hữu là tư duy chiến thuật không cao. Người ta vẫn cứ nói thánh, nói tướng (không phải tất cả, dĩ nhiên). Giống Scholes, đồng đội cũ của anh là Gary Neville cũng nói rất nhiều về cách huấn luyện "tồi tệ" của Van Gaal. Mới đây, anh bất ngờ được mời sang TBN huấn luyện Valencia. Kết quả ban đầu: toàn hòa và thua!

Nói vậy không phải để dè bỉu Scholes hoặc Neville. Vấn đề là Van Gaal không dễ huấn luyện thành công trong một môi trường bóng đá mà tư duy chiến thuật không cao. Cách huấn luyện của ông chú trọng việc khai thác khoảng trống, phối hợp nhóm, vận hành đồng bộ. Khi đội bóng của ông thành công thì đấy là thành công của toàn đội, chứ không phải của cá nhân nào. Van Gaal không thuộc mẫu HLV xây dựng đội bóng xung quanh một cá nhân nổi trội, trông chờ vào khoảnh khắc lóe sáng của cá nhân. Chưa kể, khi thành công ở mức độ cao thì đội bóng của Van Gaal còn mang hơi hướng nghệ thuật nữa. Và đấy dĩ nhiên phải là "nghệ thuật Hà Lan". Khán giả và báo chí Anh có đồng cảm với cái hay "kiểu Hà Lan" hay không, cũng rất khó nói.

* Nhược điểm của những "nhà cách mạng"

Anh hào đến rồi lại đi, thời nào cũng có, và không chỉ trong bóng đá. Ngay cả Di Matteo dù chỉ là HLV "chữa cháy" cũng đã vô địch Champions League. Nổi tiếng hơn, như Ottmar Hitzfeld hoặc Carlo Ancelotti, thì vô địch nhiều lần, ở những đội bóng khác nhau. Hẳn nhiên, họ đều rất giỏi. Nhưng họ không phải là những "nhà cách mạng" trong bóng đá. Giới bóng đá chỉ xem mẫu HLV như Van Gaal hoặc Jose Mourinho là "nhà cách mạng", vì họ có quan điểm riêng, đường hướng riêng, mà trước đó hầu như chưa hề xuất hiện. Bi kịch của những "nhà cách mạng" là họ chỉ cách tân được một lần, rồi từ đó bám mãi vào con đường thành công của mình. Những gì mới mẻ, siêu việt mà họ nghĩ ra, dần dần sẽ trở nên cũ kỹ, để rồi chính họ bị chôn vùi bởi quan điểm mang tính cách mạng ngày xưa của mình. Đi vào chi tiết cụ thể thì dĩ nhiên là không tuyệt đối như vậy, nhưng tổng quát vẫn thế. Arsene Wenger hoặc Rafael Benitez là những trường hợp tương tự. Họ chỉ ngày càng thụt lùi, lạc hậu sau thành công vang dội lúc ban đầu.

Van Gaal là người vĩ đại trong thế hệ HLV "già" gồm những Hiddink, Capello, Scolari... Cái dở của ông là không biết dừng lại đúng lúc như HLV vĩ đại của Man United, Alex Ferguson.

Nhìn lại các HLV lão làng gần đây như Guus Hiddink, Felipe Scolari, Fabio Capello..., chúng ta thấy ngay. Họ đã lạc hậu, nhưng họ không đủ quyết đoán để rút lui trong vinh quang như Alex Ferguson. Nhìn vào họ, chúng ta có thể hình dung tương lai trước mắt Van Gaal? Ông rất giỏi, nhưng cái giỏi của ông không còn hợp thời?

Thật ra, Van Gaal có vài nét riêng quan trọng, làm ông khác hẳn thế hệ "HLV già". Van Gaal là người dám thay đổi, dám làm những điều mà số đông cho là không thể tưởng tượng. Cách chơi với 3 trung vệ mà Van Gaal sử dụng tại World Cup 2014 là một dẫn chứng rõ ràng. Hà Lan có thể thắng hoặc thua, xuất sắc hoặc tồi tệ, tùy lúc. Nhưng Hà Lan trước đó chưa bao giờ chơi như cách chơi của Van Gaal tại World Cup 2014 - một kỳ World Cup thành công ngoài mong đợi của họ. Cũng tại World Cup 2014, Van Gaal còn thay thủ môn trước khi đá 11m luân lưu, nghĩa là ông đã chuẩn bị cho màn "đấu súng". Johan Cruyff nhiều lần bình luận: Đá luân lưu 11m là điều không thể tập, không có gì để chuẩn bị. Mà ở Hà Lan, Cruyff nói gì người ta cũng nghe - trừ Van Gaal!

Lần đầu Van Gaal huấn luyện đội tuyển Hà Lan là năm 2000, thay chỗ Frank Rijkaard. Ở trận cuối cùng dưới thời Rijkaard, Hà Lan thua Italia ở vòng bán kết Euro 2000, ngay tại sân nhà. Thua như thế nào? Họ sút 6 quả 11m (cả trong trận đấu lẫn trong loạt sút luân lưu) mà chỉ vào đúng 1 quả! Van Gaal sau này phải chuẩn bị kỹ cho màn "đấu súng" (nghĩa là đi ngược với suy nghĩ chung của người Hà Lan) vì ấn tượng khó phai ấy? Cách chơi "kỳ lạ" mà ông áp dụng tại World Cup 2014 thật ra cũng là chuyện chẳng đặng đừng. Toàn bộ kế hoạch phá sản khi chìa khóa trong lối chơi là tiền vệ Kevin Strootman chấn thương không thể dự giải, buộc Van Gaal phải có những thay đổi lớn. Hoàn cảnh M.U không phải như thế, nên Van Gaal luôn tỏ ra miễn cưỡng trước những thay đổi vừa nhỏ, vừa ít?

Vào năm 1992, Ajax Amsterdam bị PSV Eindhoven bỏ xa trong bảng xếp hạng giải VĐQG và Van Gaal chuẩn bị kết thúc mùa bóng với kết cục bị sa thải. Nhưng ông kịp thời đoạt cúp UEFA và được giữ lại. Từ đó mở ra một chương "hoành tráng", với chức vô địch Champions League 1995 cho Ajax và danh hiệu HLV số 1 thế giới cho Van Gaal. Bây giờ, M.U có kiên nhẫn giúp Van Gaal... qua cơn như thế?

Tân Gia
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm