Brexit ảnh hưởng thế nào tới thể thao Anh?

24/06/2016 15:29 GMT+7 | Bóng đá Anh

(Thethaovanhoa.vn)- Mọi lĩnh vực của đời sống tại Anh sẽ bị ảnh hưởng sau khi cử tri nước này đã bỏ phiếu nhất trí rời Liên minh châu Âu (EU), và thể thao không là ngoại lệ.

Nguyên tắc tự do di chuyển cho phép các VĐV thể thao từ EU được thi đấu ở Anh mà không cần giấy phép lao động như phần lớn các công dân không phải EU. Điều này đặc biệt quan trọng với bóng đá Anh. Theo tiêu chuẩn về các cầu thủ không phải EU của Bộ Nội vụ Anh hiện giờ, đòi hỏi một tỉ lệ nhất định số lần chơi ở ĐTQG, hơn 100 cầu thủ đang đá ở Premier League sẽ không được cấp giấy phép.

Danh sách bao gồm cả những ngôi sao lớn như Dimitri Payet, N’Golo Kante và Anthony Martial, cả 3 đều chưa phải là các tuyển thủ thường xuyên ở tuyển Pháp khi gia nhập Premier League mùa Hè năm ngoái. Các cầu thủ Nam Mỹ như Diego Costa và Philippe Coutinho cũng sẽ không được cấp giấy phép lao động chỉ vì họ có quốc tịch EU.

Trước khi cuộc bỏ phiếu có kết quả, Jonathan Barnett, một người môi giới cầu thủ hàng đầu ở Anh, đã nói Brexit sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho khả năng cạnh tranh của Premier League. “Nếu chúng ta muốn có giải đấu hay nhất trên thế giới thì điều quan trọng là phải ở lại EU”, Barnett nói. Không có gì ngạc nhiên khi giám đốc điều hành giải đấu, Richard Scudamore, và toàn bộ 20 CLB đều ủng hộ việc ở lại.


Tương lai những cầu thủ như Payet sẽ bị tác động lớn bởi việc Anh rời EU

Tuy nhiên, giống như phần lớn những vấn đề khác liên quan tới Brexit, cho tới giờ vẫn chưa ai dám chắc mọi việc sẽ đi tới đâu. “Tất cả các cơ quan thể thao sẽ phải ngồi lại với nhau, xem xét lại các luật lệ và quyết định xem họ sẽ xử lý những gì liên quan tới các VĐV quốc tịch EU thế nào, lấy ví dụ là cho họ quy chế ưu đãi, hay sửa luật, hay ban hành luật mới?” Maria Patsalos, thuộc công ty luật Mishcon de Reya, nói. “Nhưng nhiều khả năng các cầu thủ EU sẽ không còn nhiều sự tự do như trước nữa”.

Trong kịch bản đó, các CLB Premier League sẽ phải móc hầu bao ra nhiều hơn, theo nhận định của tiến sĩ Babatunde Buraimo, giảng viên cấp cao về kinh tế học thể thao ở Đại học Liverpool. “Các đội bóng sẽ bị hạn chế trong việc chỉ có thể mua các cầu thủ ở trên đỉnh, những tuyển thủ quốc gia lâu năm của các nước hàng đầu trên bảng xếp hạng FIFA (để xin được giấy phép lao động)”, ông nói. “Điều đó đồng nghĩa giá chuyển nhượng và lương cho họ cũng sẽ tăng vọt. Trong khi đó, Anh sẽ bỏ lỡ những tài năng mới nổi không thể xin được giấy phép lao động, như Kante”.

Nhưng theo lời Patsalos, cũng khó có khả năng các cầu thủ hay VĐV hiện đang thi đấu ở Anh bị buộc phải rời khỏi nước này. “Xét lịch sử thì Bộ Nội vụ nói chung không áp dụng luật mới cho những chuyện đã xảy ra,” Patsalos nói.

Anh rời châu Âu, Premier League có nguy cơ trở thành 'giải làng'

Anh rời châu Âu, Premier League có nguy cơ trở thành 'giải làng'

Khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Premier League, vốn đã được hưởng lợi rất nhiều từ sự hội nhập và quá trình toàn cầu hóa, sẽ rơi vào tình trạng tệ hại.


Cũng có những người tin rằng rời EU sẽ giúp bóng đá Anh phát triển hơn do các tài năng nội địa không phải cạnh tranh với những siêu sao nước ngoài ở Premier League. LĐBĐ Anh FA từ lâu đã muốn áp đặt hạn ngạch cầu thủ ngoại, nhưng họ không thể làm thế vì luật EU. “Còn chưa rõ liệu họ có thể làm thế ở Premier League hay không, nhưng không có lý do gì sau Brexit họ lại không thể áp đặt hạn chế đó ở những giải do họ kiểm soát, như Cúp FA”, Daniel Geey, chủ công ty luật thể thao Sheridans, nói.

Và không chỉ có bóng đá bị ảnh hưởng. Theo thỏa thuận Cotonou và phán quyết Kolpak năm 2003, các VĐV thể thao từ châu Phi, Caribe và các nước Thái Bình Dương cũng có quyền như các VĐV EU ở Anh. Điều này đặc biệt được áp dụng cho các môn cricket và bóng bầu dục Anh, nơi nhiều ngôi sao Nam Phi, Caribe và Thái Bình Dương đang chơi ở các giải quốc nội của Anh.

Một số VĐV đó còn khoác cả áo ĐT Anh. Trong 11 năm từ 2004 tới 2015, qua 139 giải cricket lớn Test, tuyển Anh đã dùng các cầu thủ sinh ở Nam Phi như Andrew Strauss và Kevin Pietersen. ĐT bóng bầu dục Anh thì ngày càng dựa nhiều vào những cầu thủ sinh ở nước ngoài, từ Mike Catt (Nam Phi) tới Manu Tuilagi (Samoa).

Rời EU đồng nghĩa với việc vô hiệu hóa thỏa thuận Kolpak và bít cửa các cầu thủ ngoại đó. Một lần nữa, những người ủng hộ Brexit lại có thể nói điều đó tạo ra cơ hội cho tài năng bản địa, nhưng Christian Abt, giám đốc ở tập đoàn quản trị thể thao Essentially, tin rằng sự có mặt của các VĐV ngoại đã khiến thể thao Anh mạnh lên, chứ không phải là yếu đi.

Brexit cũng sẽ ảnh hưởng tới vị thế của London, vốn trước giờ tự nhận là kinh đô thể thao của thế giới.

4 cầu thủ không đủ chuẩn đá ở Premier League lúc họ mới tới Anh theo luật cho cầu thủ ngoài EU

Cristiano Ronaldo

Được đưa về cùng Eric Djemba-Djemba, David Bellion và Kleberson mùa Hè 2003, Ronaldo mới đá 1 trận cho ĐT BĐN lúc anh tới Man United, năm 18 tuổi.

Thierry Henry

Dù Henry đã được gọi lên tuyển Pháp lúc anh tới Arsenal từ Juventus năm 1999, anh chơi chưa đủ số trận để xin giấy phép lao động.

David Ginola

Không có quan hệ tốt với ĐTQG, tài năng lãng tử này không đủ tiêu chuẩn đá ở Premier League.

Dimitri Payet

Ví dụ mới nhất, tiền vệ người Pháp đang tỏa sáng tại Euro.


T.T

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm