Arsenal bết bát: Vấn đề không phải vì thiếu thủ lĩnh

03/03/2016 04:47 GMT+7 | Arsenal

(Thethaovanhoa.vn) - Sau trận thua đáng thất vọng 2-3 dưới tay Man United ở Old Trafford, những chỉ trích lại rộ lên nhắm vào HLV Arsenal Arsene Wenger.

Phổ biến nhất là nhận xét cho rằng Pháo thủ hiện thiếu một thủ lĩnh trong phòng thay đồ. “Thất bại lớn của Arsenal trong những năm gần đây là không đầu tư vào những thủ lĩnh”, cựu trung vệ Man United Rio Ferdinand nói. “Những người biết chỉ huy và chịu trách nhiệm”. Nhưng không chỉ có đối thủ, những người cũ của Arsenal như Ray Parlour hay Tony Adams cũng lên tiếng đồng tình.

Đội bóng lớn cần cá tính lớn?

“Bóng đá ngày nay thiếu cá tính của 20-30 năm về trước”, một HLV Arsenal từng viết. “Tôi hiểu rõ những cầu thủ cũ có thể chơi can đảm và máu lửa ra sao”. Điều sẽ làm bạn ngạc nhiên là đó không phải nhận xét của Wenger vào năm 2016, mà là của HLV huyền thoại Herbert Chapman vào năm… 1934, tức là hơn 80 năm trước, điều mà ngày nay hóa ra vẫn đúng ở Emirates.

Adams chẳng hạn, là một đội trưởng mẫu mực, một trung vệ luôn cho thấy bản lĩnh không thể lay chuyển trên sân, là người mà cả đội bóng có thể trông cậy vào. Người thay thế anh, Patrick Vieira, thậm chí còn hơn thế. Tuy nhiên, nhiều người quên mất rằng chính Vieira nói anh “không chắc lắm” lúc được Wenger yêu cầu đảm nhiệm băng thủ quân sau khi Adams giải nghệ. Càng thú vị hơn khi nghe nhận xét của Jens Lehmann về Vieira trong cuốn sách của Amy Lawrence về mùa giải bất bại 2003-04 của Pháo thủ: “Patrick hơi hiền lành, và cậu ấy là người tử tế, nhưng tử tế đôi khi chẳng ích gì”.

Thế nhưng, Arsenal đã vô địch Anh mùa đó với thành tích bất bại, dù không có một đội trưởng “thủ lĩnh, bản lĩnh, đầu lĩnh” kiểu truyền thống. Những cầu thủ giỏi nhất của Arsenal lúc bấy giờ, Thierry Henry, Sol Campbell, Robert Pires, Ashley Cole, Gilberto Silva… chắc chắn không phải là kiểu cá tính dữ dội như mong đợi của Chapman (Lehmann là người gần nhất với điều đó).

Không nhất thiết…

Càng đáng nói hơn, Arsenal 2016 không cạnh tranh với Arsenal 1998 hay 2004, họ đang cạnh tranh với những Leicester và Tottenham của thời điểm hiện tại. Ai là thủ lĩnh của Leicester? Robert Huth ư? Thì hơn gì Per Mertesacker? Wes Morgan ư? Không thể qua được Mikel Arteta. Kasper Schmeichel là một thủ môn to tiếng, nhưng lẽ nào lại là một thủ lĩnh lớn hơn Petr Cech? Leicester thật ra có lẽ đã mất người gần nhất với một thủ lĩnh của họ, Esteban Cambiasso, từ mùa Hè trước.

Tương tự, Tottenham không sở hữu một cá tính lớn đặc biệt nào. Họ có một đội hình trẻ trung, tổ chức tốt và đầy tự tin, đơn giản như thế. Một lần nữa, những thủ môn và trung vệ là các ứng viên đầu tiên, và Spurs chẳng có Tony Adams hay David Seaman nào ở những vị trí đó. Hugo Lloris, Jan Vertonghen và Toby Alderweireld là những cầu thủ giỏi, nhưng không phải là kiểu băm chặt hùng hổ trên sân.

Nếu những Eric Dier, Dele Alli và Harry Kane được coi là thủ lĩnh, thì phải giải thích sao đây với Alexis Sanchez, Mesut Oezil và Santi Cazorla ở Emirates? Vì thế, quan điểm cho rằng những đội bóng thành công cần một thủ lĩnh đích thực chỉ là ảo giác.

Ảo giác đó dai dẳng ở Anh một phần vì nền văn hóa bóng đá bị ám ảnh bởi những phẩm chất nhiều định kiến của quá khứ bảo thủ: sức mạnh, cả cơ bắp và tinh thần; sự quyết liệt luôn luôn; và thứ bóng đá hùng hổ không biết mệt.

Tất nhiên, Premier League giờ không còn chơi bóng như thế nữa, và hệ quả dễ hiểu là các đội dẫn đầu giải đấu thật ra đều không có những thủ lĩnh rõ ràng. Chelsea là một tập hợp lính đánh thuê rời rạc đang cố lấy lại tinh thần. Man City cũng như thế, chỉ là xếp ở thứ hạng cao hơn. Man United ư? Wayne Rooney là một thủ lĩnh thế nào so với Roy Keane hay Nemanja Vidic?

Rốt cuộc, nếu Pháo thủ thất bại trong cuộc đua vô địch, và Leicester, Tottenham hay Man City đăng quang, thì đó không phải là vấn đề thủ lĩnh. Đó đơn giản là vấn đề đội nào mạnh hơn.

7 Kể từ sau khi Adams giải nghệ (2002), Arsenal đã có 7 thủ quân khác nhau, và 6 trong số đó bị bán đi, chỉ trừ Arteta, người đang đeo băng đội trưởng.

8 Số trận ra sân của đội trưởng Arteta cho Arsenal ở Premier League mùa này, sau 28 vòng đấu, chỉ hơn đúng 3 người: Welbeck (chấn thương dài hạn), Iwobi, và El Nenny.

1 Đây là mùa giải đầu tiên Lloris, một thủ môn người Pháp, được trao băng đội trưởng Tottenham.


Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm