3 lý do M.U nên chia tay Mourinho

29/08/2018 06:25 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - M.U đã thua 2/3 trận khởi đầu Premier League 2018-19. Có lẽ, đã đến lúc Quỷ đỏ tìm người dẫn dắt mới. Jose Mourinho không phải người đủ khả năng để đưa đội chủ sân Old Trafford trở lại thời hoàng kim.

M.U 0-3 Tottenham: Hàng thủ mơ ngủ, M.U bị nhấn chìm trong 2 phút, Mourinho lâm nguy

M.U 0-3 Tottenham: Hàng thủ mơ ngủ, M.U bị nhấn chìm trong 2 phút, Mourinho lâm nguy

Bàn thắng của Harry Kane và cú đúp của Lucas Moura đã giúp Tottenham đánh sập Old Trafford của M.U. Trận thua thứ 2 liên tiếp của Quỷ đỏ khiến tất cả phải đặt câu hỏi về tương lai của Jose Mourinho.

Dưới đây là ba lý do M.U nên chia tay Mourinho, theo trang Sportskeeda.

Triết lý của Mourinho đã lạc hậu

Lịch sử bóng đá thế giới sẽ luôn ghi nhớ Jose Mourinho là một trong những HLV xuất sắc nhất mọi thời đại. Tài năng của ông đã giúp FC Porto đăng quang tại Champions League năm 2004, một chiến tích rất lâu nữa đội bóng Bồ Đào Nha mới có thể tái hiện được.

Không những thế, Mourinho còn góp công lớn biến đổi Chelsea từ đội bóng hạng khá của Premier League trở thành ông lớn bóng đá thế giới. Trong phòng truyền thống của đội bóng London, “Người đặc biệt” luôn có một vị trí đặc biệt, không thể thay thế. Chưa kể, Mourinho từng giành cú ăn 3 lịch sử với Inter Milan năm 2010. Điều đáng nói, Inter Milan là đội bóng Italy đầu tiên làm được điều này.

Trong toàn bộ sự nghiệp huấn luyện của mình cho tới nay, Mourinho sở hữu 25 danh hiệu danh giá, trong đó có 8 chức vô địch quốc nội tại 4 quốc gia khác nhau. “Người đặc biệt” từng có “cú chạm Midas” bất kỳ nơi nào ông tới. Thế nhưng, mọi thứ hiện tại rất khác với Mourinho.

Trong suốt 5 mùa giải qua, nếu như Pep Guardiola và Unai Emery giành được 10 danh hiệu, Luis Enrique và Zinedine Zidane có 9, Carlo Ancelotti sở hữu 8 còn Antonio Conte là 6 thì Mourinho chỉ có 5 chức vô địch. Ở bất kỳ đội bóng nào, Mourinho cũng sở hữu những cầu thủ đắt giá nhưng triết lý bóng đá của ông không còn phù hợp. Phong cách dẫn dắt dần xuất hiện nhiều điểm tiêu cực. Có thể nói, danh tiếng “Người đặc biệt” chỉ còn trong quá khứ.

Tránh bị Man City tạo khoảng cách quá xa

Năm 2011, HLV Sir Alex Ferguson từng nói Man City chỉ là “những gã hàng xóm ồn ào”. Thậm chí, ông từng khẳng định nửa xanh Manchester sẽ chẳng thể giành được chức vô địch Premier League trong thời gian ông còn làm việc. Thế nhưng, chỉ một năm sau, Man City đã đăng quang tại giải đấu cao nhất nước Anh bằng trận đấu kịch tính được kết thúc bởi bàn thắng của Sergio Aguero.

Xét về yếu tố truyền thống và lịch sử, Man City quả thực không thể so sánh với M.U. Tuy nhiên, với sự đầu tư của ông chủ dầu mỏ, nửa xanh thành Manchester hiện giờ là một thế lực không thể xem thường. Hơn nữa, họ còn đang được dẫn dắt bởi HLV đại tài Pep Guardiola. Bộ óc chiến thuật không thể lường trước được của HLV Tây Ban Nha phần nào đã giúp khoảng cách đẳng cấp của hai đội bóng được thu hẹp lại. Như đã nói ở trên, cùng quãng thời gian 5 mùa giải, Pep Guardiola giành được số danh hiệu gấp đôi Jose Mourinho. Điều đó cho thấy, Mourinho không đủ sức để duy trì tầm ảnh hưởng của M.U trước Man City.

Ngoài ra, cũng phải nhắc tới sau thời Sir Alex, M.U chưa có được HLV nào xứng tầm và đủ khả năng cạnh tranh với Pep Guardiola. Mùa trước, Man City vô địch Premier League và tạo ra khoảng cách tới 19 điểm với “Quỷ đỏ” khi kết thúc mùa giải. Vì thế, muốn Manchester là màu đỏ, đội chủ sân Old Trafford cần tìm vị thuyền trưởng tài năng hơn.

Mớ hỗn loạn phòng thay đồ

Điểm chung khi Mourinho rời Real Madrid và Chelsea (nhiệm kỳ 2) đó là những hỗn loạn trong phòng thay đồ. Tại Bernabeu, HLV người Bồ Đào Nha công khai loại bỏ và chỉ trích các công thần đội bóng như Sergio Ramos, Iker Casillas và Cristiano Ronaldo. Điều này khiến Real Madrid trong mùa giải cuối cùng của Jose Mourinho bị chia thành hai phe đối lập.

Tình hình cũng không hề khác tại Chelsea mùa giải 2015-16. Sau khi giành ngôi vị quán quân Premier League 2014-15, mối quan hệ giữa Mourinho và các cầu thủ quan trọng nhanh chóng rạn nứt. Đây được coi là yếu tố khiến toàn đội Chelsea thi đấu sa sút ở thời điểm đó. Cuối cùng, Mourinho rời Stamford Bridge với cảm giác “bị phản bội”.

Tại M.U lúc nãy cũng bắt đầu có những dấu hiệu tương tự như thời Mourinho ở Real Madrid và Chelsea. Những xung đột giữa Mourinho với lãnh đạo đội bóng và cả cầu thủ liên tục xuất hiện. Trong kỳ chuyển nhượng vừa qua, Mourinho yêu cầu bổ sung sức mạnh cho hàng phòng ngự và đẩy một số không cầu thủ không phù hợp với triết lý của mình như Anthony Martial. Tuy nhiên, Ed Woodard không đồng ý nguyện vọng của Mourinho.

Chưa dừng lại ở đó, chiến thuật thi đấu của Mourinho còn tạo ra xung đột với Paul Pogba. Tại World Cup 2018, người ta chứng kiến Pogba thi đấu xuất sắc và trưởng thành. Thế nhưng khi trở về Old Trafford, Pogba như một đứa trẻ hờn dỗi với chính người thầy của mình. Hơn thế, tin đồn cầu thủ người Pháp muốn ra đi còn liên tục xuất hiện.

Bóng đá là môn thể thao của tập thể. Không đội bóng nào có thể thành công với đội ngũ bị chia rẻ. Vai trò của HLV không chỉ đơn giản là đưa ra chiến thuật, dẫn dắt các cầu thủ bằng nghiệp vụ mà họ còn phải là người kết nối mọi người, tạo nên nền tảng tinh thần vững chãi. Jose Mourinho không phải người có khả năng ở thời điểm hiện tại.

Quý Dậu

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm