(TT&VH) - Chiều 22/11, ăn tạm một tô mì sau khi vừa đáp máy bay từ TP.HCM tới Hà Nội, Ánh Tuyết bắt đầu tập luyện cùng hợp xướng để chuẩn bị cho live show Ánh Tuyết hát (diễn ra tối 27 - 28/11 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội). Như vậy là sau thất bại của 2 đêm nhạc năm ngoái tại Hà Nội, Ánh Tuyết vẫn quyết tâm chinh phục thị trường này.
Đây không phải lần đầu tiên Ánh Tuyết làm show ở Hà Nội. Năm 2001, thời điểm sau sự kiện 11/ 9 ở Mỹ, giới bầu show Hà Nội im hơi lặng tiếng, còn công chúng thì bị thu hút bởi một sự kiện chính trị lớn. Thế mà Ánh Tuyết ngẫu hứng quyết định dẫn đoàn hợp xướng 36 người ra Hà Nội. “Hồi đó, ở Hà Nội, ca khúc Hội trùng dương còn chưa được nhiều người biết tới... Màn giao lưu là tình huống tôi nhớ mãi. Một bà giơ tay: Cho tôi phát biểu, tôi đã “phục kích” cô này 10 năm rồi... Tôi biết, người phụ nữ ấy nói thật. Thế nên, tôi có cảm giác thôi thúc đến với Hà Nội cũng không phải là điều lạ. Mỗi lần ra đây, tôi biết không phải “xứ” của mình nên nhiều khó khăn, nhiều cái phải đong đếm, nhưng tính tôi thích là làm không phải đong đếm” - Ánh Tuyết kể.“Mối lương duyên” với nhạc Văn Cao Ánh Tuyết cũng là ca sĩ có nhiều duyên nợ với các nhạc sĩ Hà Nội, đặc biệt là Văn Cao, bởi âm nhạc của ông đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của Ánh Tuyết với dòng nhạc trữ tình. Live show này dự định mở màn vào ngày 15/11 vừa qua (ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao và ngày mất của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn), nhưng vì nhiều lý do khách quan không thể tiến hành vào ngày 15 mà chỉ tiến hành được trong tháng 11. Ánh Tuyết nhớ lại, mấy năm trước, đúng ngày kỷ niệm sinh nhật nhạc sĩ Văn Cao, trước giờ khai màn live show, tin nhạc sĩ Đoàn Chuẩn qua đời khiến chị choáng váng... Xuất thân từ Đoàn ca múa Quảng Nam - Đà Nẵng, năm 1980 Ánh Tuyết ra học thanh nhạc tại Nhạc viện Huế, nhưng sau khi tốt nghiệp lại về công tác tại Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng (Nha Trang). Khoảng đầu thập niên 1990 Ánh Tuyết vào TP.HCM. Năm 1993 có thể nói là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời ca hát của Ánh Tuyết, lần đó Ánh Tuyết hát trong chương trình nhạc Văn Cao do nhóm nhạc sĩ Những người bạn và Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM tổ chức tại Quán Nhạc sĩ với sự có mặt của nhạc sĩ Văn Cao. Cùng biểu diễn có những “sao” thời bấy giờ như Thanh Lan, Hồng Nhung... Nhưng phần trình diễn của Ánh Tuyết đã gây xúc động lớn cho người nghe, đặc biệt Văn Cao đã rất vui và dành cho Ánh Tuyết những lời khen... “lịch sử”, ông đã nói: “Đầu đời, nhạc Văn Cao có Kim Tiêu... nhưng lại bị “tiêu” quá sớm. Không ngờ cuối đời nhạc Văn Cao lại có Ánh Tuyết”. Ánh Tuyết với chất giọng sáng, thánh thót nhưng rất mượt mà, tình cảm, giọng hát nhiều kỹ thuật nhưng cũng rất nhiều cảm xúc sâu lắng, thể hiện rất hiệu quả những ca khúc trữ tình. Sau lời khen của nhạc sĩ Văn Cao, cái tên Ánh Tuyết đồng loạt xuất hiện với tần số “đậm đặc” trên các phương tiện truyền thông, Ánh Tuyết được xem như sự phát hiện về một giọng ca nhạc trữ tình, đặc biệt là những ca khúc của Văn Cao. Một thời gian sau, Ánh Tuyết mở phòng trà ATB, chuyên trình diễn những bản nhạc “trữ tình, tiền chiến” và xây dựng cho mình một hình ảnh ca sĩ sang trọng, lịch lãm, biểu diễn rất hiệu quả những ca khúc nhạc xưa. ATB đã trở thành một thương hiệu, là nơi dành cho những người yêu thích nhạc trữ tình tại TP.HCM. Phòng trà ATB cũng là nơi tổ chức những chương trình chủ đề về tác phẩm - tác giả đầu tiên tại TP.HCM. “Bão táp” năm ngoái không làm nản chí
- Live show sẽ có sự dự khán của nhạc sĩ Hoàng Giác, ông Đoàn Đính (con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn), bà Thúy Băng (vợ của nhạc sĩ Văn Cao). Việc giao lưu với các nhạc sĩ hoặc người thân của nhạc sĩ không nằm trong kịch bản mà dành cho sự... ngẫu hứng.
- CD Tình phụ của Ánh Tuyết gồm 13 ca khúc, trong đó có ca khúc Bến xưa tình sầu phổ thơ do chính ca sĩ sáng tác, sẽ được gửi tặng tới 300 khán giả mua vé sớm nhất. |
Năm 2009, bà chủ phòng trà ATB đã... thất bại ở thị trường ca nhạc Hà Nội. Chị thừa nhận, cũng tại chị... “lên cơn”. Đó là những ngày Hà Nội rét đậm và người Hà Nội còn bận... ăn Tết muộn. Hai đêm nhạc của Ánh Tuyết đã phải kết thúc sớm vì vắng khách. Ánh Tuyết chia sẻ: “Đúng là tôi thua vì chọn sai thời điểm. Dọc đường từ sân bay Nội Bài về nội thành, đường sá vắng tanh vắng ngắt. Tôi đã biết, thế là hỏng việc rồi. Nhiều người bạn nghe nói tôi làm live show ở Hà Nội sau Tết đã khuyên tôi dừng lại. Nhưng tính tôi là vậy, đã thích thì không ai ngăn được... Chuyến lưu diễn kéo dài 12 ngày đó quả là bão táp. Ngay sau đêm diễn ở Hà Nội, 12h đêm, đoàn thuê xe lên đường vào Huế. Liên tục diễn đi và ngủ trên đường, qua Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, rồi về tới Sài Gòn... Nếu tính riêng chương trình ở Hà Nội thì lỗ to, may các chương trình ở tỉnh bù lại được...”. Hơn 1 năm sau “chuyến đi bão táp” ấy, Ánh Tuyết trở lại Hà Nội. Đúng thời điểm này, hàng loạt live show: Yêu của Thanh Lam - Tùng Dương, Quyền Văn Minh và Jazz, rồi cả chương trình của ca sĩ hải ngoại Thanh Tuyền... được tổ chức. Nhưng Ánh Tuyết tin, chị vẫn có khán giả của riêng mình và quan trọng hơn, chị được hát!
Ra sân khấu phải biết “thôi miên” khán giả
Lần này tổ chức live show tại Hà Nội, với chủ đề Ánh Tuyết hát. 17 ca khúc được chính Ánh Tuyết lựa chọn trong số những tác phẩm của các nhạc sĩ Hoàng Giác, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Văn Cao, Trịnh Công Sơn và Phạm Duy. Ánh Tuyết cho biết, thiết kế sân khấu khá đơn giản, phần minh họa múa (3 tiết mục) cũng chỉ để cho có màu sắc. Cái chính là tập trung vào sự thể hiện của giọng hát Ánh Tuyết. Bởi theo chị, ca sĩ khi ra sân khấu, phải biết “thôi miên” khán giả.
Mỗi mảng tác phẩm của tác giả trong chương trình đều có tiết mục hợp xướng. Đây là điểm khá đặc biệt đối với live show ca sĩ hiện nay. Ánh Tuyết cho biết: Hợp xướng là để toát lên tinh thần tác phẩm của tác giả, giúp cho khán giả cảm nhận được đúng tình cảm của tác phẩm và làm cho chương trình đầy đặn hơn”. |
Bình Minh - Thu Hằng