Góc Anh Ngọc: Trận chung kết của hai Giáo hoàng

11/07/2014 19:05 GMT+7 | Ký sự World Cup

(Thethaovanhoa.vn) - Đức-Argentina ở Vatican trong một trận derby Giáo hoàng. Benedict XVI chống lại Francis I, Giáo hoàng từ nhiệm chống lại Giáo hoàng đương kim. Hai cổ động viên bóng đá đích thực nhưng khác nhau về tính cách và niềm đam mê trái bóng tròn. Đức cha Ratzinger, tên thật của Benedict XVI yêu bóng đá, nhưng theo dõi theo cách của riêng mình, hơi xa cách, dù chưa bao giờ hết quan tâm. Đức cha Bergoglio, tên thật của Francis I, một người Argentina gốc Ý, lại yêu theo cách khác, mạnh mẽ hơn, cuồng nhiệt hơn, và khác với sự lạnh lùng của Đức cha Ratzinger, “nóng bỏng” hơn. Một cái nhìn khác của tôi về trận chung kết Đức-Argentina.

Các cổ động viên trong áo Giáo hoàng

Mặc kệ thiên hạ bàn tán về trận Đức-Argentina theo khía cạnh chuyên môn, ca ngợi những Mueller, Klose hay Romero, đồng thời đặt ra câu hỏi, đây có phải World Cup của Messi, người đang theo chân Maradona huyền thoại đi vào lịch sử hay không. Mặc kệ những người đang đưa công chúng vào ma trận của những băng hình gợi lại lịch sử những trận đối đầu kinh điển giữa hai đội tuyển, với hình ảnh Maradona giơ cao cúp trên cao nguyên Mexico hay những giọt nước mắt đã rơi trên má anh 4 năm sau đó ở Olimpico.

Mặc kệ những chỉ trích nặng nề cho Brazil, có lẽ không còn là một quốc gia bóng đá nữa sau khi đã thua Đức 1-7, và sự tiếc nuối chút đỉnh cho Hà Lan của những Robben và Sneijder. Bởi trong khi hàng tỉ tín đồ của trái bóng tròn hướng đến Maracana cho trận chung kết World Cup, tôi, ở ngay cạnh Maracana, lại hướng mắt đến một trận chung kết khác diễn ra dưới mái vòm trứ danh của Michelangelo trong nhà thờ Thánh Peter ở Vatican: Giáo hoàng từ nhiệm Benedict XVI đối đầu với đương kim Giáo hoàng Francis I. Nhưng trận derby Vatican không phải vì quyền lực, vì Benedict đã nhường ngai cho Francis, mà trên khía cạnh các cổ động viên bóng đá.



Nguyên giáo hoàng Benedict XVI (trái) và Giáo hoàng đương nhiệm Francis I (phải)

Không ai có thể nghi ngờ tình yêu bóng đá của Đức cha Ratzinger. Tháng 5/2012, báo chí viết rằng cha có xem trận chung kết Bayern Munich-Chelsea. Bayern, bởi đó là đội bóng trong tim Đức cha, người sinh ra ở gần Munich và từng là Tổng giám mục giáo phận Bavaria. Là thành viên danh dự của Bayern, vào năm 2006, ngài đã từng ban phước cho Beckenbauer và Voeller, thành viên của BTC World Cup năm ấy, trước khi giải diễn ra trên đất nước Đức cha.

Vì các cha cũng biết đá bóng, Nhà thờ có một World Cup riêng Nhà thờ rất phấn khích về những gì liên quan đến trái bóng, và do đó, họ đã đăng cai giải vô địch của cánh áo chùng mang tên Clericus Cup (tạm dịch là Cúp giáo sĩ). Giải vô địch ấy là một dạng World Cup thu nhỏ, với các trận đấu giữa các chủng viện của giáo sinh đến từ các nước, theo thể thức đấu bảng và sau đó đá loại trực tiếp chẳng khác gì bóng đá-của-người-không-mặc-áo-thày-tu.

Chính nguyên Giáo hoàng Benedict XVI là người cha tinh thần của giải đấu, khi đưa ra ý tưởng tổ chức một World Cup cho các giáo sĩ đến từ nhiều nước. Nguyên Quốc vụ khanh Tòa thánh Tarcisio Bertone, một cổ động viên nhiệt thành của Juventus, là người đã thổi hồn cho Cúp giáo sĩ khi tổ chức giải lần đầu vào năm 2007. Vào ngày mà trận derby Madrid ở chung kết Champions League diễn ra giữa Real Madrid và Atletico Madrid hôm 24/5 vừa qua, có một trận chung kết khác cũng diễn ra ở gần Vatican, những tân chủng sinh của đội bóng trường Redemtoris Mater và các linh mục của Bộ truyền giáo Tòa thánh. Mục tiêu của họ là giành chiếc Cúp vô địch để lên thiên đường bóng đá của Tòa thánh. Đó là trận chung kết thứ 7 của giải, một thành công lớn gây sự chú ý của dư luận. Cha Bertone, lúc còn đương chức, vẫn luôn mơ một ngày nào đó sẽ đưa một đội vô địch của các Cúp giáo sĩ đi dự Serie A, sánh ngang với các đội Juventus, Milan hay Inter ở giải đấu lớn nhất nước Ý. Nhưng chỉ có Chúa mới biết, đến bao giờ điều đó sẽ xảy ra….

Năm 1978, khi vẫn giữ chức Tổng giám mục Bavaria, ngay trước khi World Cup diễn ra trên đất Argentina, ngài đã viết một vài điều liên quan đến bóng đá, theo góc nhìn đạo đức và xã hội của một vị linh mục hết lòng vì đời: “Tại sao bóng đá, một trò chơi, lại có ý nghĩa quan trọng như bánh mì? Ngay từ thời La Mã cổ đại, người ta đã coi trọng bánh mì và trò chơi, như là cách thể hiện ước vọng về một cuộc sống khỏe mạnh và tự do”. Chính Đức cha Ratzinger cũng đã nhiều lần nhắc đến bóng đá như là một công cụ giáo dục các giá trị của “sự chân thành, đoàn kết, tình bằng hữu, đặc biệt là trong thế hệ trẻ”.

Thế còn Đức Giáo hoàng Francis I? Ngài là một cổ động viên bóng đá mặc áo chùng. Người kế nhiệm không chỉ nổi tiếng với vai trò của một nhà cách tân Giáo hội, người đang tìm cách lấy lại hình ảnh tốt đẹp của nhà thờ và được hâm mộ như một vĩ nhân (đến mức mà một nghệ sĩ đường phố đã vẽ ngài trong bộ trang phục của Siêu nhân trên một bức tường cổ ở Borgo Pio, cách Vatican vài bước chân) mà còn là một người yêu bóng đá từ khi còn là Tổng giám mục Buenos Aires. Khi còn trẻ, cha Bergoglio đã là một cổ động viên của San Lorenzo, một đội bóng nhỏ ở quận Boedo của thủ đô Argentina.

Ngày vô địch Argentina, San Lorenzo đã cử một đoàn đại biểu đến tận Vatican để tặng Giáo hoàng chiếc áo đấu sọc đỏ-xanh có tên của ngài sau lưng áo. Giáo hoàng nhận món quà ấy với sự hãnh diện và tự hào. Có gì hạnh phúc hơn khi vào năm 2013, khi ngài được bầu làm Giáo hoàng thì đội bóng mà ngài hâm mộ đoạt Cúp vàng sau nhiều năm lay lắt trong bóng tối?  Bây giờ, ở nhiều “villas miserias” (khu ổ chuột của Buenos Aires), trên nhiều bức tường vẫn có những bức tranh Đức Giáo hoàng đang mặc chiếc áo của đội San Lorenzo.

Jose Capria, một quan chức của San Lorenzo, người đã diện kiến Giáo hoàng ở Rome tháng 12 năm ngoái: “Tôi ngạc nhiên khi nhận ra Giáo hoàng biết tường tận mọi chuyện liên quan đến bóng đá Argentina và thế giới. Thậm chí, ngài còn biết rằng, vào năm 2003, Alberto Acosta, cầu thủ ghi rất nhiều bàn thắng cho San Lorenzo đã treo giày!”.

Yêu bóng đá theo kiểu Giáo hoàng, thời mạng xã hội

Chủ nhật này, họ sẽ ở đâu khi trái bóng lăn trên sân Maracana, Đức gặp Argentina và một cuộc “thánh chiến” giữa hai Giáo hoàng sẽ diễn ra? Giáo hoàng từ nhiệm Benedict sẽ xem trận đấu ở Castel Gandolfo, ngoại ô Rome, nơi ngài đang ở, và đương kim Giáo hoàng Francis I sẽ cùng với các Hồng y của ngài ngồi trước tivi ở nhà nghỉ Santa Marta, một nơi hết sức bình dân ngay trong lòng Vatican?

Không ai biết về điều ấy. Cha Lombardi, người phát ngôn của Vatican, quốc gia nhỏ nhất thế giới, chưa đưa ra bất cứ tuyên bố nào. Nhưng cả tỉ giáo dân Công giáo và những người hâm mộ Argentina và Đức đang chờ đợi những câu nói, thậm chí những “tweet” của những vị đáng kính ấy liên quan đến trận đấu. Nhờ Giáo hoàng Francis I, mà account @Pontifex của Tòa thánh có hơn 13 triệu người theo dõi trên Twitter.

Năm ngoái, Đức cha trở thành người nổi tiếng trên mạng xã hội chỉ thua vài ca sĩ có số má, còn lại hơn cả Tổng thống Mỹ Barack Obama trong số các chính trị gia. Nhưng Benedict XVI chính là người mở ra account ấy. Là một người tân tiến, vào ngày 12/12/2012 (!), ở tuổi 85, Đức Thánh cha người Đức này đã trở thành Giáo hoàng đầu tiên xuất hiện trên mạng xã hội. Kể từ khi từ nhiệm đến giờ, Benedict XVI ít xuất hiện trước công chúng và hầu như biến mất khỏi mạng xã hội, nhưng trái tim ngài chắc sẽ đứng về phía Đức đêm chủ nhật này.

140 chữ trên Twitter liệu có thể thể hiện hết tình cảm và sự cuồng nhiệt của các Giáo hoàng liên quan đến chiến thắng hay thất bại của đội tuyển từ đất nước đã sinh ra họ, Đức và Argentina không? Có lẽ là không thể, vì bản thân họ cũng phải cố gắng giữ sự trung lập, vì họ là cha tinh thần và đạo đức không phải chỉ của hai quốc gia đá trận chung kết. Cho đến giờ, trên tài khoản Twitter, Giáo hoàng đương nhiệm vẫn đang nói về tôn giáo và đạo đức.

Những người Đức, vốn sống bằng lí trí hơn là tình cảm, có lẽ không cần đến sự ban phước của nguyên Giáo hoàng để có sức mạnh tinh thần cho trận chung kết, nhưng có lẽ người Argentina thì có. Một đất nước sùng đạo chỉ sau Brazil ở Nam Mỹ, hiện đang chìm trong khủng hoảng tài chính và sẽ rơi vào phá sản nếu không trả được nợ cho các quỹ của Mỹ vào ngày 30/7 tới, đang rất cần những động lực mạnh mẽ về tinh thần để vượt qua khó khăn. Argentina đã vào chung kết một cách vất vả, nhưng không kém vinh quang. Messi, trong một thông điệp của mình trên mạng xã hội, đã viết rằng “Tôi sẽ dâng tặng Đức thánh cha chiến thắng ở World Cup”.

Giáo hoàng Francis I không trả lời câu ấy với tư cách người đứng đầu Giáo hội hoặc cổ động viên. Ngài im lặng. Khi tôi viết bài này, tweet mới nhất của ngài là “Đừng ngại dâng mình vào vòng tay Thiên Chúa. Bất cứ điều gì Chúa yêu cầu bạn, ngài sẽ đền đáp bạn cả trăm lần”. Một thông điệp cho Argentina, ám chỉ kính Chúa thì Chúa sẽ phù hộ họ chiến thắng? Không ai biết, nhưng chắc chắn, Giáo hoàng Francis I sẽ rất hạnh phúc nếu Argentina của ngài đoạt Cúp vàng trên đất Brazil, nơi ngài đã tới năm ngoái cho ngày hội thanh niên công giáo thế giới 2013. Và sau trận đấu, nếu xuất hiện một dòng tweet có nội dung “Nhân danh Cha, Con và Thánh thần”, có lẽ là ngài đang ban phước cho đội chiến thắng, khi những con chiên-cổ động viên làm dấu thánh cảm ơn Chúa đã ban cho họ sức mạnh tinh thần để vô địch một World Cup đầy gian nan.

Amen.

Trương Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN, từ Rio de Janeiro)


Vatican cũng có một đội tuyển quốc gia! Quốc gia nhỏ nhất thế giới, với chỉ 900 “dân”, cũng có một ĐTQG. Đấy là sự thật, nhưng không phải ai cũng biết. LĐBĐ Vatican được thành lập năm 1972 và hiện là một trong số 9 LĐBĐ của các quốc gia có chủ quyền, nhưng không phải là thành viên FIFA (gồm Micronesia, Kiribati, Quần đảo Marshall, Monaco, Nauru, Palau, Tuvalu và Liên hiệp Vương quốc Anh). Với thành phần chủ yếu là những người làm công cho Tòa thánh, từ cảnh sát, nhân viên bưu điện, hành chính và lính Thụy Sĩ bảo vệ Vatican, kể từ khi ra đời đến nay, đội tuyển Vatican (trong trang phục áo vàng, quần trắng, tất vàng, màu cờ của Vatican) mới chỉ ra sân thi đấu vài trận, trong đó trận đầu tiên là với đội hình 2 của đội tuyển San Marino vào năm 1994 (hòa 0-0).

Tính cho đến nay, ĐTQG Vatican mới chỉ chơi có 4 trận chính thức, đều với Monaco vào các năm 2002, 2011, 2013 và mới nhất, tháng 5/2014, hòa 1 và thua 3 trận, không thắng được trận nào. Ngoài ra, Vatican cũng đá một vài trận giao hữu khác và chỉ thắng được 1 lần, với một đội nghiệp dư của Thụy Sĩ vào năm 2006 (5-1). Năm đó, Vatican được mời tham gia một giải đấu do N.F Board (LĐBĐ của các tiểu quốc, các nước không phải là thành viên FIFA, các nước hoặc vùng lãnh thổ không được công nhận), nhưng họ không thể lập một đội hình 15 người tham dự, vì… không đủ người. HLV nổi tiếng Giovanni Trapattoni đã từng có thời gian ngắn dẫn dắt đội tuyển Vatican.




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm