Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 7): Sài Gòn trên trang sử hàng không châu Á

20/09/2021 19:19 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ai có lần qua lại Sân bay Chek Lap Kok của Hong Kong (Trung Quốc) đều nhận ra một chiếc máy bay cổ lỗ lại có cả hình sáp một viên phi công treo lơ lửng trên vòm sảnh của sân bay to lớn này. Đó chính là dấu tích của sự kiện cách nay đã hơn 1 thế kỷ...

Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 6): Người mẫu của Hà Nội xưa?

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 6): Người mẫu của Hà Nội xưa?

Từng là thuộc địa của nước Pháp, xứ đi đầu trong những sáng chế về công nghệ nhiếp ảnh nên loại hình bưu ảnh phát triển rất sớm ở nước ta.

Ngày 15/11/1997, sân bay Chek Lap Kok được khánh thành và lấy cảm hứng của sự kiện cách đó 86 năm, ngày 13/11/1911, chính chiếc máy bay Farman II do phi công Van den Born này lái đã hạ cánh xuống Hong Kong lúc đó còn là nhượng địa của đế quốc Anh trên đất Trung Hoa. Hong Kong tự hào như một vùng đất sớm phát triển ngành hàng không của châu Á.

Nhưng lịch sử lại cho biết chính chiếc máy bay và viên phi công này, gần 1 năm trước đó (10/12/1910) đã cất cánh từ sân đua (ngựa) Phú Thọ của Sài Gòn, khởi đầu cho chương sử hàng không của toàn châu Á. Nói cách khác là, chính Sài Gòn mới là bầu trời đầu tiên của châu Á chứng kiến một chiếc máy bay đầu tiên bay lượn.

Chú thích ảnh
Phi công Van den Born sẵn sàng cất cánh

Van den Born (1847 - 1958) sinh ở Liège thuộc Vương quốc Bỉ, rất say mê thể thao, từng giành chức vô địch xe đạp tốc độ trên chảo đua (vélodrome) của châu Âu, có thứ hạng trong các cuộc đua “Tour de France” danh tiếng. Nhưng đầu thế kỷ 20 là thời điểm các sáng chế về máy bay ra đời từ Mỹ và được phát triển mạnh mẽ ở nước Pháp như một bộ môn thể thao mới mẻ đầy mạo hiểm. Van den Born đã chuyển sang lĩnh vực này và trở thành 1 trong 100 phi công đầu tiên được cấp bằng.

Một chiến dịch quảng bá toàn cầu cho cuộc chơi trí tuệ và dũng cảm này đã được phát động và Born được bạn mình - nhà sáng chế máy bay nổi tiếng của nước Pháp - là Farman khích lệ đã lên đường sang Viễn Đông mang theo mấy chiếc máy bay loại 2 tầng cánh (Farman II). Ban đầu Born định sang Singapore (Mã Lai thuộc Anh), nhưng những thủ tục rườm rà và cuộc gặp định mệnh cô con gái Toàn quyền Đông Dương Klobukowski trên tàu, với lời mời ghé vào Sài Gòn cùng cam kết có đủ điều kiện thuận lợi, đã khiến viên phi công Bỉ thay đổi hành trình.

Chú thích ảnh
Bưu ảnh phát hành tháng 6/1910 nhân Tuần lễ Hàng không ở Pháp, nửa năm trước sự kiện Sài Gòn

Đến Sài Gòn, nhận được sự hoan nghênh của chính quyền sở tại, một Đại tuần lễ Hàng không Nam Kỳ (Grande semaine d’Aviation de Cochinchine) đã được tổ chức tại Sân đua Phú Thọ, kéo dài từ 8 đến 18/11). Ngày 10/12/1910, Van den Born điều khiển chiếc Farman II cất cánh bay lượn trên bầu trời Sài Gòn và vùng lân cận trước hàng chục vạn người (con số của báo chí đương thời) chứng kiến. Ngay lúc đó, báo chí ở châu Âu đã coi đây là sự kiện mở ra trang sử hàng không ở châu Á. Vì cho đến lúc đó, chưa có một sự kiện tương tự nào được ghi nhận trên lãnh thổ các quốc gia châu Á. Nước Nhật hùng cường nhất châu Á khi đó đã xây dựng đội bay nhưng thời điểm cất cánh đầu tiên lại chậm hơn một chút.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Sài Gòn ngày 10/12/1911, công chúng đón xem Van del Born biểu diễn

Sau tuần lễ trình diễn thành công vang dội ở Sài Gòn, Van den Born đã nhận lời mời sang Bangkok biểu diễn. Cuộc trình diễn tại Xiêm (nay là Thái Lan) thành công vượt mức, ông không những được Vua Xiêm tiếp kiến, tưởng thưởng mà vị quân vương còn quyết định cử người sang châu Âu học bay để trở thành 1 trong những quốc gia sớm nhất có không quân ở khu vực.

Chú thích ảnh
Van den Born với chiếc Farman 2 trên bầu trời Sài Gòn

Sau đó, Van den Born tiếp tục biểu diễn ở Hong Kong rồi tới Quảng Đông (Trung Quốc). Đây cũng là điểm bay cuối cùng vì ông suýt mất mạng không phải vì tai nạn mà vì cuộc biến loạn chính trị bùng nổ khiến ông phải bỏ tất cả thiết bị để thoát thân về Sài Gòn.

Chú thích ảnh
Tượng sáp Van den Born trên nóc Sân bay Hong Kong (Trung Quốc)

Điều đáng nói là thành phố Sài Gòn đã giữ chân ông ở lại, chỉ trừ thời gian Thế chiến I (1914 - 1918) Van den Born phải về châu Âu thực hiện nghĩa vụ quân sự, hết chiến tranh ông lại qua Sài Gòn định cư, nhập quốc tịch Pháp và lịch sử thể thao nước ta phải ghi công ông là người đã du nhập, cổ súy và tham gia huấn luyện nhiều môn thể thao hiện đại từ hàng không, xe đạp đến boxing, đấu kiếm… Ông chỉ rời Sài Gòn sau khi quân Pháp rút hoàn toàn khỏi miền Nam (1956) và qua đời tại Pháp năm 1958.

Nhắc lại sự kiện này, một câu hỏi được đặt ra là lịch sử ngành thể thao và hàng không nước ta có nên lấy sự kiện này làm điều tự hào không và có thể làm gì để ghi nhận một sự kiện mà năm ngoài (2020) vừa tròn kỷ niệm 110 năm?

Chú thích ảnh
Cua-rơ nổi tiếng châu Âu Van den Born
Chú thích ảnh
Quảng cáo cho sự kiện hàng không Nam Kỳ
Chú thích ảnh
Van den Born với chuyến biểu diễn cuối cùng ở châu Á

(Còn tiếp)

QXN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm