Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 89): Đất 'nhượng địa'

11/12/2023 18:42 GMT+7 | Văn hoá

"Concession", thuật ngữ được dịch ra tiếng Việt là "nhượng địa" lần đầu tiên được sử dụng trong văn bản Hiệp ước ký kết giữa đại diện Pháp và triều đình Đại Nam về việc Pháp rút và trả lại thành Hà Nội sau một thời gian chiếm đóng diễn ra sau vụ con buôn kiêm gián điệp Jean Dupuis gây sự để Francis Garnier kiếm cớ đem quân Pháp từ Sài Gòn ra đánh chiếm thành Hà Nội khiến tổng đốc Nguyễn Tri Phương tử thương.

1. Hai nhân vật Pháp - Đại Nam ký kết văn bản này là Philastre, một thực dân rất am hiểu ngôn ngữ bản địa và luật pháp đã soạn thảo làm tiền đề cho những bước xâm thực đất đai; còn phía triều đình Đại Nam là vị thượng thư nhiếp chính đầy quyền lực Nguyễn Văn Tường.

Điều 9 của Hiệp ước quy định: Triều đình Đại Nam sẽ nhường một khoản đất trên bờ sông để xây dựng một chỗ ở cho vị công sứ Pháp và binh lính trong đội hộ vệ của ông ta. Khoảnh đất này sẽ gần nơi mà sau khi ký kết hiệp ước, người ta sẽ cho phép các thương nhân Pháp đến mở cơ sở ở đó.

Khu đất này sau đó được thỏa thuận là 5 mẫu (chừng 2,5ha). Xác định trên bản đồ, phía Pháp muốn lấn sâu vào phía Hồ Hoàn Kiếm, nhưng sau đó phải dừng lại ngoài cửa ô Tây Long (đoạn đầu phố Tràng Tiền ngang Nhà hát Lớn Hà Nội bây giờ).

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 89): Đất 'nhượng địa' - Ảnh 1.

Bệnh viện quân đội De Lanessan, bên bờ kè bên sông Hồng trong khu nhượng địa ở Hà Nội xưa

Rồi chỉ hơn một tháng sau, một văn bản khác được ký ngày 15/3/1874 xác định việc cấp đất là "miễn phí" và Rheinart được cử làm viên lãnh sự đầu tiên tiếp thu và cai quản cái gọi là "La Concession Francaise" (Đất nhượng địa Pháp) và từ đó Cổng ô Tây Long sau khi được sửa sang đôi phần về kiến trúc được gọi là "Cổng Pháp quốc" (Porte de la France) và phía đường từ cổng ô ra phía sông được đặt tên là "Phố Pháp quốc" (Rue de France).

Bên trong không gian này, người Pháp bắt đầu quy hoạch đường phố,  xây dinh thự và các thiết chế chuẩn bị cho những bước đi sau này. Tòa lãnh sự được xây nay là nay là khu Nhà khách Công đoàn, đầu đường Gambetta (Trần Hưng Đạo) và kề bên đó và sau này, đáng kể nhất là một bệnh viện quy mô lớn dành cho người Pháp trước hết là thương bệnh binh, nên được coi là một Quân y viện trung tâm cho toàn Bắc Kỳ (Bệnh viện De Lanessan).

Bước tiếp theo, vào năm 1875, viên lãnh sự mới là Kergaradec yêu cầu triều đình mở rộng khu nhượng địa hơn nữa để đổi lấy đất vốn là Trường Thi (nay là khu vực Thư viên Quốc gia) đang bị quân Pháp chiếm đóng để chuẩn bị cho việc khôi phục thi hương vào khóa Bính Tý (1879). Kết quả là ngày 31/8 năm đó, triều đình cấp đất tăng gấp hơn 7 lần với tổng cộng 18ha cho toàn khu nhượng địa.

Quân Pháp rút khỏi Trường Thi, nhưng để lấy đất mở cuộc "đấu xảo" đầu tiên tại Hà Nội (1877). Còn khu nhượng địa khu vực ĐồnThủy thì Pháp gấp rút cho lực lượng công binh từ Nam Kỳ ra xây dựng kiên cố các công trình phòng  thủ và các kiến trúc quan trọng nhất, thể hiện chủ quyền của những kẻ chiếm đóng đang lăm le làm chủ. Kiến trúc ở khu này theo mô tả là "theo lối ở Nam Kỳ", thoáng mát, có hành lang bao quanh….

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 89): Đất 'nhượng địa' - Ảnh 2.

Mặt tiền của Sở Địa dư Đông Dương trên phố Nhượng địa, nay là đường Phạm Ngũ Lão

2. Và chính tại khu nhượng địa rộng lớn có mặt sông để các chiến thuyền tiếp cận, quân Pháp của Henri Rivière đã thực hiện cuộc đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ hai ngày 25/4/1882… Để rồi 6 năm sau, Pháp ép Hoàng đế Đồng Khánh phải ký đạo dụ ngày 1/10/1888 không chỉ giao Hà Nội mà cả Hải Phòng và Tourane (Đà Nẵng) thực chất là trao tất cả những đô thị lớn và quan trọng nhất vương quốc cho Pháp làm "thành phố nhượng địa".

Từ đấy chữ "nhượng địa" đi vào dĩ vãng, duy chỉ có một con phố chạy song song với đê sông Hồng, từ đường Pháp Quốc (đầu Tràng Tiền) đi về phía Tòa Lãnh sự là mang tên "phố Nhượng địa" (Rue de la Concession) nối dài bởi con đường mang tên một binh sĩ Pháp tên là Bobillot bị chết trận ở Tuyên Quang được đưa về quân y viện Pháp ở Hà Nội và được bộ máy tuyên truyền của Pháp tôn lên như một "người hùng" (nay là đường Lê Thánh Tông) để nối ra với Tòa Lãnh sự ở đầu phố Gambetta (nay là Trần Hưng Đạo). Tên phố Nhượng địa sau này có lúc mang tên viên tướng hiếu chiến là Galliéné, rồi trở lại tên cũ và sau khi Pháp bị Nhật đảo chính thì mang tên Việt Nam là Phạm Ngũ Lão cho đến nay.

Trên con phố này, những cây phượng vĩ đầu tiên được người Pháp nhập về từ quần đảo Antilles (châu Mỹ) về sau được trồng nhiều trong các thành phố nhượng địa, ngoài Hà Nội còn ở Đà Nẵng và đặc biệt ở Hải Phòng, nay đã trở thành một biểu tượng.

Cũng có thể coi khu nhượng địa này là những dấu ấn đầu tiên của kiến trúc Pháp xâm nhập vào Hà Nội và  Bắc Kỳ. Từ đây,  nhiều thiết chế quan trọng của bộ máy thuộc địa được chuẩn bị như dinh toàn quyền, bảo tàng, bệnh viện, hệ thống cấp thoát nước, đại học… và đặc biệt có Sở Bản đồ, cơ quan có tính chất chiến lược cho công cuộc chinh phục và khai thác thuộc địa…

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 89): Đất 'nhượng địa' - Ảnh 4.

Bệnh viện quân đội De Lanessan (khu bệnh nhân nữ), bên bờ kè Sông Hồng. (Bưu ảnh Dieulefils)

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 89): Đất 'nhượng địa' - Ảnh 5.

Đường vào bên trong bệnh viện quân đội De Lanessan. (Bưu ảnh Dieulefils)

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 89): Đất 'nhượng địa' - Ảnh 6.

Bệnh viện quân đội De Lanessan đang xây dựng, khu nhà nguyện và hậu cần. (Revue Indochinoise 7-1894)

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 89): Đất 'nhượng địa' - Ảnh 7.

Cổng chính Bệnh viện quân đội De Lanessan. (Bưu ảnh Collection L.L., số 43)

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 89): Đất 'nhượng địa' - Ảnh 8.

Dinh Toàn quyền lúc đầu

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 89): Đất 'nhượng địa' - Ảnh 9.

Bảo tàng địa chất xây trên phố Nhượng địa

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 89): Đất 'nhượng địa' - Ảnh 10.

Bảo tàng Louis Finot, thời kỳ đang thi công cũng trên khu nhượng địa xưa

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 89): Đất 'nhượng địa' - Ảnh 11.

Các kiến trúc được xây trong khu nhượng địa kiểu trại lính

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 89): Đất 'nhượng địa' - Ảnh 12.

Tháp nước Đồn Thủy cũng là công trình cấp nước sớm nhất trong khu nhượng địa

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 89): Đất 'nhượng địa' - Ảnh 13.

Quang cảnh xây dựng bệnh viện trong khu nhượng địa

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 89): Đất 'nhượng địa' - Ảnh 14.

“Cổng Pháp quốc” vốn là cửa ô Tây Long xưa

QXN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm