Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 83): Chùa Một Cột và giá trị biểu trưng

30/10/2023 12:21 GMT+7 | Văn hoá

"Chùa Một Cột" là tên gọi rất nôm na của dân gian, mô tả ngôi chùa mà cấu trúc chỉ có 1 cột trụ nâng cả một tòa tam bảo, hiện nay có quy mô không đáng kể. Tuy nhiên, tìm hiểu sâu về quá khứ thì mới nhận ra cái chân giá trị của nó.

1. Căn cứ theo sử sách chép lại, cái kiến trúc mà ngay nay ta vẫn quen gọi là "chùa Một Cột" ban đầu chỉ là 1 "cây hương" có tên là "Liên hoa đài".

"Cây hương" đúng như tên gọi là một cái trụ đặt bát hương và các vật thờđặt ngoài trời để cúng "trời" (thiên,) sau mở ra cúng đất (thổ thần thổ địa), cúng thánh, mẫu, tiền chủ… Để tránh mưa gió làm tắt đèn hoặc hương nến, làm ướt đồ lễ, nên làm một khuôn viên che kín và có mái.

Mùa Đông năm Kỷ Sửu (1409),vua Lý Thái Tông (1028-1054) mơ thấy Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt vua lên tòa. Từ câu chuyện ấy, vua được nhà sư Thiền Tuệ khuyên trước tiên nên dựng 1 cây hương hoành tráng và ở trên đó đặt ban thờ được cách điệu như một tòa sen nơi Phật ngự. Vua và các nhà sư hành lễ bằng cách vừa tụng kinh vừa đi vòng quanh "Liên hoa đài".

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 83): Chùa Một Cột và giá trị biểu trưng - Ảnh 1.

Bưu ảnh Des Beaux Frères, series 6, số 11, nhật ấn 5/12/1905

Rồi để làm tăng thêm không gian tâm linh nên mới xây "chùa Diên Hựu" (mang ý nghĩa phúc lành dài lâu). Nhưng càng về sau, cái tên dân dã để tôn vinh nét độc đáo là "chùa Một Cột" lại được sử dụng nhiều hơn.

Quần thể gốc này được xây từ 1049. Cũng có một tấm bia dựng năm 1665, lại ghi cây cột trụ bằng đá trên có tượng Phật bằng ngọc được dựng từ thời nhà Đường, năm Hàm Thống thứ nhất (859), Lý Thái Tông thường đến lễ, khi có được hoàng tử kế vị mới sửa thành chùa và xây thêm chùa Diên Hựu.

Nửa thế kỷ sau (1105), chùa Diên Hựu được vua Lý Nhân Tông (1066-1128) sửa sang lại, được sử chép là "đẹp hơn cũ", lại đào hồ "Linh Chiểu", có hành lang bao vây quanh cột trụ của Liên Hoa Đài cùng một vài hạng mục khác như cầu vồng, bảo tháp…

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 83): Chùa Một Cột và giá trị biểu trưng - Ảnh 2.

Chùa Một Cột trên bưu ảnh của Dieulefils

Qua nhà Trần, Trần Thái Tông lên ngôi năm 1225, sau đó đã sai "sửa chùa Diên Hựu" năm 1249. Đến thời Lê, Phật giáo có phần suy, cả chùa và đài đều xuống cấp nghiêm trọng, ít được tu sửa, còn nổi lên tin đồn đất bị Cao Biền yểm… Qua triều đầu của nhà Nguyễn, kinh đô dời vào Huế,  thì càng trở nên hoang phế; đến cuối thời Minh Mạng mới được trùng sửa.Lần cuối thì lại do người Pháp điều Viện Viễn Đông Bác cổ (École Francais d'Extrême-Orient) tham gia lập hồ sơ và tu sửa theo phương pháp mới trong tiến trình sang sửa thành phố Hà Nội, lúc ấy đã là thủ đô của toàn xứ Đông Dương thuộc Pháp.

Nhưng chỉ sau đó không đầy 1/4 thế kỷ, năm 1954, vào thời điểm quân đội Pháp phải rút khỏi miền Bắc Việt Nam theo Hiệp định Geneve, cùng âm mưu phá hoại và lôi kéo dân chúng di cư vào Nam, ngày 11/9/1954, những kẻ xấu đã dùng mìn giật nổ, hủy hoại tòa "Liên hoa đài".

Ngay sau Ngày tiếp quản thủ đô (10/10/1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3/11 tại Hà Nội đã nghe báo cáo về kế hoạch sửa chữa chùa và ngày 1/1/1955 thì việc tu sửa chùa Một Cột đã chính thức khởi công. Chính nhờ hồ sơ của Viện Viễn Đông Bác cổ cung cấp mà công trình xây lại hoàn toàn Liên hoa đài và sửa chùa Diên Hựu đã được tiến hành rất bài bản, do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng chủ trì và hoàn thành sau 62 ngày.

Như vậy diện mạo của chùa Một Cột hiện tại được xây sửa theo đúng hồ sơ bảo tồn di tích do Viện Viễn Đông Bác cổ lập khi trùng tu vào năm 1922 là thời điểm mà ngôi chùa này đã xuống cấp rất nghiêm trọng. Do vậy, hình hài và quy mô ban đầu của chùa trong thời kỳ mới lập (thời Lý) và được tu sửa khi Phật giáo cực thịnh thời nhà Trần, với ngôi chùa hiện tại liệu có khoảng cách khác biệt thế nào vẫn được các nhà khoa học quan tâm. Nhiều người cho rằng ngôi chùa hiện tại có thể chỉ là một phiên bản bị thu nhỏ và ít nhiều "thua kém" thời Phật giáo cực thịnh (Lý - Trần). Một nhóm các bạn trẻ đã ứng dụng công nghệ số tạo được những thiết bị có thể chiêm ngưỡng ảnh ảo của chùa Một Cột rất hoành tráng, sinh động và "lung linh" như thời vàng son…

Nhưng dẫu sao thì, ngôi chùa được đại trùng tu năm 1955 vừa mang biểu tượng linh thiêng của ngôi chùa xây thời mở ra nền văn hiến Đại Việt (thời Lý), lập kinh đô tại Thăng Long- Hà Nội, cũng lại là biểu tượng của tinh thần trách nhiệm của nhà nước Việt Nam trong công cuộc bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc, làm cho chùa Một Cột trở thành 1 trong những biểu tượng điển hình nhất của kiến trúc truyền thống Việt Nam. Chùa được công nhận là Di tích lịch sử từ năm 1962 và đến năm 2012 được Tổ chức kỷ lục châu Á xác nhận là "ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất".

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 83): Chùa Một Cột và giá trị biểu trưng - Ảnh 3.

Bưu ảnh của Cretssac

2. Ngay trong thời Pháp thuộc, hình ảnh chùa Một Cột được in trên nhiều bưu ảnh để quảng bá, được đưa vào tem trong dịp đấu xảo quốc tế (1931), đặc biệt trong cuộc đấu xảo tại Marseille 1922, một phiên bản kiến trúc thu nhỏ đã được xây tại khuôn viên của không gian "Bắc kỳ" (Tonkin). Hình ảnh chùa Một Cột còn được sử dụng trên nhều con tem, đồng tiền như một yếu tố "nhận diện" về Hà Nội và Việt Nam.

Thời kỳ đất nước bị chia cắt, "Thiên Nam đệ nhất trụ" cũng được dựng tại Sài Gòn, rồi Cần Thơ, nay thì ở tỉnh Long An cũng có. Ngay tại miền Bắc, không xa Hà Nội, chùa Đào Xuyên ở Gia Lâm, chùa Phổ Chiếu ở Hải Phòng và rất nhiều công viên, khu du lịch, ngay cả nhiều tư gia có điều kiện cũng xây đắp phiên bản to nhỏ khác nhau của ngôi chùa độc đáo này. 

Để giới thiệu hình ảnh biểu trưng cho Hà Nội, Việt Nam, phiên bản chùa Một Cột cũng có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới, như khu Cửa sổ nhìn ra thế giới tại Thâm Quyến(Trung Quốc); Bảo tàng  châu Á - Thái Bình Dương ở Ba Lan; chùa Phật Quốc tại tiểu bang Bihar, Ấn Độ;tại Đồi Vàng (Goldens Hill, California) Hoa Kỳ…

Mới đây nhất, tháng 10/2023, tại tỉnh Khánh Hòa, một phiên bản chùa Một Cột vừa được dựng tại chùa Nghĩa Sơn... Và sẽ có nhiều phiên bản mới được dựng ở khắp nơi, nhưng hơn hết,chùa Một Cột đã ăn sâu vào trong tâm tưởng của người Việt Nam chúng ta như là một biểu tượng tự hào về ngàn năm văn hiến.

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 83): Chùa Một Cột và giá trị biểu trưng - Ảnh 5.

Bưu ảnh Union Commerciale Indochinoise

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 83): Chùa Một Cột và giá trị biểu trưng - Ảnh 6.

Chùa Diên Hựu, 1896. Ảnh của Salles (1860 - 1929)

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 83): Chùa Một Cột và giá trị biểu trưng - Ảnh 7.

Một nghệ nhân thêu đang phác thảo chùa làm mẫu, năm 1896

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 83): Chùa Một Cột và giá trị biểu trưng - Ảnh 8.

Chùa Diên Hựu, Hà Nội, 1898. Ảnh của Salles

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 83): Chùa Một Cột và giá trị biểu trưng - Ảnh 9.

Chùa Một Cột. Ảnh màu của Bảo tàng Albert Kahn, 1919

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 83): Chùa Một Cột và giá trị biểu trưng - Ảnh 10.

Chùa Một Cột (Diên Hựu). Ảnh màu của Bảo tàng Albert Kahn (Paris). Người chụp Léon Busy

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 83): Chùa Một Cột và giá trị biểu trưng - Ảnh 11.

Ảnh màu toàn cảnh khu vực Chùa Một Cột

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 83): Chùa Một Cột và giá trị biểu trưng - Ảnh 12.

Chùa Một Cột sau khi được trùng tu năm 1922

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 83): Chùa Một Cột và giá trị biểu trưng - Ảnh 13.

Mô hình chùa Một Cột tại Đấu xảo thuộc địa Marseille 1922. Bưu ảnh phát hành tại Pháp nhân dịp hội chợ

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 83): Chùa Một Cột và giá trị biểu trưng - Ảnh 14.

Chùa Một Cột bị kẻ xấu nổ mìn ngày 11/9/1954

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 83): Chùa Một Cột và giá trị biểu trưng - Ảnh 15.

Chùa Một Cột, bản vẽ để phục dựng sau vụ chùa bị phá năm 1954

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 83): Chùa Một Cột và giá trị biểu trưng - Ảnh 16.

Phương án sửa chữa

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 83): Chùa Một Cột và giá trị biểu trưng - Ảnh 17.

Chùa Một Cột trong quá trình xây dựng lại vào năm 1955

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 83): Chùa Một Cột và giá trị biểu trưng - Ảnh 18.

Tin tức hoàn thành việc xây dựng lại Chùa Một Cột

QXN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm