Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 72): Người con gái của 'hùm thiêng Yên Thế'

05/06/2023 16:41 GMT+7 | Văn hoá

Nếu đặt câu hỏi ai là người Việt Nam đầu tiên diễn xuất trước ống kính máy quay như một diễn viên điện ảnh thì câu trả lời không phải là nhân vật của bài viết này. Nhưng nhân vật này đã trở thành diễn viên điện ảnh thực thụ, xuất hiện trong một số phim của các hãng phim nhà nghề nổi tiếng, lại ngay trên đất Pháp, quê hương của điện ảnh thế giới. Đó là bà Hoàng Thị Thế.

Lãnh tụ khởi nghĩa Yên Thế Hoàng Hoa Thám (Đề Thám) có 5 vợ, ngoài người vợ cả có 1 con trai (Cả Trọng), bà vợ ba có 1 gái là Hoàng Thị Thế (sinh 1900, có tài liệu ghi 1901) và 1 con trai (sinh 1908) thì không thấy nhắc đến một người con nào khác.

Bà vợ ba tên là Đặng Thị Nho (hoặc Nhu, còn gọi là bà Ba Cẩn) đã sớm nổi tiếng như một trợ thủ đắc lực cho sự nghiệp Hoàng Hoa Thám, người đã duy trì được 3 thập niên trấn giữ cả vùng rộng lớn ở trung và thượng du Bắc kỳ làm căn cứ chống Pháp và liên kết với các lực lượng chống Pháp trong cả nước… Thực dân Pháp không chỉ điều động quân đội đàn áp, mà phải dùng nhiều thủ đoạn để đối phó.

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 72): Người con gái của 'hùm thiêng Yên Thế' - Ảnh 1.

Tuổi thơ bên cha, thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế

Do vậy, sau những cuộc vây hãm quyết liệt của quân Pháp vào cuối năm 1909, Đề Thám phải rút khỏi căn cứ, cầm cự rồi… biến mất một cách bí hiểm, nhưng bị chính quyền thực dân tuyên truyền là đã chết vào năm 1913. Riêng mẹ con bà Ba thì bị quân Pháp bắt, đầy đi Guyane, rồi có tài liệu nói bà trẫm mình tự vẫn, có tài liệu ghi chết vì lao lực ở Alger.

Riêng người con gái Hoàng Thị Thế bị tách khỏi mẹ và giao cho một người Pháp từng quen biết Đề Thám thời kỳ hai bên hòa hoãn là Bouchet nuôi nấng, rồi chuyển qua nhà tư sản Nguyễn Hữu Thu ở Hải Phòng trông nom.

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 72): Người con gái của 'hùm thiêng Yên Thế' - Ảnh 2.

Cùng với mẹ

Albert Sarraut là Toàn quyền Đông Dương vào thời điểm cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã bị dập tắt (1911) và kết thúc nhiệm kỳ đầu vào lúc Chiến tranh Thế giới I bùng nổ ở châu Âu (1914), đã chủ trương tránh đụng độ với người bản xứ, bèn đưa ra một chính sách được gọi là "hợp tác" để bảo vệ và khai thác thuộc địa, cung ứng cho cuộc chiến ở chính quốc. Từ chủ trương ấy, Sarraut đã nhận con gái "hùm thiêng Yên Thế" là Hoàng Thị Thế làm con nuôi, đặt tên Tây là Marie Béatrice Destham, rồi gửi qua Pháp học ở thành phố Biaritz.

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 72): Người con gái của 'hùm thiêng Yên Thế' - Ảnh 3.

Cùng với đồng đội của cha - những nghĩa sĩ Yên Thế

Năm 1925, học xong tú tài phần 1, bà được đưa về Việt Nam làm thủ thư ở phủ Thống sứ Bắc kỳ, rồi năm 1927 lại qua Pháp.

Tại nước Pháp, người phụ nữ này nổi danh không bằng cái tên Tây của cha nuôi đặt cho, mà trở lại với cái tên gốc Việt của mình, nhưng kèm theo một biệt danh là "công chúa" (princesse). Người Pháp gọi như vậy, có thể vì bà là con gái của một người từng có quyền lực không kém một đấng quân vương, "trị vì" một vùng đất rộng lớn, đương đầu với nước Pháp là Đề Thám. Lại cũng có tin đồn, ngay từ bé Đề Thám đã hứa gả con gái duy nhất cho con một trong những thủ lĩnh có gia thế không kém vua chúa ở miền Nam Trung Hoa.

Nhưng có lẽ tên gọi ấy trở nên quen thuộc ở Pháp vì gương mặt và những vai diễn của bà trên màn bạc.

Bộ phim đầu tiên của Hãng Paramount danh tiếng mang tên La Lettre (Lá thư) của đạo diễn Louis Mercanton dựa theo truyện của văn sĩ William Somerset Maugham, trong đó vai "công chúa Trung Hoa" (tên là Li-Ti) được giới thiệu là do "công chúa Hoàng Thị Thế" thủ vai.

Sau đó bà còn tham gia trong hai phim tiếp theo là La Donna Bianca của đạo diễn Jack Salvatori (1931) và Le Secret de l'Émeraude (Bí mật ngọc lục bảo) của đạo diễn Maurice de Canonge (1935).

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 72): Người con gái của 'hùm thiêng Yên Thế' - Ảnh 4.

Cùng cha và Bouchet thời kỳ hòa hoãn

Về tài năng diễn xuất của Hoàng Thị Thế giữa kinh đô điện ảnh thế giới là nước Pháp hẳn cũng rất khiêm nhường. Nhưng với những đồng bào của bà thì cũng chất chứa nhiều hy vọng. Như lời đánh giá của tờ Sông Hương ở Huế (25/10/1936): "Vài năm trở lại đây, trên con đường mỹ thuật, nước ta thường tỏ ra mình không phải không có nhân tài, và do thế, đã khiến nhiều nước ngoài phải chú ý đến. Tài nghệ của cô đào Năm Phỉ, trong dịp cô sang dự cuộc Đấu xảo thuộc địa Paris năm 1931, đã đem đến cho cô - và cũng cho chúng ta nữa - cái vinh dự được các báo Pháp hết sức khen ngợi. Gần đây lại có tin cô Hoàng Thị Thế, con gái ông Đề Thám, năm xưa đã có lần xuất hiện trên màn bạc, nay sắp trở ra lãnh vai chính trong một phim quan trọng".

Nhưng theo tư liệu tiểu sử của Hoàng Thị Thế thì từ thời điểm này không thấy bà tham gia một bộ phim nào nữa.

Người con gái của "hùm thiêng Yên Thế" còn nổi tiếng hơn là được Tổng thống Pháp Paul Doumer nhận đỡ đầu. Khi ông còn là Toàn quyền Đông Dương thì Đề Thám là một "cái gai" gây nhức nhối, vì ông đang mong muốn tập trung sức lực để xây dựng hạ tầng cho xứ thuộc địa này. Paul Doumer đã phải ứng phó rất mệt mỏi với cuộc khởi nghĩa Yên Thế và đã từng phải đến tận "sào huyệt" của đối phương để tìm phương kế hòa hoãn. Lúc đó Hoàng Thị Thế mới 6 tháng tuổi.

Do vậy, khi gặp lại bà ở Paris trong cương vị là nguyên thủ của nước Pháp, Paul Doumer đã nhận lời đỡ đầu cho đứa con của đối thủ năm xưa. Chính P.Doumer và A.Sarraut đứng ra chủ trì cho lễ cưới của "công chúa Hoàng Thị Thế". Rồi khi xảy ra vụ Paul Doumer bị ám sát (6/5/1932), thì chính bà Hoàng Thị Thế là một trong những người sớm nhất có mặt bên cạnh nạn nhân, cũng như chứng kiến phút lâm chung của vị nguyên thủ xấu số của nước Pháp.

Sự kiện đó khiến bà càng nổi tiếng khi được nhắc tới trên báo chí nước Pháp và thế giới… Bà đã từng tiếp cận với rất nhiều nhân vật có quyền thế ở nước Pháp, cũng như với đồng bào của mình tại đây… Nhưng đó cũng là những ánh hào quang cuối cùng của một người đàn bà đã nếm trải mọi cung bậc thăng trầm.

Năm 1931, bà lấy chống, một người Bỉ, sinh hạ được một người con trai (1935), rồi ly hôn (1941) và sống cô độc tới cuối đời. Năm 1960, bà quyết định trở về quê hương ở miền Bắc sau khi từ chối lời mời của chính quyền miền Nam Việt Nam. Bà về Bắc Giang làm việc ở thư viện và viết hồi ký. Năm 1974, bà về sống ở Hà Nội cho đến ngày 9/12/1988 thì qua đời, rồi nằm xuống lòng đất Phồn Xương, nơi cha mẹ bà đã vùng vẫy, đã hiển hách một thời.

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 72): Người con gái của 'hùm thiêng Yên Thế' - Ảnh 6.

Quảng cáo của bộ phim đầu tiên “La Lettre”

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 72): Người con gái của 'hùm thiêng Yên Thế' - Ảnh 7.

Trong vai một công chúa Trung Hoa

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 72): Người con gái của 'hùm thiêng Yên Thế' - Ảnh 8.

Làm việc với đạo diễn và việc hóa trang

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 72): Người con gái của 'hùm thiêng Yên Thế' - Ảnh 9.

Một cảnh trong phim “Le Secret de l' Émeraude”

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 72): Người con gái của 'hùm thiêng Yên Thế' - Ảnh 10.

Một cảnh trong phim “La Donna Bianca”

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 72): Người con gái của 'hùm thiêng Yên Thế' - Ảnh 11.

Những hình ảnh trên báo chí

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 72): Người con gái của 'hùm thiêng Yên Thế' - Ảnh 12.

Những ngày hạnh phúc với chồng và bạn bè trên du thuyền

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 72): Người con gái của 'hùm thiêng Yên Thế' - Ảnh 13.

Thiếp mời dự lễ cưới Hoàng Thị Thế do P.Doumer và A.Sarraut chủ trì

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 72): Người con gái của 'hùm thiêng Yên Thế' - Ảnh 14.

Cảnh ngày cưới năm 1931

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 72): Người con gái của 'hùm thiêng Yên Thế' - Ảnh 15.

Xuân sắc năm 1941

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 72): Người con gái của 'hùm thiêng Yên Thế' - Ảnh 16.

Bà Hoàng Thị Thế những ngày về sống trong nước

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 72): Người con gái của 'hùm thiêng Yên Thế' - Ảnh 17.

Cuốn hồi ký của bà

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 72): Người con gái của 'hùm thiêng Yên Thế' - Ảnh 18.

Lần cuối trước ống kính của nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy làm phim tài liệu về bà

QXN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm