27/02/2023 19:23 GMT+7 | Văn hoá
"Monument" là khái niệm về những công trình tưởng niệm quá khứ (nhân vật hoặc sự kiện) theo phong cách phương Tây. Đó là sự kết hợp giữa kiến trúc và nghệ thuật tạo hình và được dựng ngoài trời. Khác với phương Tây, ở nước ta, việc tưởng niệm ấy hoặc được ghi tạc vào bia đá, hoặc được thờ phụng kín đáo trong những ngôi đền và các lễ hội.
Từ khi nước Pháp xâm lược và dần biến nước ta thành thuộc địa thì những công trình tưởng niệm liên quan đến cuộc "chinh phục" ấy cũng được dựng lên, đặc biệt ở các đô thị mà chúng tôi dùng thuật ngữ "tượng đài" để dễ hình dung.
Monument đầu tiên không ở Hà Nội mà ở Sài Gòn, đó là tượng đài xây theo hình tháp để ghi nhận và tưởng niệm Doudart de Lagrée người dẫn đầu đoàn thám hiểm ngược sông Mê Kông để thâm nhập vào miền Nam Trung Quốc. Nó được dựng vào năm 1877, để kỷ niệm 10 năm sau ngày nhà thám hiểm bỏ mạng trong chuyến đi (1868).
Nhưng Hà Nội mới là nơi được dựng nhiều tượng đài với vị thế từ cuối thế kỷ XIX đã là thủ phủ của xứ Đông Dương. Một năm trước khi Hà Nội trở thành nhượng địa thì người Pháp đã cất công đưa tới đây phiên bản của một tượng đài đã được cả thế giới biết đến là tượng Nữ thần Tự do của nghệ sĩ tạo hình Pháp Bartholdi được dựng cửa ngõ New York của Hoa Kỳ (1886). Chỉ có điều phiên bản này chỉ cao 2,85m để trưng bày trong cuộc Đấu xảo đầu tiên tổ chức tại Tràng Thi, Hà Nội (1887).
Kết thúc cuộc đấu xảo, tượng được đưa về trụ sở của Hội Tam điểm ở phố Cờ Đen (Rue des Pavillons Noirs - nay là phố Mã Mây). Nếu chỉ như thế, tượng của Bartholdi vẫn chưa được coi là "monument" của thành phố. Cho đến khi khu vực phía Đông của Hồ Hoàn Kiếm được quy hoạch làm khu đầu não hành chính của Hà Nội và tại đó xây dựng một vườn hoa đầu tiên thì bức tượng này được đưa đến đặt tại đây.
Tuy nhiên, nó sớm bị buộc rời khỏi vườn hoa, lúc này đã mang tên vị Tổng trú sứ Trung và Bắc kỳ đầu tiên Paul Bert mới qua đời vì dịch bệnh (1886). Nhân vật này được coi là người đặt nền móng cho công cuộc xây dựng nền bảo hộ và mở mang các thành phố nên chính quyền Đông Dương cũng như của Hội đồng thành phố Hà Nội khi đó đã quyết định đặt tại vườn hoa này bức tượng của Paul Bert.
Một tác phẩm đúc đồng mang hình tượng viên Tổng trú sứ với lá cờ của nước Pháp và một đứa trẻ bản xứ nép mình ngồi ở góc… đã vượt biển từ Pháp đến Hà Nội. Ngân sách chính quyền thuộc địa và sự hô hào tài trợ của Hoàng đế Đồng Khánh đảm bào tài chính cho công trình.
Tượng được đặt tại vườn hoa nằm giữa Tòa thị chính và Nhà Bưu điện nhìn về hướng Nhà thờ Lớn mới xây bên kia hồ và được khánh thành ngày 14/9/1890 và tồn tại 55 năm cho đến ngày Nhật đảo chính Pháp và Thị trưởng Trần Văn Lai ra lệnh hạ đổ (1/8/1945). Đó chính là "monument" đầu tiên của Thành phố Hà Nội.
Còn bức tượng của Barthodi buộc phải rời khỏi vườn hoa trên bờ, rồi không biết ai xui, tượng lại được đưa ra "ngự" trên nóc Tháp Rùa ở giữa Hồ Hoàn Kiếm để rồi phải chịu đựng nhiều chỉ trích dữ dội của cả dân chúng bản xứ cũng như cộng đồng người Âu có hiểu biết. Cuối cùng, bức tượng ấy phải chuyển qua vùng ngoại vi khu dân cư cổ, giáp ranh với khu đô thị mới ở phía Nam và khu dinh thự của người Âu nối dài tới Phủ Toàn quyền. Đó là một vườn hoa nhỏ nơi Quảng trường Neyret, vốn xưa là Cửa Nam của kinh thành. Ở xứ thuộc địa, người Pháp né tránh nói đến "Tự do" cho nên tên gọi chính thức của bức tượng nay là "Tượng đài Công Lý" (Monument de la Justice). Trong khí đó dân gian gọi đơn giản là "Bà Đầm Xòe". Chữ "Xòe" không rõ để nói đến cái váy hay những tia hào quang tỏa trên đầu.
Cả hai pho tượng đồng Paul Bert và Bà Đầm Xòe đều chung số phận là đều bị đưa vào lò nấu chẩy để đúc tượng Phật chùa Ngũ Xã…
Tuy nhiên cũng diễn ra bên Hồ Hoàn Kiếm, vào thời điểm này xuất hiện một monument hoàn toàn là sản phẩm của người bản địa. Đó là tượng đài Hoàng đế Lê Thái Tổ được dựng đối diện với cả hai pho tượng Bà Đầm Xòe ở giữa hồ và Tượng Paul Bert ở bờ bên kia. Tượng đài này gắn với một ngôi đình vốn có từ xưa để ghi dấu sự kiện "Hoàn Kiếm" diễn ra đã gần nửa thiên niên kỷ trước. Vốn là một ngôi đình nhưng qua biến thiên của thời cuộc vào cuối thế kỷ XIX nó đã bị "thu nhỏ" lại tựa như một ngôi đền nhưng vẫn được gọi là "Đình Nam Hương".
Chính tại đây, năm 1894, vị Kinh lược (thay mặt vua) ở Bắc kỳ là Hoàng Cao Khải đã đứng ra vận động dựng một tượng đài theo phong cách phương Tây về hình loại (nhân vật đứng trên đỉnh một trụ đá) nhưng lại đậm chất bản địa bởi những hình khối dễ nhận ra: Vóc dáng trống đồng hay các cây cột của kiến trúc đình làng. Trên đỉnh trụ này là vị Hoàng đế nổi tiếng chống ngoại xâm trong tư thế gợi lại sự tích "Vua Lê trả gươm".
Chỉ có điều, người chủ trương làm tượng không chỉ nhắc lại tích truyện, mà trong tấm bia của Đình Nam Hương, bằng một cách viết rất tế nhị, vị nguyên khâm sai đại thần vẫn tỏ sự tôn trọng đối với tượng của một "danh nhân của nước Pháp" nhưng khẳng định "Hoàng đế ta mới xứng là bậc minh quân của nước Đại Việt". Chính giải pháp để nhân vật đứng trên trụ cao (mô-típ khá phổ biến ở phương Tây) nên thân tượng vua Lê chỉ cao chừng 1,2m nhưng thế đứng cao vời vợi, đã cổ vũ lòng ái quốc và lòng tự tôn của người Hà Nội trong suốt thời Pháp thuộc.
Và trong ba tượng đài xuất hiện sớm nhất bên Hồ Gươm thì đây là tượng đài duy nhất tồn tại đến ngày nay và… sẽ là mãi mãi.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất