15/08/2022 19:08 GMT+7 | Văn hoá
Đám tang của cụ Phan Châu Trinh diễn ra tại Sài Gòn ngày 4/4/1926 đúng là “một sự thức tỉnh quốc dân”. Chỉ một năm sau, đến lượt Hà Nội chứng kiến một đám tang cũng gây tiếng vang trên toàn quốc, cho dù chính quyền thực dân đã đề phòng, tìm mọi cách đối phó. Đó là đám tang cụ cử Lương Văn Can, một trong những tên tuổi tiêu biểu nhất của Đông Kinh nghĩa thục.
Xem chuyên đề "Ảnh = Ký ức = Lịch sử" TẠI ĐÂY
Đây cũng là đám tang nhà ái quốc mà tên tuổi gắn liền với một cuộc vận động văn hóa và giáo dục, mà tác động không khác một cuộc vận động chính trị thúc đẩy ý thức tự cường của dân tộc.
Lương Văn Can sinh năm 1854, hiệu Ôn Như, người làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, đỗ cử nhân (1879), không ra làm quan, mà cùng một số đồng chí chủ trương yêu nước bằng con đường văn hóa, giáo dục, chấn hưng kinh tế. Ông được người dân yêu mến gọi ngắn gọn là cụ cử Can.
Năm 1907, cụ cùng một số đồng chí thành lập Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội và phong trào lập nghĩa thục lan rộng ra nhiều địa phương khác trong, ngoài thành phố. Nhưng chỉ chưa đầy một khóa, nghĩa thục đã bị thực dân vùi dập, lo nó sẽ trở thành đốm lửa giữa lúc cao trào yêu nước đang lan tỏa trong một cánh đồng đầy cỏ khô…
Năm 1913, sau các vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội, chống sưu thuế khắp Trung kỳ và nhiều cuộc vũ trang bạo động… thì chính quyền thực dân kiếm cớ kết án Lương Văn Can 10 năm tù biệt xứ và đưa đi an trí ở Phnom Penh (Cao Miên).
Năm 1921, sau 9 năm bị an trí, Lương Văn Can được trở về sống cùng gia đình ở số 4 phố Hàng Đào, Hà Nội. Tại đây, cụ tập trung viết sách và cổ động việc kinh doanh theo “đạo làm giàu”. Ngày 13/6/1927 (nhằm 14/5 năm Đinh Mão), Lương Văn Can qua đời, hưởng thọ 74 tuổi. Cái chết của vị thục trưởng Đông Kinh nghĩa thục đã gây xúc động lớn trong quần chúng…
Chính quyền thực dân từng chứng kiến đám tang và cuộc vận động để tang Phan Châu Trinh trước đó một năm, nên đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ tình hình. Lấy lý do phòng dịch bệnh, chính quyền yêu cầu phải chôn cất sớm, ngay trong ngày. Đám tang đã diễn ra theo đúng quy định của chính quyền dành cho các cư dân sống ở đô thị. Tuy nhiên, đến ngày Chủ nhật 19/6/1927, một cuộc lễ truy điệu vẫn được được tiến hành tại Nghĩa trang Hợp Thiện, với đông đảo người dân các nơi kéo đến tham dự, trong sự kiểm soát chặt chẽ của nhà cầm quyền.
Về sự kiện này, tờ Nam phong (số 117, 7/1927) thuật: “Nhân cụ mất, một phái muốn tụ họp đông để làm lễ truy điệu cụ. Chính phủ cho là có can thiệp về chính trị, hạ lệnh cấm tụ tập trong thành phố. Nhưng ngày Chủ nhật 19/6, thiên hạ kéo xuống Nghĩa trang Hội Hợp Thiện là chỗ chôn cụ đông lắm, lính canh không cho vào, sau hai bên xô xát nhau một chút, bị thương mất mấy người, bị bắt cũng mất mấy người, những người bị bắt đều án nặng cả”.
Cũng tờ Nam phong, có đoạn: “Nghe đâu ở Nam kỳ cũng muốn hưởng ứng ngoài này mà làm lễ truy điệu vào ngày Chủ nhật 26/6, nhưng chính phủ trong ấy cũng có lệnh cấm và mấy ông chủ trương toàn là người Bắc và người Trung kỳ vào viết báo trong ấy đều bị phát hồi về xứ...”.
Người bị trục xuất là Trần Huy Liệu. Còn Nguyễn Khánh Toàn và Phan Văn Trường bị bắt và đưa ra tòa xử cùng vì lý do tờ L’Annam định đứng ra tổ chức để tang Lương Văn Can. Tờ báo phải đóng cửa, tại phiên phúc thẩm (27/3/1928), Nguyễn Khánh Toàn bị giam 18 tháng, còn Phan Văn Trường bị kết án 2 năm.
Cũng cần biết rằng, trước đó mới chỉ hơn một tháng (24/3 năm Đinh Mão), cũng tại ngôi nhà số 4 Hàng Đào đã diễn ra đám tang cụ bà Lê Thị Lễ, phu nhân của cụ cử Lương Văn Can. Xuất thân là con của tri phủ Thường Tín, với số tiền hồi môn lớn, bà đã tậu nhà, mở hiệu buôn bán và góp tiền để cụ cử Can cùng các đồng chí mở trường Đông Kinh nghĩa thục. Khi chồng rơi vào cảnh lao lý, cụ bà một mình chăm nom nhà cửa, buôn bán, cắt cử con cái và người thân sang Cao Miên chăm sóc Lương Văn Can. Cụ bà cũng giúp hai người con xuất dương Đông Du, sau đó cả hai đều hy sinh, trong đó có Lương Ngọc Quyến bị Pháp giam ở Thái Nguyên cùng Đội Cấn, nổi dậy làm binh biến nhưng không thành (1917)…
Trong lễ tang cụ bà, cụ ông đã treo bảng cáo phó trước cửa nhà với dòng chữ “Bảo quốc túy, tuyết quốc sỉ” (tạm dịch: Giữ tinh hoa để rửa nỗi nhục cho dân tộc). Chỉ hơn một tháng sau, cụ ông cũng rời cõi tạm… Như thế là chỉ trong hơn một tháng, người dân Hà Nội và cả nước đã tiễn đưa đôi vợ chồng xứng danh là anh hùng và liệt nữ.
Sưu tập ảnh này (hơn 30 tấm) do con rể của cụ ở Pháp cung cấp, vốn được dùng trong bài viết của Phạm Quốc Bằng cho tạp chí Xưa&nay.
QXN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất