Alexis Sanchez: Cuộc cách mạng Nam Mỹ của Wenger

27/11/2014 08:27 GMT+7 | Arsenal

(Thethaovanhoa.vn) Alexis Sanchez đang chứng tỏ anh là tất cả những gì Arsenal đã có, đang có và muốn có. Tất cả những gì Arsenal mong đợi.

Một trong những giáo viên của Sanchez ở trường học thuộc thị trấn nhỏ Tocopilla, vùng quê khô cằn và bụi bặm ở Chile, nhớ lại lần bà yêu cầu các học sinh lồng ảnh người hùng của các em vào những chiếc khung tự làm. Những đứa trẻ thường lồng các nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh, nào là gấu Pooh, nào là chuột Mickey. Alexis Sanchez lồng ảnh của chính anh.

Không ai từng mô tả Sanchez là tự phụ, mà chính xác hơn, anh tin tưởng tuyệt đối vào bản thân. Tocopilla là vùng có dân số 24 ngàn người, được gọi là “Góc của Quỷ”, dần trở nên ô nhiễm vì bị công nghiệp hóa. “Đừng lo”, Sanchez nói với mẹ anh, một công nhân vệ sinh nghèo khổ luôn phải tranh thủ đi hơn 50 dặm mỗi ngày để bán cá. “Con sẽ trở thành cầu thủ bóng đá”. Bố Sanchez rời bỏ gia đình từ khi anh còn nhỏ, và như cha mình, Sanchez rửa xe ở cổng nghĩa trang.

Tự tôn, bướng bỉnh và kiên gan

Được đặt biệt danh “Ardilla” nghĩa là Con sóc, Sanchez đi bóng cũng nhanh như con sóc trèo lên cây. Nếu không phải là một cầu thủ bóng đá, anh có thể số trên cây. Nhưng anh là một cầu thủ bóng đá và luôn là cầu thủ bóng đá, chơi bằng chân trần trên vùng đất cằn và những con phố mấp mô ở thành phố. Anh không bao giờ nhường bóng cho bạn bè vì thằng bé gày giơ xương ngày nào đã hứa, một ngày nào đó, sẽ cho chúng nhiều hơn nữa: “Tớ sẽ mua cho cậu một ngôi nhà, còn cậu sẽ là một chiếc xe hơi”, Sanchez nói với bạn bè mình.

Anh không làm y hệt như đã hứa, nhưng anh đã tri ân những sân bóng và đám trẻ con nhàu nhĩ bằng cách quay về xây dựng thị trấn, và mỗi khi trở về quê hương đều mang theo rất nhiều giày, bóng cho lũ trẻ. Đấy là do anh hiểu được ước ao lớn nhất của những đứa bé nghèo khổ như anh đơn giản chỉ là những đôi giày lành lặn. Đôi giày đầu tiên Sanchez có là món quà của thị trưởng thành phố, một CĐV bóng đá không thể giúp đỡ thực hiện giấc mơ của mọi đứa trẻ nhếch nhác, nhưng bị thuyết phục vì sự kiên quyết của thằng bé. Nó đen trùi trũi, gày như suy dinh dưỡng, nhưng cực nhanh và linh động trong những bước di chuyển. Sanchez tạo ra khác biệt với lũ trẻ bằng sự tự tôn và kiên định vượt qua khó khăn của mình.






Cú cứa lòng ghi bàn của Sanchez hạ Dortmund.

10 tuổi, Sanchez đến Rancagua, một trong những học viện bóng đá trẻ được điều hành bởi Universidad Catolica, đội bóng của thành phố Santiago. Nhưng vì khó khăn, anh phải về nhà. Năm 16 tuổi, giấc mơ cháy lên lần nữa: Sanchez ra mắt lần đầu ở giải VĐQG trong trận đấu của Cobreloa, và năm 17 tuổi, thì Udinese kí hợp đồng với anh, cho mượn đến Colo-Colo rồi trở lại Santiago. Buenos Aires là một điểm dừng chân khác: Sanchez chơi cho River Plate, nơi anh vô địch Clausura và sau 3 năm cực kì thành công, kí hợp đồng với Barcelona với giá 26 triệu euro, tăng hơn giá cái giá 11,5 triệu vào năm 2011.

Tài năng giúp Sanchez nhanh chóng trở thành một “Nino Maravilla” (cậu bé kì diệu) của bóng đá Chile, trung tâm dự án của HLV đội tuyển quốc gia Marcelo Bielsa, và cầu thủ xuất sắc nhất Serie A. Anh ghi 12 bàn, cung cấp 11 đường kiến tạo trong mùa bóng cuối cùng ở Udinese. Chính anh gọi mình lúc đó là “jugadorazo”, một cầu thủ vĩ đại, để rồi vào tháng 3/2013, khi phong độ của Sanchez xuống thấp, báo chí Catalunya dùng chính tuyên ngôn “jugadoraso” (là “s” chứ không phải “z”, theo phát âm của những đồng đội anh tại Barca) để chống lại Sanchez.


Bàn thắng tuyệt đẹp của Alexis Sanchez

39 bàn sau 88 trận của Sanchez không đủ để thuyết phục Barcelona giữ anh lại, bất chấp các đồng đội đã thừa nhận nỗ lực tuyệt vời ấy, và cố HLV Tito Vilanova khen ngợi anh là “luôn luôn cố gắng”, mà hiếm khi phàn nàn. Sanchez ghi bàn chỉ kém Messi tại Barca mùa trước, nhưng đen đủi, đỉnh cao của anh nằm ở điểm thấp nhất trong quá trình đi xuống của Barca. Neymar đến, Sanchez đi, và Arsene Wenger chào đón.

“Cuộc cách mạng Nam Mỹ” của Wenger

Các cầu thủ Nam Mỹ chưa bao giờ có chỗ đứng tại Arsenal. Dù là người mua cầu thủ Argentina đầu tiên trong lịch sử Premier League (Nelson Vivas, từ Boca Juniors với giá 1,6 triệu bảng), Arsene Wenger không ưa chuộng các cầu thủ Mỹ Latin. Thứ bóng đá chỉn chu của Arsenal không cổ súy những pha xử lý ngẫu hứng, và sự “ngoan đạo” của Wenger cũng không dành chỗ cho những cá tính nổi loạn thường rất thiếu chuẩn mực trong sinh hoạt: Trong hơn 16 năm dẫn dắt Arsenal, ông chỉ dùng đúng 3 cầu thủ người Brazil, và đều là những mẫu vũ công bị châu Âu hóa: Gilberto Silva, Edu, và Denilson.

Cho nên, Alexis Sanchez có thể coi là biểu tượng cho sự thay đổi của tư duy Wenger giai đoạn này. Ông đã cố sử dụng các cầu thủ người Pháp, người Anh, rồi vài năm gần đây là người Đức, nhưng sự nổi lên quá mạnh mẽ của các cầu thủ tấn công Nam Mỹ khiến Arsenal không thể đứng ngoài cuộc. Man City có Sergio Aguero. Man United có Radamel Falcao, Angel Di Maria. Chelsea có Diego Costa (gốc Brazil), Willian, Oscar. Arsenal phải có Sanchez, và đã mua Sanchez, bất chấp chi 35 triệu bảng cho một cầu thủ không phải cách làm Wenger ưa chuộng.


Một cầu thủ chưa bao giờ vơi khao khát chiến đấu.

Wenger đã phải đầu hàng: “Nhìn khắp châu Âu thì các tiền đạo đến từ đâu? Ít nhất 80% từ Nam Mỹ”, ông nói ngày 1/11 trên Daily Mail. “Bóng đá đường phố phát triển không mạnh ở châu Âu. Nhưng trên đường phố, 1 cầu thủ 10 tuổi sẽ đá bóng chống lại 1 cầu thủ 15 tuổi. Bạn phải chứng minh rằng bạn giỏi. Rồi bạn phải chiến đấu ngay trong những pha bóng khó thở nhất. Khi bóng đá được công thức hóa, bạn ít có điều kiện phát triển các kĩ năng bẩm sinh và tính chiến dấu. Chúng tôi đánh mất một chút những thứ đó”.

Sanchez cung cấp thiếu hụt ấy của Arsenal, mà như Wenger thừa nhận, anh rất giống Luis Suarez, cựu cầu thủ quốc tịch Uruguay của Liverpool. “Các cậu bé châu Âu ngày càng được bao bọc kĩ lưỡng hơn, cầu thủ châu Âu ngày càng mềm yếu hơn”, vẫn lời Wenger. Ông cho rằng Sanchez có tính chiến đấu mà lần gần nhất Arsenal sở hữu từ tận thời kì của những Tony Adams và Martin Keown. Mềm yếu? Wenger đã phải chỉ trích chính cầu thủ của mình sau trận hòa Anderlecht tại Vòng bảng Champions League mùa này, mà từ thế dẫn 3-0, Arsenal bị gỡ 3 đều.

Cựu tiền đạo Davor Suker gần đây khuyên nhủ: “Tôi tin ở Wenger. Nhưng ông ấy cần mua những cầu thủ có tinh thần mạnh mẽ như Tony Adams”. Chính Santi Cazorla thừa nhận trước bán kết FA Cup gặp Wigan năm ngoái rằng, cầu thủ Arsenal thiếu tinh thần chiến đấu. Tháng 12/2013, Mourinho gọi Arsenal là “những đứa trẻ mít ướt” (baby cry), còn năm 2009, Evra gọi cuộc chiến Man United – Arsenal ở bán kết Champions League là “giữa 11 người đàn ông, với 11 đứa trẻ ranh”. Bằng chứng quá nhiều.


Sanchez cùng Arsenal hạ Dortmund 2-0.

Sanchez cung cấp cho Arsenal những gì họ đã từng có, những gì họ đang có và những gì họ muốn có thêm. Walcott đi bóng rất hay, nhưng không thể dùng động tác giả loại 2-3 cầu thủ rồi sút ghi bàn như Sanchez (trận gặp Hull City). Dùng tốc độ vượt qua đối phương? Chamberlain dư sức, nhưng lao theo đối thủ đến tận đường biên ngang để tranh bóng sau khi mất, thì chỉ Sanchez đủ nhiệt huyết để làm: Anh như một đứa trẻ ích kỉ đòi lại món đồ chơi vừa mất (khác gì thằng bé năm xưa giữ rịt quả bóng trong tay đâu?), lao đến cướp bóng trong chân các cầu thủ Sunderland 2 lần, để ghi 2 bàn.

Không như các tiền vệ cánh cổ điển người Anh, Sanchez chơi tự do, bó vào trung lộ, dạt biên, thậm chí đánh đầu ghi bàn dù chỉ cao 1m69 (trận gặp Burnley). Thierry Henry sút phạt giỏi? Bạn đã xem Sanchez sút phạt hạ Southampton?

Đấy là mẫu cầu thủ mà rất lâu rồi Arsenal mới có được. Đắt giá, nhưng không “mềm yếu” và cần một môi trường chuẩn để phát triển như Mesut Oezil. Càng ném Sanchez ra sa mạc khắc nghiệt, anh lại càng gồng lên mạnh mẽ. Sanchez có tính chiến đấu của cựu đội trưởng Tony Adams, nhưng không thô kệch, mà lại cực kì lanh lợi. Một “jugadoraso”. Một “cầu thủ tuyệt vời”.

Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm