10/07/2013 07:06 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Trận chung kết Wimbeldon được kỳ vọng là nơi để người Scotland quên đi cuộc tranh cãi về việc họ có được lợi hay không nếu tách ra thành một quốc gia có chủ quyền trọn vẹn.
Alex Salmond vẫy cờ Scotland sau lưng David Cameron.
Nhưng hành động của Thủ hiến Scotland Alex Salmond ở khu khán đài VIP của sân Trung tâm, nơi mà Murray đối đầu với tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic để tìm lại niềm tự hào của Vương quốc Anh, đã khiến mọi chuyện xoay chiều.
Bị lợi dụng?
Vợ của ông Alex Salmond, bà Moira, khi tới sân trung tâm đã mang theo trong túi xách của mình một lá cờ Saltire với kích cỡ vi phạm quy định của giải đấu. Và khi Andy Murray đánh bại Djokovic một cách thuyết phục để đăng quang Wimbeldon, Alex Salmond đã giăng lá cờ lên cao hết sức có thể, ngay sau lưng Thủ tướng Anh David Cameron.
Hành động của ông như thể muốn đảm bảo rằng bất cứ bức ảnh nào của báo chí cũng truyền tải được tình yêu nước của ông trước chiến thắng của Murray và nhắc nhở mọi người rằng đây là chiến thắng của Scotland.
Phản ứng từ cư dân mạng ở Anh là chỉ trích, buộc tội Salmond. Họ tố ông đang lợi dụng ngôi sao quần vợt sinh ra ở Scotland để phục vụ cho mục đích chính trị. Với một cuộc trưng cầu dân ý đã được tính tới để người dân Scotland bày tỏ chính kiến của mình về vấn đề tách ra thành quốc gia độc lập, không thể phủ nhận rằng ông Salmond làm việc trên là có chủ đích.
Tom Harris, nghị sĩ Đảng Lao động đại diện cho Nam Glasgow, cũng lên trang mạng xã hội Twitter bày tỏ sự không hài lòng với hành động vẫy cờ của Salmond: "Hãy để mọi người tự đưa ra quan điểm của mình".
Trước thềm World Cup năm 2006, Murray đã gặp phải sự cố lỡ miệng trong một bài phát biểu. Anh đã nói rằng sẽ ủng hộ bất cứ ai nhưng không phải người Anh. Tay vợt này sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi, viện dẫn rằng không thể yêu nước Anh sao được khi mà HLV, bạn gái, bạn bè thân thiết... đều là người Anh.
Bản thân Murray không bao giờ muốn mình là con rối, là mục tiêu để các chính trị gia khôn ngoan lợi dụng. Người đàn ông trẻ này chẳng muốn làm gì cao sang hơn ngoài cầm vợt tennis lên và chiến đấu.
Ý nghĩa thực sự của thể thao
Có những lúc thành công của thể thao tượng trưng cho tầm quan trọng của chính trị. Tiêu biểu có trận đấu giữa võ sĩ quyền Anh người Mỹ , Joe Louis, và đối thủ Max Schmeling của Đức vào năm 1938, thời điểm trước chiến tranh thế giới thứ 2.
Tổng thống Franklin D. Roosevelt khi đó đã nói với Louis: “Joe, chúng ta cần cơ bắp như của bạn để đánh bại Đức”. Sau này, Joe nhớ lại: “Tôi chiến đấu vì lý do cá nhân và vì toàn bộ đất nước này dựa vào tôi”.
Geoff Hurst, cầu thủ đã lập hat-trick trong chiến thắng của tuyển Anh trước Tây Đức ở trận chung kết World Cup năm 1966, nhớ rằng một tờ báo lớn ngay ngày hôm sau đã giật tít ở trang bìa “Người Anh vô địch World Cup”, nhưng nó chỉ chiếm một góc nhỏ và hoàn toàn bị lấn át bởi những câu chuyện được đánh giá cao hơn, chẳng hạn như về phiến quân Nigeria với bản đồ lớn và thông tin của các quốc gia châu Phi có liên quan.
So sánh với tờ The Times số ra một ngày sau khi Murray vô địch Wimbledon 2013, giải đấu ít được quan tâm hơn so với bóng đá, có tới 8 trang đầu tiên dành cho chiến thắng có ý nghĩa lớn này.
Chính trong bối cảnh này, chúng ta cần xem xét ý nghĩa thực sự của thể thao. Nó là một trò chơi, nơi để làm kinh tế hay là phương tiện truyền thông; nhưng so với thế giới chính trị, nó hoàn toàn tinh khiết. Có lẽ đó cũng là lý do thực sự để chúng ta yêu mến nó.
Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất